Khát thần đồng, cha mẹ đánh cắp tuổi thơ của con

03/05/2013 15:48
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Chúng ta đang làm khổ trẻ con vì những khát vọng quá lớn của mình. Kiểm tra IQ để biết con mình thông minh cỡ nào, chỉ thỏa mong muốn của phụ huynh là chính. Nó cũng là biểu hiện của việc đối xử không công bằng với trẻ.

Để giành một suất vào lớp 1, nhiều em bé tuổi "heo vàng" đang phải chật vật với sách vở và căng thẳng về tâm lý. Phải thi cho đỗ vào trường công, trường điểm là áp lực mà nhiều bậc phụ huynh đang dồn lên con cái - những đôi vai bé nhỏ còn đang tuổi ăn tuổi chơi. Xã hội ta dường như đang nuôi một ước mong viển vông là biến tất cả trẻ em thành thần đồng...

Nếm mùi học thêm ngay từ những năm tháng đầu đời, các bé tuổi mẫu giáo lớn gần như phải giã biệt các trò chơi để đối mặt với việc học. Học ở trường mẫu giáo, học thêm nhà cô giáo, học trong các câu lạc bộ của trường. Chưa đủ, cá biệt có những bậc phụ huynh cả ngày đưa con "chạy sô" qua 4 đến 5 điểm học thêm. Chỉ để mong làm sao cho con càng đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 càng tốt. Và để con phải thi đỗ vào trường công, trường điểm mà bố mẹ muốn, để bố mẹ được tự hào...

Có một sự lệch lạc méo mó nào đó trong tư duy của không ít bậc làm cha mẹ, của một bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo, thậm chí là của xã hội trong câu chuyện học sinh mẫu giáo phải học trước chương trình lớp 1. Những tiếng nói yếu ớt chống lại học thêm đang nhường chỗ cho tư duy sợ con mình không giỏi bằng các bạn cùng lứa. Hàng chục triệu đồng để đóng học cho con, rồi phụ huynh quay cuồng trong cơn lốc đưa đón con từ chỗ học thêm này sang chỗ học thêm khác. Các em bé ngày càng được bố mẹ kỳ vọng nhiều hơn. Chúng phải gánh trên vai rất nhiều sứ mạng, như phải làm cho bố mẹ tự hào, phải trở thành một đứa trẻ xuất chúng, đặc biệt thông minh và hiểu biết. Tuổi thơ của chúng bị đánh cắp, bởi thầy cô, bởi cha mẹ.

Những lo âu thi cử, áp lực phải ngồi vào bàn, nhồi nhét những nét sổ ngang sổ dọc, những con số, những bài tập đọc tập viết làm cho không ít em rơi vào trạng thái trầm cảm, tự kỷ. Và những kỳ thi vào lớp 1 - với áp lực là phải đỗ, vì cha mẹ các em muốn thế. Nghĩa là nếu không đỗ thì phải làm quen với cảm giác thất bại. Có gì đó làm chúng ta đau lòng, khi mà ở tuổi các em, thì đi học phải là quyền, vui chơi cũng phải là quyền, chứ không phải "giành quyền" bằng thi thố. Mà đi thi tránh sao được chuyện trượt - đỗ. Xúc cảm buồn bã của sự thất bại là rất không nên có trong đầu óc non nớt và trong sáng của trẻ.

Trẻ xếp hàng thi vào lớp 1
Trẻ xếp hàng thi vào lớp 1

Trách các phụ huynh, bởi họ đã không thiết lập một cơ chế tốt để bảo vệ con mình, bằng cách để con sống đúng với hồn nhiên con trẻ, không đánh cắp tuổi thơ của con bằng việc dồn áp lực lên vai chúng, muốn chúng thành thần đồng, thành người giỏi giang, khôn ngoan ngay từ tấm bé. Nhưng nhìn rộng ra, đây là hệ lụy của một nền giáo dục bao năm ì ạch, móp méo, chỉ chạy theo thành tích là chính. Rồi áp lực dân số từng năm cũng dồn lên vai ngành Giáo dục, dẫn đến nhiều trường công, trường điểm, dù không muốn vẫn phải làm, là buộc phải tuyển đầu vào. Tâm lý chọn năm đẹp sinh con để lại hậu quả tỷ lệ học sinh vào lớp 1 mất cân bằng từng năm. Năm nay những em bé tuổi "heo vàng" vào lớp 1. Các em phải chấp nhận những cuộc thi cử khốc liệt hơn, tỷ lệ thi chọi vào trường điểm cao hơn, khả năng đỗ thấp hơn, tỷ lệ trượt cao hơn... Cũng có nghĩa là các em phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực nhiều hơn...

Nực cười là thực tế diễn ra đang phớt lờ các hướng dẫn của ngành Giáo dục quy định rằng không được tổ chức dạy học trước và không thi tuyển sinh vào lớp 1. Thi cử tại nhiều trường tiểu học cũng "biến thái" để lách quy định của ngành. Những sự phớt lờ như vậy cứ ngang nhiên hiển hiện ra đấy, các nhà lãnh đạo ngành hoặc là biết đấy nhưng không thể nghĩ ra biện pháp ngăn chặn triệt để, hoặc là không "vi hành" xuống các trường để kiểm tra, đánh giá, nhìn nhận vấn đề. Và các trường mẫu giáo thì có muôn hình vạn cách để dạy thêm cho trẻ. Tâm lý khát thần đồng, muốn con trở thành số 1, đang trở thành mảnh đất "màu mỡ, béo bở" để dịch vụ học thêm tràn lan trong xã hội, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội... Cha mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng tiền đầu tư cho việc học của con thì không thể nói không. Và việc chọn trường cho con luôn là một nỗi ám ảnh lớn với các ông bố bà mẹ có con đang tuổi bắt đầu đi học.

