Học Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, sinh viên có cơ hội việc làm tốt

19/08/2020 06:20
Nguyễn Duẩn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dệt may.

Hàng năm, lượng tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng cho ngành dệt may của trường chiếm 40% tổng số tuyển sinh ngành dệt may của cả nước.

Nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dệt may

Với đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 283 người với trên 80% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trường là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học, cao đẳng phục vụ cho mô hình chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh.

Hiện trường đang tiến hành đào tạo 7 ngành học bao gồm: Công nghệ sợi, dệt; Thiết kế thời trang; Công nghệ may; Marketing thời trang; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Quản lý công nghiệp với quy mô hàng năm gần 5.000 sinh viên.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Duẩn)
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Duẩn)

Chương trình học tại trường được thiết kế với khối kiến thức cơ bản, nền tảng, khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành.

Đặc biệt chú trọng rèn kỹ năng tư duy, kỹ năng kỹ thuật và giải quyết các vấn đề cho sinh viên dựa trên những kết quả khảo sát nhu cầu của thị trường lao động ngành dệt may.

Để giúp đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực thực tiễn, gắn nội dung giảng dạy với thực tiễn sản xuất, hàng năm, trường đều lựa chọn từ 10-20% số lượng giảng viên để đi thực tế tại các doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất của ngành dệt may trong thời gian từ 6-12 tháng.

Không những thế, đội ngũ giảng viên tại trường được bồi dưỡng thông qua việc nghiên cứu các đề tài khoa học mang tính ứng dụng vào nghành dệt may như: Tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến ngành dệt may, ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế thời trang…

Để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu dạy và học của sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chú trọng đầu tư cơ sở vật chất ngang tầm doanh nghiệp trên diện tích lên đến 60.000m2 bao gồm các khu giảng đường với 88 phòng học.

Việc được học tập và trực tiếp thực hành trên các thiết bị và dây chuyền hiện đại nên sau khi ra trường, sinh viên sẽ tiếp cận ngay được với thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp.

Trong quá trình đào tạo, trường liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để đưa vào giảng dạy.

Các kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị, các kỹ năng thực tế đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và theo hướng tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế được nhà trường chú trọng.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tập trung xây dựng các giáo trình chuyên ngành dệt may. Trong năm 2019, trường đã xuất bản 13 giáo trình trên toàn quốc và tiếp tục xây dựng các giáo trình nhằm cập nhật các kiến thực, công nghệ mới nhất để đưa vào giảng dạy.

Song song với đó, các hình thức đào tạo như thực tập tại doanh nghiệp; làm bài tập lớn, đồ án học phần theo dạng chuyên đề, dự án giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tư duy, tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong thực tế, đồng thời giúp sinh viên có thể khởi nghiệp ngay sau khi ra trường.

Cơ hội việc làm rộng mở

Với phương châm “học đi đôi với hành”, “lý thuyết gắn liền với thực tiễn”, sau mỗi nội dung học và nghiên cứu lý thuyết, sinh viên được thực hành cơ bản trên các sản phẩm của thị trường nội địa, thực hành giải quyết các tình huống và thực tập trên các sản phẩm xuất khẩu đồng thời được thực hành xử lý các tình huống trong sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Để thực hiện được phương châm đào tạo trên, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với gần 50 doanh nghiệp dệt may.

Các doanh nghiệp này là nơi sinh viên thực tập theo đúng mục tiêu đào tạo, tài trợ học bổng và bố trí việc làm theo đúng năng lực của sinh viên ngay sau khi ra trường.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Duẩn)
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Duẩn)

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết:

“Trong quá trình học, nhà trường phân bổ thời gian học tập của sinh viên theo hướng 55% lý thuyết và 45% thực hành.

Trong đó, thời gian thực hành bao gồm: thực hành tư duy để giải quyết những vấn đề tổng hợp trong thực tế và thực hành thao tác kỹ thuật.

Do thời gian thực hành tương đối nhiều nên khả năng xử lý công việc tương đối tốt và sát với yêu cầu của doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào từng học phần, nhà trường tổ chức việc lý thuyết và thực hành cho phù hợp.

Có những học phần các em phải học xong lý thuyết mới có thể hình thành hệ thống tư duy để giải quyết các tình huống thật trong thực tế.

Những học phần đi kèm với lý thuyết là các thao tác kỹ thuật các em sẽ được học lý thuyết và thực hành xen kẽ nhau”.

Bên cạnh đó, tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, ngay trong quá trình học, sinh viên được thực tập, làm thêm để trải nghiệm đời sống nghề nghiệp tại Trung tâm sản xuất dịch vụ thuộc nhà trường với gần 600 lao động, sử dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại như dây chuyển sản xuất veston thời trang được chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc, thiết bị tự động và lập trình.

Đây là điểm khác biệt so với các trường cùng đào tạo khối ngành dệt may. Ngôi trường cũng là môi trường chuẩn mực giúp sinh viên của tất cả các ngành học thực tập lỹ năng của người cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.

Để tạo cơ hội việc làm cho các sinh viên mới ra trường, nhà trường cũng tiến hành tổ chức chương trình ngày hội việc làm vào tháng 4 hàng năm.

Chương trình được xem như nơi giới thiệu đến các doanh nghiệp nguồn nhân lực chất lượng do chính nhà trường đào tạo.

Số liệu thống kê của nhà trường thực hiện cho thấy 96% sinh viên có việc làm ngay trong ngày hội việc làm này với mức thu nhập khởi điểm từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Quá trình học tập tại trường, sinh viên còn có cơ hội trúng tuyển tu nghiệp sinh tại Nhật với mức thu nhập hấp dẫn từ 800-1000USD/tháng.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ: “Hiện nay, hướng đào tạo sinh viên của nhà trường là đào tạo theo định hướng ứng dụng. Nghĩa là nhà trường đào tạo các kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Vì thế, theo kết quả khảo sát việc làm được thực hiện hàng năm, sinh viên của nhà trường đều đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, ít nhất là trên 90%.

Ví dụ như theo khảo sát của năm vừa rồi là 98,3% các em có việc làm sau khi ra trường và đáp ứng được tốt công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong đó, có 30-35% số sinh viên ra trường công tác tại phòng kỹ thuật, quản trị dây truyền sản xuất.

Sinh viên ra trường làm việc vận hành trực tiếp tại các nhà máy sản xuất chiếm khoảng 40%, còn lại là làm việc tại các vị trí khác. Phía đại diện các doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao nguồn nhân lực được đào tạo tại nhà trường”.

Năm 2020, nhà trường có 3 phương thức tuyển sinh chính:

1. Tuyển thẳng theo phương án riêng của trường (những thí sinh có học bạ trung học phổ thông có kết quả loại giỏi trở lên).

2. Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông

3. Xét tuyển bằng kết quả học bạ.

Trong đó hình thức tuyển sinh xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 50% chỉ tiêu và hình thức tuyển sinh xét tuyển bằng kết quả học bạ chiếm 50% chỉ tiêu còn lại.

“Năm nay, do ảnh hưởng Covid-19 nên giai đoạn học tập của các bạn trung học phổ thông bị đẩy lùi xuống gần 2 tháng cho nên để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, với hình thức tuyển sinh xét học bạ, nhà trường sẽ tiến hành xét kết quả học tập năm lớp 11 và học kỳ đầu lớp 12.

Hình thức tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ sẽ được công nhận với điều kiện các em phải tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhà trường cũng sẽ giành chỉ tiêu cho các trường hợp thi tốt nghiệp muộn có nhu cầu muốn học tập tại trường”, đại diện nhà trường cho biết.

Nguyễn Duẩn