Ngày 10/10/2017 tạp chí Southeast Asia Globe đăng tải bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia xung quanh những cải cách giáo dục của đất nước Chùa tháp.
Tầm nhìn của ông về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), tác động ảnh hưởng đến Campuchia và các quyết sách đón đầu của ngành giáo dục nước này cũng đã được thể hiện rõ qua cuộc phỏng vấn này. [1]
Tiến sĩ Hang Chuon Naron là một nhà kinh tế từng đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính Campuchia, trước khi được điều động qua làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao năm 2013.
Tiến sĩ Hang Chuon Naron, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia, ảnh: sea-globe.com. |
Ông đã có những cải cách mạnh mẽ nền giáo dục phổ thông nước này, bắt đầu từ việc xiết chặt thi cử với nguyên lý đơn giản: không thi nghiêm, học sinh sẽ lười học.
Đợt cải cách này đã khiến học trò Campuchia chăm học hơn, giáo viên trên đất nước này cũng làm việc có trách nhiệm hơn, đất nước Chùa Tháp đang dần hình thành một xã hội học tập.
Tầm nhìn rất thực tế về Cách mạng 4.0
Không bàn xa xôi về 4.0, Tiến sĩ Hang Chuon Naron đặc biệt quan tâm đến tác động ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Campuchia.
Quốc gia này có trên 700 ngàn lao động ngành may mặc sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Ông nhận định:
"Ngày càng nhiều máy móc, rô bốt sẽ thay thế người lao động, đặc biệt là trong các nhà máy bởi vì sẽ có rất nhiều quá trình tự động hóa.
Đối với Campuchia, để bắt kịp xu thế 4.0 những người trẻ trên đất nước chúng tôi phải cải thiện được các kỹ năng của họ. Nếu không, họ sẽ không được hưởng lợi gì từ những đột phá về công nghệ.
Nếu họ không làm việc chăm chỉ và không tự hoàn thiện, tương lai họ sẽ bị đào thải."
Cải cách giáo dục ngoạn mục của Campuchia bắt đầu từ thi thật |
Sau những tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, trong đó tầng lớp trí thức và giáo viên bị thủ tiêu, việc vực dậy hệ thống giáo dục trên đất nước Chùa Tháp trong một vài thế hệ tưởng chừng như không thể.
Thoát khỏi danh sách các quốc gia có thu nhập thấp và bước chân vào danh sách các nước có thu nhập trung bình năm ngoái, Campuchia ý thức rằng, những lợi thế để bứt phá tăng trưởng kinh tế những năm qua đang mất đi.
Giờ đây, Campuchia phải tìm ra một con đường đi mới, thay thế dần các ngành sản xuất sử dụng lao động thô sơ bằng các ngành công nghiệp tri thức chuyên sâu.
Và giáo dục phải mở đường cho sự lột xác này.
Nhìn thẳng vào hiện trạng để tìm giải pháp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia chia sẻ:
"Chúng tôi nhận ra vấn đề (hiện nay) nằm ở đội ngũ giáo viên.
Trong chế độ Khmer Đỏ, 80% giáo viên đã bị sát hại, vì vậy chúng tôi đã phải tuyển dụng một lượng đông đảo những người không đủ điều kiện làm giáo viên.
Trình độ của giáo viên là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để đào tạo những giáo viên hiện có?
Tăng lương cũng là giải pháp cần thiết để thu hút những nhân tài vào ngành sư phạm. Trong 4 năm qua, chính phủ Campuchia đã tăng gấp đôi lương giáo viên.
Ngay bây giờ, giáo viên tiểu học của chúng tôi là 12+2, có nghĩa là họ tốt nghiệp lớp 12 xong chỉ cần học 2 năm (trung cấp) để trở thành giáo viên tiểu học.
Cải cách giáo dục bắt đầu từ thi cử thật nghiêm, chứ không phải bỏ thi hoặc hình thức thi. Giáo dục Campuchia đang biến đất nước Chùa Tháp thành xã hội học tập. Ảnh: Khmer Times. |
Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao trình độ tối thiểu của giáo viên tiểu học từ 12+2 thành 12+4, tức là họ phải có bằng cử nhân.
Trọng tâm của chúng tôi sẽ nằm ở những giáo viên mới. Họ phải đáp ứng được tiêu chuẩn.
Với đội ngũ giáo viên hiện có, chúng tôi khuyến khích họ tham gia một chương trình đào tạo bồi dưỡng 1 đến 2 năm."