Có lần ngồi với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, anh bảo, anh sẽ cho con trai về quê học trường làng, cùng những đứa trẻ tay chân lấm bùn, chứ nhất quyết không đưa con vào học ở các trường sang trọng về không gian, nhưng tâm hồn thì đóng kín như hiện nay. Anh không tin người ta có thể đào tạo ra thần đồng. Chỉ học mà không chơi, không giao tiếp với thiên nhiên, sẽ biến đứa trẻ thành cỗ máy, giỏi kỹ năng mà khô khan về tâm hồn. Những đứa trẻ như vậy giống như một loại quả, bị ép phải già sớm, chín sớm, sẽ mất đi những hồn nhiên tuổi thơ quý giá rất cần cho phát triển nhân cách và tạo ra những hồi ức đẹp của đời người.

Phụ huynh đưa đón con đi thi vào lớp 1
Phụ huynh đưa đón con đi thi vào lớp 1

Nhà văn Phong Điệp: Đừng biến trẻ thành rô-bốt

- Chị có 2 con nhỏ đang tuổi bắt đầu đến trường, chị có cho con học trước chương trình lớp 1 không? Quan điểm của chị về việc học thêm cho trẻ mẫu giáo trước khi vào lớp 1 là như thế nào?

Theo quan sát của tôi, trẻ em ở thành phố hiện nay khi vào lớp 1 cơ bản đều đã biết chữ (ở mức thuộc mặt chữ), biết tô các nét cơ bản, và phần lớn đều đã có thể đánh vần (thậm chí nhiều trẻ đã có thể đọc trơn). Chương trình mầm non, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 tại nhiều nơi đã tiến hành dạy trẻ những nội dung trên, trẻ nào học nhanh là có thể tự ghép vần để đọc. Nhiều cha mẹ còn cẩn thận (hoặc quá lo lắng) nên cho con theo học các lớp trang bị kiến thức trước khi vào lớp 1.

Tôi thấy rằng, chương trình tiểu học của các cháu hiện nay khá nặng. Nếu trẻ không được học trước, sẽ rất khó khăn khi theo được chương trình học. Chúng ta nói nhiều về chuyện giảm tải, nhưng hình như càng hô hào giảm, càng thấy chương trình nặng hơn?

- Chọn trường tiểu học cho con, tiêu chí của chị là gì, cho con học trường gần nhà hay nhất thiết con phải học trường điểm?

Tôi chọn trường cho con theo tiêu chí rất đơn giản: trường hoặc gần nhà, hoặc gần nơi làm việc của cha mẹ để tiện đưa đón con. Tôi không quan trọng trường điểm, mà chỉ cần một môi trường giáo dục lành mạnh để con mình phát triển bình thường.

- Rất nhiều cha mẹ phản ứng về việc một số trường kiểm tra chỉ số IQ của trẻ. Chị nghĩ thế nào về việc này?

Chúng ta đang làm khổ trẻ con vì những khát vọng quá lớn của mình. Kiểm tra IQ để biết con mình thông minh cỡ nào, chỉ thỏa mong muốn của phụ huynh là chính. Nó cũng là biểu hiện của việc đối xử không công bằng với trẻ. Trẻ có thể sẽ mặc cảm khi cô giáo và cha mẹ so sánh mình không thông minh bằng các bạn khác chẳng hạn.

- Thật sự là nhiều bậc phụ huynh hôm nay đặt quá nhiều kỳ vọng vào các con mình. Họ nhồi nhét kiến thức cho con, vì ám ảnh nỗi lo con không giỏi bằng các bạn. Là một nhà văn, nhà báo, lại cũng là một người mẹ, thông điệp của chị quanh câu chuyện này là gì?

Tôi đơn giản chỉ cần con mình trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy tôi quan tâm nhiều đến việc nắm bắt cảm xúc của trẻ, hướng chúng đến những cảm xúc, hành động tích cực trong cuộc sống. Tôi đưa chúng về nông thôn để nói với chúng về cách mà người nông dân làm ra hạt gạo. Tôi đưa chúng lên Mù Cang Chải để được tận mắt nhìn trường học tranh tre mái lá của trẻ em vùng cao... Tôi thấy hiện nay hình như trẻ đang thừa kiến thức cao siêu, mà thiếu kiến thức đời thường. Đáng sợ hơn là tính ích kỉ, rằng con phải được cái này, con phải được cái kia. Chúng chưa được học cách lắng nghe, chia sẻ. Trong khi đó những điều này có vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách cho trẻ.

- Bắt các em phải đối diện với áp lực thi cử từ quá sớm, đối diện với cảm xúc tiêu cực (như cảm giác thất bại vì thi trượt chẳng hạn) thì hệ lụy của nó sẽ là gì?

Với cách giáo dục hiện nay tôi sợ rằng chúng ta sẽ biến con em mình thành những con rô-bốt thụ động, vô cảm trong tương lai. Tôi kính sợ điều này.

- Một xã hội khát thần đồng, nhiều người đã phải thốt lên như vậy, khi chứng kiến phần đông các phụ huynh chỉ thích con được vào học ở các trường điểm, danh tiếng. Nhiều bậc phụ huynh không chịu thỏa hiệp với suy nghĩ là con mình bình thường. Chị thấy gì từ những hiện tượng như vậy?

Tôi thấy rằng tất cả chúng ta đều cần phải học cách để trở thành một người bình thường. Tôi xin nhấn mạnh: người bình thường chứ không phải người tầm thường. Sự ảo tưởng, sự háo danh, sự ngộ nhận... đang làm nhiều người quay cuồng. Và trẻ em đang trở thành nạn nhân trong những thử nghiệm của người lớn...




Theo Cảnh Sát Toàn Cầu