Hệ thống trường sư phạm của cả nước chỉ nên còn 8 cơ sở

23/08/2018 06:37
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở.

Hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc cấp bách quy hoạch trường sư phạm để "siết" chất lượng, số lượng. 

Ngày 17/8, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: 

“Những năm trước, chúng tôi cũng đã tiến hành làm công tác quy hoạch mạng lưới trường sư phạm và năm nay sẽ được triển khai mạnh mẽ bởi lẽ muốn quy hoạch thì phải tuân theo quy trình của Luật Quy hoạch trong khi Luật Quy hoạch vừa mới được ban hành. 

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm giải pháp đồng bộ trong việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm nói riêng và hệ thống giáo dục đại học nói chung". 

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở. (Ảnh minh họa: VTC)
Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở. (Ảnh minh họa: VTC)

Theo đó, quy hoạch theo hướng có các chuẩn chất lượng theo từng trường, trên cơ sở đó sẽ đánh giá điều kiện chất lượng của từng trường nếu trường nào đảm bảo chất lượng thì tiếp tục cho tuyển sinh, đào tạo.

Còn cơ sở giáo dục nào không đảm bảo thì cơ quan chủ quản là các Bộ, ngành địa phương cần xác định nếu cần thiết thì phải đầu tư, nếu không cần thiết thì thay đổi chức năng, nhiệm vụ thậm chí chí cho sáp nhập, giải thể... để đảm bảo chất lượng cho cả hệ thống giáo dục đại học. 

Cũng theo bà Phụng, địa phương đặc biệt là trong thời gian tới cần phải có trách nhiệm trong việc xác định nhu cầu sử dụng nhân lực sư phạm trong thời gian tới thông qua tốc độ tăng dân số, dự báo về độ tuổi đi học, quy mô trường lớp...để đặt hàng với ngành giáo dục, có như vậy thì đào tạo mới gắn chặt và đáp ứng nhu cầu sử dụng. 

Hệ thống trường sư phạm của cả nước chỉ nên còn 8 cơ sở  ảnh 2Ngổn ngang bài toán đào tạo giáo viên và sự trì trệ của Bộ Giáo dục

Cùng ngày, tại Hội thảo giáo dục 2018, Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dẫn số liệu cho biết:

Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện, bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. 

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm).

Ông Minh cũng cho biết, năm 2017, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã có những thống kê cơ bản về đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo không còn cao như cách đây hai thập kỷ.

"Trong thực tế, với số lượng các cơ sở đào tạo giáo viên như trên và với thực trạng tuyển sinh khá lớn, thiếu kiểm soát của các trường nhóm ngành Sư phạm sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, hệ quả không chỉ gây lãng phí tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội", thầy Minh bày tỏ quan ngại.

Ngoài ra, việc tổ chức và chất lượng đào tạo của các trường đang không đồng nhất, điều đó tác động không tích cực đến sự phát triển giáo dục vì muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có người thầy giỏi.

Hệ thống trường sư phạm của cả nước chỉ nên còn 8 cơ sở  ảnh 3Miễn, giảm học phí chỉ là một phần để cầu người tài vào ngành sư phạm

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Minh, hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập.

Trong điều kiện khó khăn, nền kinh tế - xã hội, khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống trường Sư phạm cồng kềnh như hiện nay. 

Do đó, việc đầu tư kiểu dàn trải đã không tạo ra được một sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.

Từ thực tế đó, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hơn bao giờ hết, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay là rất cấp bách nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đất nước trong thời kỳ mới.

Ông Minh dẫn chứng mô hình cung cấp nguồn giáo viên ở một số nước tiên tiến trên thế giới. Mạng lưới các trường đào tạo sư phạm ở quốc tế có xu hướng gọn nhẹ.

Một mặt củng cố mô hình đào tạo sư phạm truyền thống, một mặt chuyển dần mô hình đào tạo giáo viên truyền thống thành trường đa ngành/đa lĩnh vực, linh hoạt về đầu ra.

Chẳng hạn ở một số bang của Mỹ, chỉ gần một nửa giáo viên mới vào nghề là sinh viên Sư phạm tốt nghiệp từ các trường sư phạm theo kiểu truyền thống. 

