Hãy mạnh dạn bỏ kì thi Quốc gia!

07/04/2020 06:30
Cao Nguyên
(GDVN) - Không thể đánh giá kết quả của 12 năm học chỉ bằng một kì thi trung học phổ thông quốc gia.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kì thi trung học phổ thông quốc gia cho học sinh sau khi học xong chương trình lớp 12 nhằm mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, đánh giá kết quả của 12 năm học chỉ bằng một kì thi trung học phổ thông quốc gia là bất cập vì những lí do sau đây.

Dùng điểm thi để đánh giá một quá trình học là khập khiễng

Để được công nhận tốt nghiệp, học sinh phải làm 4 bài thi, đó là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Học sinh làm bài thi từ 60 phút đến 150 phút tùy theo môn, tổ hợp môn và dùng điểm thi này để đánh giá một quá trình học 12 năm là khập khiễng.

Không thể đánh giá kết quả của 12 năm học chỉ bằng một kì thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Không thể đánh giá kết quả của 12 năm học chỉ bằng một kì thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Hơn nữa, học sinh thi chung một đề, chấm cùng một đáp án để lấy điểm số xét vào các trường đại học là bất cập.

Chẳng hạn như, đề thi môn Ngữ văn trung học phổ thông quốc gia các năm qua là phù hợp cho mặt chung chung để xét tốt nghiệp.

Nhưng đề thi này không phù hợp với thí sinh thi vào ngành Ngữ văn, Báo chí, Sư phạm Ngữ văn…

Bởi mỗi ngành có một đặc thù riêng - như báo chí thì đánh giá thí sinh qua khả năng thu thập và xử lí thông tin; sư phạm ngữ văn lại cần khả năng giảng dạy - cho nên việc ra đề thi không thể theo kiểu “đồng phục”. 

Hoặc là, sinh viên chuyên ngành Toán cũng khác với Toán của các ngành kĩ thuật, vì đào tạo ngành Toán thiên về nghiên cứu – mang tính tổng hợp, còn Toán kĩ thuật là chuyên sâu cho từng lĩnh vực khác nhau.

Không công bằng, phân biệt vùng miền

Có thể khẳng định, học sinh ở các địa phương khác nhau thì điều kiện học tập không giống nhau.

Nếu học sinh cả nước cùng thi chung một đề thì làm sao các em vùng nông thôn, vùng cao, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo “chọi” lại học sinh ở thị trấn, thị xã, thành phố?

Duy trì thi quốc gia như hiện nay là lợi bất cập hại
Duy trì thi quốc gia như hiện nay là lợi bất cập hại

Hoặc ở phạm vi nhỏ hơn, trong cùng một tỉnh thành, học sinh trường chuyên lớp chọn rõ ràng ăn đứt học sinh ở các trường thường, thì đó là điều thiếu công bằng.

Và để công bằng trong thi cử, nhiều năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường hợp được cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh được cộng nhiều mức điểm ưu tiên khác nhau tùy vào tiêu chuẩn ưu tiên cụ thể.

Ví như, học sinh là người dân tộc thiểu số; ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc… thì được cộng 0,25 điểm. [1]

Tuy vậy, điểm ưu tiên này cũng chỉ bù đắp một phần (nhỏ) nào đó cho những thí sinh ở vùng điều kiện khó khăn, cho nên cũng không thể thuyết phục do sự bất hợp lí của một đề thi chung quốc gia gây ra.

Bình luận về sự công bằng trong thi cử, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc C. (hiện là giảng viên dạy thỉnh giảng cao học của một trường đại học ở Hà Nội) bình luận:

“Công bằng là một trong những mục tiêu cao đẹp của giáo dục. Giáo dục phải là môi trường tốt nhất đảm bảo và nuôi dưỡng sự công bằng. 

Nhưng nếu nền giáo dục lại tự mình sinh ra bất công thì vô tình đã đi ngược với mục tiêu giáo dục.”

Cũng theo vị Tiến sĩ này, việc thi chung một đề thi toàn quốc dẫn đến điểm chênh lệch vùng miền rất cao. 

Việc gian lận để chạy thành tích chỉ là một mặt. Ở mặt khác, nó gây nên sự phân biệt vùng miền và đưa đến gánh nặng tâm lý cho các vùng có điểm thi thấp. 

Điểm thi thấp đã thành hệ thống sẽ làm cho học sinh vùng đó mất tự tin trong thi cử và học tập, ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến sự thiếu tự tin mà ảnh hưởng đến cả sự nghiệp về sau.

Điều này một phần lý giải tại sao sai phạm về sửa bài thi, nâng khống điểm thi, lại xảy ra ở một loạt các tỉnh miền núi, nơi điều kiện học tập thua xa các thành phố lớn.

