Hội đồng thẩm định chấm đạt 100%, sao sách Cánh Diều bị phản đối nhiều nhất?

21/10/2020 06:00
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu 100% thành viên trong Hội đồng thẩm định quốc gia đã chấm “Đạt” thì tại sao chỉ riêng sách Tiếng Việt (Cánh Diều) lại bị phản đối nhiều đến vậy?

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã có rất nhiều bài viết, nêu ý kiến không đồng tình với một số nội dung, từ ngữ ở sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều) do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên.

Thế nhưng, đây là lại là bộ sách duy nhất trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ “Đạt” tuyệt đối.

Nếu 100% thành viên đã chấm “Đạt” thì tại sao chỉ riêng sách Tiếng Việt (Cánh Diều) lại bị phản đối nhiều đến vậy? Vậy, trách nhiệm của Bộ, của người thẩm định và tác giả sách giáo khoa ở đâu trong sự việc này?

Sách Tiếng Việt 1 (Cánh Diều) đang được quan tâm nhiều nhất (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Sách Tiếng Việt 1 (Cánh Diều) đang được quan tâm nhiều nhất

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Những cái “nhất” của sách giáo khoa Cánh Diều

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã đánh dấu một sự thay đổi lớn ở ngành Giáo dục khi mà ở bậc học phổ thông có cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa.

Đặc biệt, sách giáo khoa Cánh Diều là bộ sách giáo khoa đầu tiên thực hiện theo chủ trương xã hội hóa và đây cũng là bộ sách duy nhất không có nguồn gốc từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Điều đặc biệt nữa là phần lớn những tác giả viết, biên soạn Chương trình tổng thể, Chương trình môn học đã “đầu quân” các các đơn vị: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản -Thiết bị giáo dục Việt Nam để viết nên bộ sách giáo khoa Cánh Diều.

Chính vì vậy, ngay trên website của Công ty Đầu tư Xuất bản -Thiết bị giáo dục Việt Nam thì đơn vị này thể hiện bằng "3 điểm nhất" ở phần đầu tiên của trang giới thiệu, đó là:

“Bộ sách thứ nhất (đầu tiên) góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa, xoá bỏ cơ chế độc quyền trong lĩnh vực xuất bản - in - phát hành sách giáo khoa.

Bộ sách đầy đủ, đồng bộ và duy nhất gồm tất cả các môn học lớp 1 theo Quyết định số 4507/QĐ ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ sách thống nhất về tư tưởng “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”. [1]

Điều đáng chú ý hơn nữa, sách giáo khoa Cánh Diều là bộ sách giáo khoa duy nhất được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỉ lệ phiếu "Đạt" tuyệt đối.

Và, tất nhiên, sách Tiếng Việt mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên cũng đã nhận được 100% số phiếu xếp loại “Đạt”.

Ảnh chụp từ màn hình của Công ty Đầu tư Xuất bản -Thiết bị giáo dục Việt Nam

Ảnh chụp từ màn hình của Công ty Đầu tư Xuất bản -Thiết bị giáo dục Việt Nam

Điều này được thể hiện cụ thể trong phần trích Biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia môn Tiếng Việt 1 được Công ty Đầu tư Xuất bản -Thiết bị giáo dục Việt Nam đăng trang trọng trên website của mình.

Trong số 15 thành viên của Hội đồng thẩm định quốc gia môn Tiếng Việt 1 thì cả 15 thành viên xếp loại “Đạt”. Không hề có thành viên nào xếp ở mức “Đạt nhưng cần sửa chữa” hoặc xếp ở mức “Chưa đạt”.

Chính vì thế, các đơn vị chủ quản, các tác giả sách giáo khoa Cánh Diều đã rất tự tin khi nói về bộ sách giáo khoa của mình ở thời điểm trước khi năm học 2020-2021 này bắt đầu.

Nhưng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi chỉ trong vòng mấy tuần lễ vừa qua khi mà dư luận xã hội đã lên tiếng về sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều) có rất nhiều “sạn”.

