Học nghề đâu phải chỉ ra làm thợ!

24/04/2018 07:04
Thùy Linh
(GDVN) - “Doanh nghiệp cần gì, khi mà doanh nghiệp chưa chủ động đưa ra được các tiêu chí, cái họ cần thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cái gì?..."

Chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp từ Úc tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp”, bà Joanna Wood - Tham tán giáo dục và khoa học, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng:

Giáo dục đại học có chỗ đứng riêng, theo tiến trình tự nhiên từ tiểu học, trung học đến đại học. Từ việc thiếu nhận thức, giáo dục nghề nghiệp không được coi là sự lựa chọn đầu tiên cho con đường sự nghiệp.

Do đó, cần có thời gian để thay đổi nhận thức của mọi người. 

Học nghề đâu phải chỉ ra làm thợ! ảnh 1Lương thầy dạy nghề chỉ 2-3 triệu/tháng thì ai muốn dạy!

Bà Janna Wood cho biết thêm, quốc gia này có khoảng 4,2 triệu học viên học nghề trong tổng dân số xấp xỉ 24 triệu người.

Nước này đã thúc đẩy nhiều chương trình đa dạng như Đại sứ hướng nghiệp, Giải thưởng Đào tạo Australia… nhằm tôn vinh các cá nhân thành công và có đóng góp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, qua đó truyền cảm hứng cho cộng đồng để thu hút nhiều cá nhân tham gia học nghề.

Từ thực tế hoạt động, theo Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới các bậc phụ huynh, các học sinh để họ hiểu rõ về cơ hội khi tham gia học nghề, sẽ làm ở đâu và cơ hội thăng tiến trong tương lại như thế nào, mức thu nhập ra sao… 

Vậy làm thế nào để học sinh thích học nghề hơn học đại học, theo Tiến sĩ Khánh điều quan trọng là ra trường phải có việc làm thì người học mới vào. Khi các trường thực hiện tốt, chất lượng tốt thì chính các em học viên lại chính là cầu nối tuyên truyền cho nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang- thầy Đặng Thanh Thủy cho biết, trong công tác truyền thông hiện nay còn thiếu hình ảnh của doanh nghiệp. (Ảnh: Thùy Linh)
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang- thầy Đặng Thanh Thủy cho biết, trong công tác truyền thông hiện nay còn thiếu hình ảnh của doanh nghiệp. (Ảnh: Thùy Linh)

Đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang-  thầy Đặng Thanh Thủy cho biết, trong công tác truyền thông hiện nay còn thiếu hình ảnh của doanh nghiệp. 

“Doanh nghiệp cần gì, khi mà doanh nghiệp chưa chủ động đưa ra được các tiêu chí, cái họ cần thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cái gì? Hay vẫn chỉ đào tạo theo các giáo trình đã có sẵn?”, vị này nhấn mạnh. 

Từ những góp ý đó, về phía Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội, bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, cần ra đời giải thưởng này nhằm tôn vinh những người thợ giỏi tay nghề.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ tuyên dương các thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới.

Học nghề đâu phải chỉ ra làm thợ! ảnh 3Ở Australia, lương thợ nghề cao hơn lương cử nhân

Trong khi đó, các đơn vị, thầy giáo, học viên tiêu biểu trong lĩnh vực này chưa được quan tâm nhiều.

Cũng nên có Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp cho đội ngũ những người dành nhiều đóng góp trong hoạt động này.

Bà Hằng cũng đề nghị, để giáo dục nghề nghiệp thu hút học sinh, cần tổ chức đào tạo khép kín, đào tạo đầu vào và giải quyết việc làm học viên sau khi tốt nghiệp. 

Bên cạnh đó, nên có chương trình cho vay vốn tự tạo việc làm, khởi nghiệp cho sinh viên học nghề. Cũng cần tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ, đi học nghề không phải chỉ làm thợ. 

Với quá trình học tập suốt đời, người học sẽ có khả năng thăng tiến, học thêm kiến thức sau khi một thời gian đi làm.

Khi đó, học viên học nghề sẽ có khả năng vượt trội hơn sinh viên mới vì đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt, trưởng thành và tiếp cận nhanh hơn.

Thùy Linh