Quyết sách táo bạo của Bộ trưởng Giáo dục Campuchia
Tiến sĩ Hang Chuon Naron nhận định:
"Chúng tôi phải tập trung đầu tư để có thể bắt kịp rất nhanh, vì chúng tôi cần những người (lao động tay nghề cao) ngay bây giờ. Chúng tôi không thể chờ đợi."
Theo ông, cải cách giáo dục sẽ mất từ 10 đến 15 năm để trở thành hiện thực, và không dễ thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Thực tế học sinh nông thôn được hưởng chất lượng giáo dục thấp hơn các bạn bè cùng trang lứa ở đô thị. Để giải quyết vấn đề này, cần có thời gian.
Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? |
Sau cải cách thi cử tốt nghiệp phổ thông quốc gia năm 2013 và liên tục duy trì đến nay, một danh sách dài các công việc chính sách đã được Bộ trưởng Hang Chuon Naron vạch ra và bắt tay thực hiện.
Trước hết là chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiểu học, trung học.
Tiếp đến, Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia đang tập trung cải cách hệ thống các trường đại học.
Mục tiêu đặt ra là sinh viên Campuchia tốt nghiệp phải có đủ các kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc.
Thêm vào đó, ông cũng đẩy mạnh cải cách công tác quản lý trường học, cập nhật các chương trình đào tạo và chuẩn hóa chương trình thi kiểm tra lớp 3, lớp 6 và lớp 8.
Ông Hang Chuon Naron cho biết:
"Tôi nghĩ rằng thế giới sẽ chia thành 2 nửa. Không riêng gì Campuchia mà ngay cả các nước phát triển cũng có tình trạng này.
Có nghĩa là sẽ có những người được đào tạo tốt và họ bắt kịp các xu hướng, trong khi số còn lại bị tụt lại phía sau.
Nhưng mỗi nước điều chỉnh tỉ lệ này như thế nào mới là điều quan trọng.
Đó là lý do tại sao chúng tôi có cách tiếp cận 2 chiều trong giáo dục.
Chúng tôi muốn cải thiện hoạt động dạy và học hiện có, nhưng đồng thời phải tập trung đầu tư để bắt kịp thật nhanh, vì chúng tôi cần người ngay bây giờ, chúng tôi không thể đợi.
Đó là lý do tại sao chúng tôi phát triển chương trình Trường học thế hệ mới (chương trình hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong đào tạo kĩ năng tư duy và các công nghệ quan trọng cho một bộ phận sinh viên)."
Một lớp học đào tạo đầu bếp tại Campuchia. Tiến sĩ Hang Chuon Naron đặc biệt chú ý đến chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: DW. |
Chương trình này sẽ xây dựng các phòng học sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) được trang bị tốt cho 200 trường trên 25 tỉnh thành; khuyến khích sinh viên tự thực hiện các nhiệm vụ học tập, huấn luyện kĩ năng, sáng tạo...
Cam kết tiếp cận bình đẳng và toàn diện các dịch vụ giáo dục cho mọi công dân không có nghĩa là cào bằng và dàn trải.
Tiến sĩ Hang Chuon Naron tin rằng, lựa chọn đúng khâu đột phá sẽ là cơ hội duy nhất, tốt nhất và sáng nhất cho Campuchia để nâng sức cạnh tranh trong những thập niên tới.
Chấp nhận đầu tư cho một nhóm sinh viên hàng đầu có thể làm tăng khoảng cách với những người còn lại không phải là vấn đề duy nhất Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia phải đối mặt với những chỉ trích.
Tuy nhiên, những cải cách của Tiến sĩ Hang Chuon Naron đã cho thấy những kết quả ban đầu.
Đặc biệt là thành quả của đợt cải cách thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2013 đang làm tăng chất lượng giáo dục phổ thông được đánh giá đúng thực chất và tăng trưởng ổn định thay vì "đột biến" bất thường.
Bộ trưởng Hang Chuon Naron đặc biệt quan tâm và thúc đẩy các chính sách tạo động lực hỗ trợ thanh niên Campuchia khởi nghiệp.
Trong một clip ngắn đăng trên tài khoản Facebook cá nhân, ông Hang Chuon Naron nhấn mạnh rằng:
"Mọi người đều có tiềm năng trở thành một doanh nhân. Chúng tôi có trách nhiệm cung cấp cho các bạn trẻ cơ hội để khám phá tiềm năng của họ, để họ chuẩn bị cho những nỗ lực trong tương lai."
Tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp là một phần của cải cách giáo dục Campuchia. Thanh niên đất nước Chùa Tháp phải được trang bị các kĩ năng trong thế giới kinh tế thực. [2]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://sea-globe.com/hang-chuon-naron/
[2]http://www.dw.com/en/how-cambodia-is-turning-its-youth-into-entrepreneurs/a-40285222