Vụ học sinh 'xúc phạm' thầy cô trên facebook:

HS ở Quảng Nam bị đuổi học vì facebook: Nhà trường đã quá khắt khe?

09/01/2013 07:23
Độc giả Trần Nguyên Phương
(GDVN) - Dẫu biết rằng, kỷ luật của nhà trường là việc nên làm, nhưng sau quyết định này, liệu những người thầy, người cô có an lòng? Bởi trước hết sự việc xảy ra thầy cô cũng nên xem lại mình. Mình đã làm gì để học sinh ức chế, tức giận?
Gần đây, cộng đồng dư luận đang xôn xao chuyện em học sinh lớp 8 tại Quảng Nam tên Vy bị đuổi học 1 năm vì đã dùng những lời nói thiếu chừng mực trên facebook. Bản thân tôi cho rằng, cách làm của nhà trường như vậy là quá nặng nề, gây ảnh hưởng lâu dài đến tương lai một đứa trẻ.
Tôi đã từng thấy “Bản tuyên ngôn” mà em Vy đăng trên facebook của mình đã được truyền tải rất lâu trên mạng. Thời là sinh viên, bọn bạn tôi đã từng chia sẻ cho nhau đọc vui vui, mang tính chất giải trí, cũng chưa từng ai bị chịu hình phạt như em Vy.

Trong một bài báo, Vy đã kể lại: “Sự việc bắt đầu vào ngày 12.12.2012, trong giờ giải lao 5 phút, em đang đứng trên cầu thang thì có bạn Đinh Nguyệt Trâm (học sinh lớp 7/6) dẫm vào chân của em và chửi tục. Nóng giận, em có đánh Trâm một bạt tai. Sau đó, Trâm đã gọi hai chị ở trường THPT Lê Quý Đôn và Trần Cao Vân lên đánh lại em xước mặt. Nhưng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm của Trâm lại cho rằng em kéo bạn bè ở ngoài vào đánh Trâm chúi nhụi xuống cầu thang nhà trường. Thế là em bị hội đồng kỷ luật nhà trường đuổi học 3 ngày.
Trong thời gian bị đuổi học, buồn quá, em lên mạng và tình cờ thấy nội dung của bài “Tuyên ngôn học sinh trường THPT Thái Phiên 10c1” huyện Thăng Bình trên Facebook với nickname Hưng Võ. Em đã copy bài đó xuống và thay thế tên Trường THPT Thái Phiên thành Trường THCS Lý Tự Trọng của em. Đến ngày 17.12, em mới đưa lên mạng và bị nhà trường phát hiện. Sau đó, có nhiều bạn trong lớp cũng copy và đưa lên Facebook. Em nghĩ người khác đã đưa tràn lan lên như vậy thì mình đưa lên mạng để các bạn đọc cho vui, chứ không nghĩ là phá rối kỳ thi, xúc phạm thầy cô của trường”.

Ảnh chụp từ Facebook của em Vy.
Ảnh chụp từ Facebook của em Vy.

Chúng ta hãy đọc lại những lời thành thật của em Vy để suy ngẫm rằng, đối với một học sinh 7 năm qua liên tiếp đoạt danh hiệu học sinh tiên tiến thì kỷ luật đó có nặng nề hay không? Mong nhà trường xem xét lại mức độ nặng nhẹ của vấn đề để đưa ra hình phạt đúng đắn.

Có nhiều ý kiến cho rằng em Vy đang xuyên tạc lịch sử hay xúc phạm thầy cô, xúc phạm nhà trường, kêu gọi bạn bè làm điều xấu. Nhưng tôi cho rằng những ý kiến đó đều là nóng vội. Hình phạt nhà trường cho em Vy đình chỉ một năm cũng là quá nặng nề. 

Facebook là trang mạng xã hội để cá nhân chia sẻ cảm xúc lên mạng. Vì vậy, việc viết tuyên ngôn nói xấu giáo viên của em Vy trên trang của mình chẳng qua chỉ là một hành động bộc phát, nhất thời của học sinh. Bởi Vy đang là học sinh lớp 8, tuổi còn trẻ và ham vui, suy nghĩ còn non nớt, nhận thức chưa toàn diện nên hành vi này có thể cảm thông.

Thêm nữa, Facebook cá nhân là một diễn đàn mạng, là thế giới ảo, không có văn bản được xem là chính thống cho việc áp dụng hình phạt cho học sinh. Nếu cứ lấy những câu chuyện trên facebook mà đem ra xét xử thì còn có rất nhiều học sinh cũng bị đuổi học vì các hành vi khác... Hàng này, nếu bất kỳ một ai cập nhật facebook sẽ thấy những hiện tượng được coi là sai lệch trong đạo đức học sinh xuất hiện nhiều, phổ biến là chửi tục, văng bậy...

Em Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà.
Em Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà.
Hành vi của em Vy không phải là ăn trộm, ăn cắp, đánh nhau, hỗn láo với thầy cô trên lớp học. Một giây phút nhất thời này không đáng phải trả một cái giá quá đắt.

Nếu nhà trường đuổi Vy trong một năm học, em sẽ biết làm gì trong thời gian đó. Thời gian sau nếu có quay lại trường thì em cũng mặc cảm, khó hòa nhập với cuộc sống, với môi trường học. Những tổn thương về tâm lý sẽ còn mãi trong em. Nếu có suy nghĩ tiêu cực, em có thể dễ dàng trở nên sa ngã giữa cuộc đời đầy chông gai này. Thậm chí, những căng thẳng, những suy nghĩ trong lứa tuổi dậy thì có thể dẫn đến những tình huống xấu nhất. Như chúng ta đã biết, có nhiều học sinh chỉ vì làm mất tiền quỹ lớp, chỉ vì không được giơ tay phát biểu cũng đã dễ dàng tự tử, cắt gân tay để phản kháng.

Vậy, thay vì đẩy các em ra ngoài xã hội, thầy cô nên giáo dục để học sinh cá biệt trở thành người tốt. Môi trường giáo dục là môi trường dạy dỗ các em, nếu đuổi học học sinh thì chính nhà trường đã từ chối trách nhiệm của mình. Theo tôi, nhà trường nên xem xét và áp dụng những biện pháp hợp lý hơn.

Ví dụ, nhà trường nên cho em tham gia các hoạt động ngoại khóa như lao động, làm từ thiện để vừa giúp các em rèn luyện thể lực, rèn luyện nhân cách. Qua đó, các em sẽ thấy thực tiễn đời sống như thế nào, mối quan hệ giữa con người với con người như thế nào, thấy được những bài học về tình yêu thương con người, lòng nhân ái.

Dẫu biết rằng, kỷ luật của nhà trường là việc nên làm. Thế nhưng sau quyết định này, liệu những người thầy, người cô có an lòng? Bởi trước hết sự việc xảy ra thầy cô cũng nên xem lại mình. Mình đã làm gì để học sinh ức chế, tức giận...

Việc ra quyết định để kỷ luật một con người không quá khó. Nhưng nếu trong phán quyết ấy, không có cả sự yêu thương chân thành từ những người làm thầy, làm cô thì những bản quyết định cũng chỉ là những tờ giấy vô tri, vô giác. Và nguy hiểm hơn, nó sẽ đẩy con người ta ngày càng lún sâu vào sai lầm, tội lỗi. Giữa cuộc đời rộng lớn này, sau một năm, liệu có ai dám chắc em Vy sẽ không bị sa ngã?
Độc giả Trần Nguyên Phương