Trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, với thầy cô, học sinh và phụ huynh, Nhà sử học, GS. NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam rất tán thành việc cần phải cải cách thi cử, trong đó có việc đổi mới ra đề thi. Trong chủ trương đó, GS. Lê cho rằng nếu chủ trương ra đề thi vẫn nặng về kiểm tra kiến thức, hiểu biết các sự kiện và một số vĩ nhân lịch sử nhất định thì rõ ràng phải thay đổi.
Các học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn sử được tuyên dương sáng nay. Ảnh Xuân Trung |
Đề cập tới vấn đề cách ra đề thi môn lịch sử hiện nay ở các kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh ĐH, CĐ, theo GS. Lê đề thi lịch sử không phải là đo kiến thức học sinh, mà phải hiểu căn bản về phân tích, tổng hợp để thẩm định được những hiểu biết thực sự, đặc biệt là cách vận dụng hiểu biết đó của học sinh theo tư duy của mình. Đó là mang tính sáng tạo, phản ánh thực chất.
Qua đây, GS. Lê cũng thông báo, từ năm 2014, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp với NXB Giáo dục thống nhất chủ trương có cuộc thi mang tính quốc gia với chủ đề: “Em yêu lịch sử”.
GS. Phan Huy Lê, ông Vũ Ngọc Hoàng-đứng giữa (Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ) và lãnh đạo Bộ GD&ĐT thắp hương tưởng nhớ tiền nhân ở nhà Thái học. Ảnh Xuân Trung |
Đây là cuộc thi nhằm động viên, cổ vũ những học sinh, những lớp trẻ say mê tìm hiểu lịch sử dân tộc. Ở cuộc thi này đề thi sẽ ra hoàn toàn theo tinh thần mới, sẽ không đo kiến thức cụ thể của học sinh mà đo tấm lòng của học sinh, ý thức, nhận thức về lịch sử, những hiểu biết thực sự trong khối óc và trái tim của các em.
Điều này cho thấy, việc dạy học lịch sử tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập cần khắc phục. Giáo dục lịch sử trong nhà trường cần tập trung những giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống và đạo lý dân tộc, những tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong buổi sáng nay, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ phát triển sử học Việt Nam đã tuyên dương, trao thưởng cho 6 học sinh đạt giải nhất, 51 giải nhì, 73 giải ba và 87 giải khuyến khích.