Học tập luôn được đề cao trong mỗi gia đình và xã hội Việt Nam

14/11/2014 06:26
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" đến năm 2020.

Đề án trên đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về vai trò, mục đích, ý nghĩa, nội dung, thực trạng về xây dựng xã hội học tập và các hình thức học tập suốt đời đối với từng đối tượng.

Cụ thể, Đề án phấn đấu thực hiện tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục tại các cơ quan báo chí; 95% cán bộ chuyên trách trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ chủ chốt của đài phát thanh, truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng và 100% cán bộ cấp xã, cán bộ chủ chốt của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục khác; cán bộ chủ chốt của thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...

Từ đó, Đề án phấn đấu đạt 100% học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục; 90% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 70% lao động nông thôn và lao động tự do được thụ hưởng tuyên truyền.

Xây dựng xã hội học tập sẽ góp phần giúp các thế hệ trẻ hội nhập với quốc tế.
Xây dựng xã hội học tập sẽ góp phần giúp các thế hệ trẻ hội nhập với quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án sẽ thực hiện biên tập, in ấn, đa dạng hóa, nội dung, hình thức tài liệu tuyên truyền phù hợp với các đối tượng; thực hiện tuyên truyền qua các cơ quan báo chí. Cụ thể, xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chương trình về xây dựng xã hội học tập trên các kênh chương trình quảng bá tại các đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và địa phương; mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng xã hội học tập trên các báo, tập chí in, báo điện tử.

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở; qua tin nhắn trên mạng viễn thông, mạng xã hội, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử...

Vào tháng 12/2003, tại hội thảo quốc gia về xây dựng xã hội học tập từ tầm nhìn đến hành động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự học luôn được đề cao trong tất cả mọi gia đình và trong xã hội Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề: Xã hội học tập có những đặc trưng gì; chỉ tiêu nào để đánh giá hay thế nào là học tập suốt đời; chủ thể, đối tượng trong xã hội học tập… Bên cạnh đó, là nhận diện những khó khăn, cản trở, vướng mắc đối với việc xây dựng xã hội học tập từ nguồn lực đến nhận thức, cơ chế, chính sách đánh giá trình độ nhân lực…

Phó Thủ tướng chỉ rõ 5 lưu ý trong quá trình bàn các giải pháp để thực hiện Đề án xã hội học tập ở Việt Nam một cách tốt nhất:

Thứ nhất phải xây dựng được con người Việt Nam không chỉ có kỹ năng của một công dân toàn cầu mà còn phải mang đậm bản sắc dân tộc.

Thứ hai cần phải làm sao tận dụng triệt để những thành tựu KHCN để tạo điều kiện cho mọi công dân học tập suốt đời, cho một xã hội học tập được thực hiện nhanh hơn.

Thứ ba, chúng ta xây dựng xã hội học tập cho tất cả nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước hết là những người gặp nhiều khó khăn, dễ bị thiệt thòi như: phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu sổ, ở những vùng thường xuyên bị thiên tai.

Thứ tư, là các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, hoạch định chính sách cần xác định cho được những trở ngại chính trong việc thực hiện xã hội hóa qua kinh nghiệm của các nước và ở Việt Nam.

Thứ năm, trong khi tìm ra những vấn đề vướng mắc và giải pháp để thực hiện xã hội hóa chúng ta luôn hết sức cổ vũ cho sáng tạo, đổi mới.

Ngọc Quang