Sự phát triển các chương trình đào tạo giáo viên linh hoạt được Nhà nước Mỹ ủng họ, vì chúng thu hút một lực lượng đông đảo mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động giáo dục ở nhiều loại hình cơ sở giáo dục khác nhau. 

Chương trình tự chọn linh hoạt khẳng định được hiệu quả, có thể nâng số lượng giáo viên cùng lúc với việc duy trì hoặc thậm chí cải tiến chất lượng giảng dạy. 

Từ thực tế đó, bản báo cáo của Bộ Giáo dục Mỹ trước Quốc hội về chất lượng của những chương trình giáo dục sư phạm đưa ra 4 kiến nghị có ảnh hưởng đến các trường sư phạm và những chương trình đào tạo truyền thống:

Thứ nhất, hỗ trợ sự phát triển những mô hình mới về đào tạo giáo viên có tính chất địa phương hơn và dựa trên những chương trình linh hoạt, nhằm tạo ra những giáo viên có kỹ năng thực hành nghề đáp ứng được yêu cầu cao của các trường phổ thông ở các địa phương.

Thứ hai, hỗ trợ sáng kiến của các tiểu bang nhằm kết thúc tình trạng độc quyền trong đào tạo giáo viên của các trường sư phạm.

Thứ ba, giúp các tiểu bang tổ chức sắp xếp hợp lý hơn những yêu cầu về việc cấp bằng, chú trọng nhiều hơn đến khả năng sử dụng ngôn ngữ nói và nội dung kiến thức môn học, tạo ra những chuẩn mực đánh giá mới và có tính chất thử thách cao đối với thí sinh sư phạm.

Thứ tư, khuyến khích những nỗ lực của các tiểu bang trong việc thay đổi thẩm quyền đánh giá chất lượng của giáo viên mới vào nghề, chuyển giao thẩm quyền này từ cấp quản lý nhà nước sang các hiệu trưởng trường phổ thông.  

Và một số nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng các trường Sư phạm và các chương trình đào tạo giáo viên truyền thống đã tỏ ra thất bại trong việc tạo ra những "sản phẩm" chất lượng cao theo yêu cầu được nêu trong Luật.

Hệ thống trường sư phạm của cả nước chỉ nên còn 8 cơ sở  ảnh 4

Sinh viên giỏi chưa thiết tha làm thầy, không chỉ vì việc làm hay thu nhập

Do đó, việc rập khuôn đào tạo giáo viên theo mô hình sư phạm truyền thống tỏ ra lãng phí và không hiệu quả.

Ở Úc, đào tạo giáo viên cũng linh hoạt theo yêu cầu của xã hội và dịch chuyển nghề nghiệp; ví dụ nếu tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học cơ bản có thể học thạc sĩ giáo dục để trở thành giáo viên.

Nước này hiện có tới 62 trường đại học có khoa học ngành đào tạo giáo viên. Điểm đầu vào được từng trường quy định thường là điểm kết quả các bài thi năm cuối cấp cộng với điểm đánh giá năng lực.

Chương trình đào tạo giáo viên ở Úc có: Chương trình quốc gia, chương trình khu vực và cuối cùng là chương trình nhà trường, có nhiều bộ sách giáo khoa để được lựa chọn, các bộ sách giáo khoa đều được viết dựa vào chương trình quốc gia, chương trình khu vực, chính vì vậy có những Bang sẽ sử dụng riêng một bộ sách giáo khoa.

Trong khi đó, Singapore chỉ có một đơn vị duy nhất đào tạo giáo viên trực thuộc Đại học Nanyang. Nhật Bản có 56 cơ sở đào tạo đều thuộc các trường.

Tham khảo mô hình đào tạo giáo viên của các nước, ông Minh cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình, chương trình đạo tạo giáo viên của các nước phát triển, đặc biệt là các nước châu Á lân cận.

Từ đó, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất xây dựng hệ thống trường Sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1 cơ sở. 

Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 đến 20.000 đáp ứng yêu cầu cho nguồn nhân lực giáo dục.

Mặt khác, các cơ sở khác, các trường cao đẳng Sư phạm thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương.

Thùy Linh