Hơn 12.300 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh bị mất việc

15/09/2021 06:07
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh bị mất việc.

Ngày 14/9, Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc trực tuyến với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về tình hình đầu năm học 2021-2022.

Theo báo cáo từ Sở này cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 56% giáo viên toàn thành phố được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống Covid-19. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn hơn 200.000 học sinh chưa có sách giáo khoa (tỷ lệ hơn 17%).

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên, người lao động của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh bị mất việc, hơn 1.500 học sinh của thành phố bị mồ coi do dịch, hơn 10.000 học sinh bậc phổ thông và hơn 3.300 giáo viên đang thuộc diện F0.

Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh dạy học trực tuyến tại nhà (ảnh minh họa: P.N)

Giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh dạy học trực tuyến tại nhà (ảnh minh họa: P.N)

Sau một thời gian bắt đầu năm học mới, thì tỷ lệ học sinh các bậc học của thành phố tham gia học trên internet đều rất cao (trên 90%).

Khi nào thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19, các trường dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch, thì ngành giáo dục thành phố sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ tới trường, ưu tiên lớp 1,2 và các lớp đầu, cuối cấp, chia nhỏ lớp ra để thực hiện việc học trực tiếp.

Nếu tình trạng học trực tuyến phải kéo dài, thì ngành sẽ tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thời gian năm học, nhất là với các lớp 1,2 hay các lớp đầu cấp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tham mưu Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch mở cửa dần các trường học, đặc biệt lưu ý đến các điều kiện cần thiết, đảm bảo an toàn các điều kiện phòng chống dịch bệnh.

Việc dạy và học trực tuyến, các trường không được gây áp lực, quá tải cho học sinh, phải linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương, cơ sở giáo dục, không được nóng vội, không được chủ quan, không cào bằng, thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Việc dạy học trên truyền hình cũng đã bắt đầu thực hiện từ ngày 13/9, với lớp 1,2 trên kênh HTV Key của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Việc này sẽ tiếp tục ưu tiên các lớp đầu cấp, cuối cấp.

Với các học sinh gặp khó khăn khi học tập trên internet, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nắm thông tin đầy đủ, tùy vào điều kiện cụ thể để có sự hỗ trợ phù hợp, kết nối mạnh thường quân hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập cho học sinh, gửi tài liệu giấy, phiếu học tập…để học sinh tự ôn tập thêm.

Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra, tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp.

Ngành cũng xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục, giáo viên hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học tập, phát động cuộc vận động “Máy tính cho em” để quyên góp, hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh thành phố.

Các trường cũng chủ động quyên góp, thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ các em học sinh gặp khó khăn.

Chính nhờ thế mà tính đến thời điểm này, số học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến đã giảm mạnh, từ 72.000 em giờ giảm xuống còn chưa đến 40.000 học sinh, và sẽ còn tiếp tục giảm mạnh theo từng tuần.

Việt Dũng