Phó Thủ tướng vào cuộc, Bộ trưởng và Tổng chủ biên lên tiếng sẽ chỉnh sửa

Trước những phản biện trên các trang báo chính thống và sự phản đối có phần gay gắt trên các trang mạng xã hội, chiều ngày 12/10 vừa qua thì lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo với Thường trực Chính phủ về các vấn đề của sách giáo khoa Tiếng Việt 1.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo:

“Khi còn nhiều ý kiến góp ý, bức xúc đến mức gay gắt thì chúng ta phải hết sức biết ơn, cám ơn và nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị.

Cũng có những vấn đề thuộc về chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đúng thì chúng ta phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.

Còn những gì tiếp thu được thì tiếp thu, nhưng tinh thần đầu tiên là phải trân trọng thực sự bằng tấm lòng và phải tiếp thu một cách rất khoa học”. [2]

Cũng trong buổi làm việc này thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã cho biết: “Điểm nào, chỗ nào chưa hoàn thiện, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, đặc biệt là yêu cầu các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, giải trình rõ và tiếp thu.

Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện để sách càng ngày càng tốt hơn.[2]

Đặc biệt, khi chia sẻ với báo chí thì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên sách Tiếng Việt (Cánh Diều) cũng đã phải lên tiếng:

“Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 để điều chỉnh những gì chưa phù hợp”.[3]

Những câu hỏi đặt ra

Thứ nhất: việc Bộ vừa ban hành văn bản yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 là điều bắt buộc phải làm. Nhưng, ai sẽ là người rà soát lại những bộ sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt?

Nếu vẫn là những thành viên cũ trong Hội đồng thẩm định quốc gia thì kết quả sẽ ra sao?

Bởi, chẳng hạn như sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều) đã được cả 15/15 thành viên trong Hội đồng thẩm định bỏ phiếu “Đạt” và những câu chữ trong biên bản đã thể hiện là bộ sách này tốt.

Nếu bây giờ kết quả trái ngược lại với kết quả ban đầu (theo những hạn chế mà dư luận xã hội đang lên tiếng) thì vô tình lần thẩm định trước thì Hội đồng thẩm định đã không làm hết trách nhiệm hay sao?

Và, nếu như những lời của thầy Trần Đình Sử, thầy Mai Ngọc Chừ chia sẻ mấy ngày vừa qua là Hội đồng thẩm định đã góp ý nhưng các tác giả sách giáo khoa không sửa thì sao biên bản kết luận lại không có những ý này?

Tại sao cả 15 thành viên trong Hội đồng thẩm định đều bỏ phiếu “Đạt” sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều)?

Thứ hai: theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện” và Tổng chủ biên sách Tiếng Việt (Cánh Diều)- Nguyễn Minh Thuyết đã lên tiếng là sẽ “điều chỉnh những gì chưa phù hợp” thì có nghĩa sang năm sẽ chỉnh sửa, tái bản.

Vậy, sách năm nay sẽ bỏ hết, không tận dụng được nhưng vấn đề quan trọng là những bài học, những từ ngữ không phù hợp mà báo chí đã phản ánh những ngày qua thì Bộ sẽ xử lý thế nào?

Để vậy dạy, hay sẽ có điều chỉnh, bổ sung ngay trong năm học này? Nếu điều chỉnh trong năm học này thì kinh phí in ấn ai chịu trách nhiệm? Nhà xuất bản, Bộ Giáo dục, nhà trường hay phụ huynh học sinh?

Thứ ba: trách nhiệm của Bộ trưởng, Vụ Tiểu học ở đâu trong sự việc này? Bởi, trong khoản 3, điều 32 của Luật Giáo dục năm 2019 đã được thể hiện rất rõ về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.

Việc sách giáo khoa sai, không phù hợp thì sửa là điều đương nhiên nhưng vì sao sách đã qua thẩm định rồi mà lại có những sự cố đáng tiếc như những gì đang diễn ra? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự việc này? Chẳng lẽ không có ai cả sao?

Tài liệu tham khảo

[1] http://sachcanhdieu.com/gioi-thieu/

[2] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-truong-phung-xuan-nha-sgk-tieng-viet-1-diem-nao-chua-hoan-thien-se-chinh-sua-20201012201206989.htm

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/gs-nguyen-minh-thuyet-se-dieu-chinh-nhung-gi-chua-phu-hop-sgk-tieng-viet-1-20201012061237132.htm

NGUYỄN CAO