Trong lúc dạy học trực tuyến qua internet, các thầy cô của trường Trung học phổ thông Trung học phổ thông Đakrông (Huyện Đakrông, Quảng Trị) đã rất xúc động khi thấy trên màn hình hiện lên cảnh Hồ Thị Tăm (Dân tộc Vân Kiều) - học sinh lớp 12B6 và em Hồ Thị Sương (Dân tộc Vân Kiều)– đang học lớp 12B2 ngồi học giữa đồi.
Trong một buổi sáng giao mùa tại thôn, các thầy cô giáo ở trường Đakrông đã thực sự cảm động khi thấy “phòng học” đặc biệt của 2 cô học trò nhỏ.
Giữa mỏm đồi thôn Khe Ngài (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), “phòng học” đặc biệt đã được dựng lên.
“Phòng học” ấy là tấm bạt xanh được chống tạm bằng mấy cây tram của nhà trồng được, xung quanh không có vật dụng gì để chắn gió, bàn học của các em là chiếc loa thùng hỏng được các em tận dụng.
"Phòng học" giữa mỏm đồi của 2 nữ sinh trường Trung học phổ thông Đakrông (Ảnh: Trường Đakrông) |
Thời tiết vùng cao và đang chuyển mùa, những cơn gió lạnh cứ thế lùa vào nhưng hai em vẫn chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy cô qua chiếc điện thoại khá cũ.
Chia sẻ về lý do phải lên đồi học, em Hồ Thị Tăm cho biết: “Do nhà chúng em ở dưới trũng, bốn bề đều là đồi cho nên ở nhà em thì không bắt được sóng, còn nhà bạn Sương thì sóng yếu quá nên chúng em lên đồi để bắt được sóng 4G.
Nữ sinh lớp 11 làm clip tiếng Anh tuyên truyền về phòng chống Covid-19 |
Những ngày đầu mới học qua mạng, chúng em thường rủ nhau lên đồi trước nhà tìm chỗ có sóng để vào mạng cho mạnh, nhưng mấy ngày qua trời mưa mãi, sách vở ướt nên bố mẹ của em và bạn Sương làm cho cái lều này để học ạ”.
Được biết, khi thấy con mình cứ buổi sáng lại chạy lên đồi để học, sợ con tối về lại ốm do cảm lạnh, bố mẹ của em Tăm và Sương đã bàn nhau dựng cho hai em một cái lều tạm để không lo bị ướt trong những ngày mưa phùn như thế này.
Một phòng học với 6 cây tràm của nhà trồng và mua một phong bạt mới để dựng tạm chỗ che mưa nắng được hai gia đình dựng lên cho các em học tập.
Vất vả là thế, nhưng từ ngày trường tổ chức dạy học qua internet, cả hai em đều tham gia học rất chăm chỉ và tích cực, chỉ có nghỉ một buổi.
Buổi nghỉ học ấy chính là buổi học các em phải “hi sinh” để đi làm rẫy thuê lấy tiền mua sim 4G học trực tuyến.
Nói về việc học trực tuyến, Sương cho biết: “Năm nay là năm cuối cấp nên em cảm thấy rất lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Đôi bạn cùng tiến trong phòng học đặc biệt giữa đồi. Ảnh: Trường Đakrông |
Cũng may, thầy cô ở trường dạy học qua internet rất nhiệt tình và luôn động viên, hướng dẫn làm bài tập cụ thể nên chúng em cũng thấy yên tâm hơn.
Chúng em muốn nhanh hết dịch để lại được đến trường học cùng thầy cô và các bạn, năm nay em quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp để đi làm”.
Hình ảnh đẹp về hai cô học trò nhỏ nhắn ngồi học bài qua điện thoại dưới lán nhỏ giữa những quả đồi miền sơn cước đã khiến các giáo viên trường Đakrông xúc động vô cùng.
Được biết, em Hồ Thị Tăm học sinh lớp 12B6, gia đình thuộc hộ nghèo, gia đình không có nghề nghiệp ổn định khi bố Tăm đi chăn bò, mẹ cùng em trai đi phát rẫy thuê, em gái đang học lớp 8.
Bộ trưởng Nhạ biểu dương sinh viên dựng lán học online giữa núi rừng |
Khi chưa có dịch, Tăm đi học bằng xe đạp, phải qua sông, tiền đò 1 năm 300 ngàn đồng, số tiền ấy là số tiền lớn đối với gia đình em, nhưng cả nhà đã giành dụm cho em đến trường mong có cái chữ để thay đổi cuộc sống.
Còn em Hồ Thị Sương, học sinh lớp 12B2 cũng là nữ sinh có hoàn cảnh rất khó khăn khi bố mất sớm, gia đình có 10 anh chị em đang đùm bọc nhau.
Dù hoàn cảnh còn khó khăn, vất vả nhưng các em đều học hành rất chăm chỉ.
Khâm phục cho ý chí học tập của các em và đã truyền lửa lại cho chính những giáo viên vùng cao có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn trước mắt, ấm thêm từng bài dạy.
Thầy giáo Lê Chí Thông, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Đakrông cho biết: Thực kiện kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị về việc dạy học qua internet và tiếp sóng dạy học qua truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh trung học.
Trường Trung học phổ thông Đakrông đã xây dựng Kế hoạch số 118/KH-THPTĐkr ngày 21/3/2020 về dạy học qua internet và tiếp sóng dạy học qua truyền hình.
Theo đó, nhà trường tổ chức dạy học qua internet cho học sinh toàn trường theo thời khóa biểu, bắt đầu từ ngày 26/3/2020.
Qua khảo sát 781 học sinh toàn trường có 61% học sinh có điện thoại smartphone, tuy nhiên chỉ có 45% số học sinh kết nối được internet thông qua wifi và 4G (trong đó 70% qua mạng 4G).
Riêng đối với khối 12, trong số 225 học sinh có đến 65% có điện thoại smartphone nhưng chỉ có 52% số học sinh kết nối mạng internet.
Trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh để tuyên truyền vận động hỗ trợ thiết bị cho các em có điều kiện tốt nhất để học tập”.
Từ bàn học của 2 nữ sinh trường Đakrông. Ảnh: Trường Đakrông |
Tuy nhiên, Thầy Lê Chí Thông cũng cho biết, “Do điều kiện kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn nên số lượng học sinh có thêm thiết bị kết nối được internet còn hạn chế.
Bên cạnh đó, do địa hình cách trở, nên nhiều học sinh có điện thoại smartphone nhưng không kết nối được mạng 4G.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tổ chức dạy học qua internet của nhà trường.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn bước đầu về thiết bị kết nối internet của học sinh, nhưng bằng sự đam mê học tập, nhiều học sinh đã tận dụng các điểm có sóng wifi, mạng 4G để vào học online, nhiều em không có thiết bị nhưng đã tham gia cùng để học tập”.
“Vì vậy, để giúp các em có thêm điều kiện để tham gia học qua internet và truyền hình trong thời gian nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19, nhà trường đã tổ chức quyên góp để tặng sim 4G, điện thoại cho những học sinh có hoàn hoàn cảnh khó khăn và rất mong có được sự chung tay của các tấm lòng hảo tâm giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn”, Hiệu trường Đakrông chia sẻ.