Học trò lớp 12 hiểu gì về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

10/01/2018 07:20
Thùy Linh
(GDVN) - Cô học trò tên Trang hiểu rằng, muốn có công việc tốt thì không chỉ giỏi về kiến thức mà cần có khả năng làm việc, năng động và biết tạo cơ hội cho bản thân.

Ngày 8/1/2018, tôi có dịp về trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2 (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà trường tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trong buổi giao lưu đầy ý nghĩa của thầy và trò Nhà trường với vị giáo sư đầu ngành về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi biết đến cô học trò vượt khó Doãn Thu Trang – học sinh lớp 12D1 khi em đặt câu hỏi rất hay tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.  

Trong buổi giao lưu, giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho học trò trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2 (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) (Ảnh: Thùy Linh)
Trong buổi giao lưu, giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho học trò trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2 (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) (Ảnh: Thùy Linh)

Qua lời kể của Trang, tôi được biết, cô gái lớp 12 này sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp là chính, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ Trang luôn động viên hai con cố gắng học tập để thoát cảnh nhà nông. 

Chính do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô gái tên Trang luôn nỗ lực học tập hết sức để không phụ công thầy cô, không làm bố mẹ buồn lòng. 

Sự cố gắng của Trang đã được đền đáp với kết quả học tập đáng ngưỡng mộ. Đó là, cả lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12, Trang đều là học sinh giỏi toàn diện của trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2 với điểm trung bình chung các môn học theo thứ tự: 8,2; 8,4 và 8,7. 

Và Trang cũng là học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Tiếng Anh của nhà trường.

Được biết, kể từ năm lớp 11, Trang đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh vượt cấp, và vừa qua cô gái ấy cũng dự kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh lớp 12, giành giải Khuyến khích cấp tỉnh. 

Mặc dù kết quả học tập như vậy nhưng Trang vẫn khiêm tốn chỉ coi đây là kết quả “tạm ổn” để có động lực cố gắng nhiều hơn nữa nếu muốn thi đỗ đại học. 

Hiện nay, là một học sinh lớp 12, Trang ấp ủ niềm yêu thích 3 trường đại học (Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)) tuy nhiên do điểm đầu vào của cả 3 trường này rất cao nên bản thân Trang đang phải cố gắng nỗ lực trau dồi kể cả kiến thức cũng như các kỹ năng từng ngày để theo đuổi đam mê được học một chuyên ngành về ngoại ngữ của mình.

Cô học trò Doãn Thu Trang nghĩ: “Nếu chúng ta nỗ lực hết mình thì không có công việc này sẽ có công việc khác phù hợp, cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra...". (Ảnh: Thùy Linh)
Cô học trò Doãn Thu Trang nghĩ: “Nếu chúng ta nỗ lực hết mình thì không có công việc này sẽ có công việc khác phù hợp, cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra...". (Ảnh: Thùy Linh)

Nhìn cảnh nhiều anh chị khóa trên học đại học ra nhưng thất nghiệp, thậm chí phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân thì nhiều bạn trẻ có suy nghĩ chỉ tốt nghiệp cấp 3 là sẽ ở nhà đi làm công nhân thì một cô gái ở độ tuổi đôi mươi như Trang lại suy nghĩ hoàn toàn khác. 

Trang nghĩ: “Nếu chúng ta nỗ lực hết mình thì không có công việc này sẽ có công việc khác phù hợp, cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. 

Qua những câu chuyện mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã kể cho chúng em nghe, em nghĩ rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội với thế hệ trẻ bởi khi đó, chúng ta có cơ hội được tiếp xúc với thế giới hiện đại, công nghệ thông tin phát triển...

Cho nên thay vì suy nghĩ tiêu cực thì chúng ta cần nỗ lực để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để dần hoàn thiện bản thân”. 

Tuy nhiên để thích nghi được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì bản thân Trang đang vừa cố gắng học tập vừa tham gia các hoạt động của trường, lớp để tăng khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm...

Ngoài ra, cô học trò này tự nhủ, nếu đỗ được vào một trường đại học nào đó thì ngoài thời gian học tập trên lớp sẽ tham gia các câu lạc bộ, phong trào tình nguyện... để có thêm kinh nghiệm sống, trải nghiệm để hành trang cho công việc sau khi tốt nghiệp. 

Bởi lẽ, Trang hiểu rằng, muốn có một công việc tốt thì không chỉ giỏi về kiến thức mà cần có khả năng làm việc, năng động và biết tạo cơ hội cho bản thân. 

Hi vọng rằng, bằng sự cố gắng nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh gia đình như vậy, cánh cửa đại học sẽ chào đón và Trang sẽ “nhập cuộc” để trở thành công dân toàn cầu, bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thùy Linh