Thay đổi căn bản về vai trò của tốt nghiệp phổ thông trung học

Trước tình hình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Toàn bộ đề tham khảo thi trung học phổ thông quốc gia 2020
Toàn bộ đề tham khảo thi trung học phổ thông quốc gia 2020

Thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất Bộ thay đổi phương án thi quốc gia năm nay, khi mà học sinh đã phải nghỉ rất dài vì dịch bệnh Covid -19 và chưa biết khi nào có thể trở lại trường.

Báo Thanh Niên dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Thành phố Hà Nội nêu ý kiến:

“Vì sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh được đặt lên hàng đầu, nên nếu không kịp thì tính đến việc kể cả Bộ có thể dừng thi quốc gia năm nay. 

Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường thi hoặc xét tốt nghiệp trong năm nay, khi mà dịch bệnh xảy đến bất ngờ, buộc chúng ta phải có giải pháp đặc thù để ứng phó”. [2]

Bàn về việc Bộ tổ chức một kì thi quốc gia như hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc C. nêu quan điểm, trước đây khi giáo dục, khoa học và công nghệ ở mức độ phát triển thấp hơn, thì giáo dục phổ thông giữ một vai trò quan trọng.

Cụ thể, người có trình độ tốt nghiệp Tiểu học, Trung học cơ sở, và Trung học phổ thông, tùy theo giai đoạn mà được xã hội đề cao.

Các bậc tốt nghiệp đó đều được lấy làm căn cứ để xin việc làm, đeo duổi sự nghiệp. Các bậc tốt nghiệp đó là một thước đo giáo dục trong xã hội.

Ngoài ra, xã hội hiện nay đang ở mặt bằng khoa học và công nghệ rất cao. Cùng ở một lứa tuổi, nhưng tri thức của học trò bây giờ nhiều hơn tri thức của học trò các đây 50 năm. 

Vì xã hội ở mức phát triển cao, nên công việc đòi hỏi nhiều kiến thức cao hơn so với kiến thức của bậc trung học phổ thông. 

Mặt khác, nhờ tiến bộ của khoa học và công nghệ, con người dễ dàng thu nạp được kiến thức qua thiết bị đa phương tiện và Internet, thậm chí còn biết được những kiến thức ngoài phạm vi trung học phổ thông. 

Do đó, tốt nghiệp trung học phổ thông trở thành “yêu cầu giáo dục sơ cấp” của xã hội. Đó cũng là vì sao phải phổ cập phổ thông trung học.

“Bởi thế, việc xác định tốt nghiệp trung học phổ thông là việc của các thầy cô dạy học và của nhà trường nơi học sinh theo học. 

Việc chứng nhận đã học hết trung học phổ thông – một “yêu cầu giáo dục sơ cấp” không thể là “đại sự của toàn quốc”

Còn việc nhận học sinh vào học đại học - phải là việc của chính các trường đại học.

Ở nhiều nước (trong đó có Hoa Kỳ), đã từ lâu việc xác nhận kết thúc trung học phổ thông là việc của trường trung học phổ thông; và việc tuyển sinh đại học là việc riêng của mỗi trường đại học”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc C. phân tích.

Kiến nghị, đề xuất

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 gây ra còn diễn biến phức tạp, chưa biết lúc nào chúng ta mới có thể khống chế hoàn toàn và thế giới cũng vậy – nghĩa là vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm khi giao thương trở lại bình thường.

Để giải quyết chương trình học kì 2 của năm học này kịp tiến độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản một phần nội dung kiến thức; ngành giáo dục các địa phương tổ chức dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình nhằm đảm bảo học sinh không bị gián đoạn việc học.

Thế nhưng, ảnh hưởng của dịch thì vẫn còn đó, việc tổ chức cho học sinh học tập trở lại sau đó không thể “một sớm một chiều” là có thể giải quyết ổn thỏa mọi chuyện.

Cho nên, với thẩm quyền của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có thể đề nghị Chính phủ bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, thay vào đó là công nhận tốt nghiệp; việc tuyển sinh đại học thì giao cho các trường đại học tự quyết.

“Đừng biện hộ rằng bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thì chất lượng giáo dục xuống cấp.

Chất lượng giáo dục cô đọng từ cả quá trình giáo dục lâu dài, chứ không đùn ra từ một kỳ thi.

Chất lượng của học trò trước hết phụ thuộc vào người dạy, sau đó mới đến trường học.

Cho nên muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải đề cao thầy cô giáo đầu tiên, sau đó là đề cao trường học – chứ không phải là đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chừng nào thầy cô giáo không được đề cao đúng mức thì chừng đó giáo dục còn mãi tụt hậu”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc C. lí giải vì sao nên bò kì thi quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thoidai.com.vn/thi-thpt-quoc-gia-2019-thi-sinh-nao-duoc-cong-diem-uu-tien-khuyen-khich-74458.html

[2] //thanhnien.vn/giao-duc/thu-tuong-yeu-cau-bo-gd-dt-de-xuat-phuong-an-thi-thpt-quoc-gia-phu-hop-1204904.html

Cao Nguyên