Khi Sở chủ trì chấm môn Ngữ văn thì tính chính xác có còn nguyên vẹn?

17/06/2019 06:39
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Khi sự công bằng chưa được đề cao trong chấm thi sẽ dẫn đến bất công trong việc xét tuyển đại học giữa thí sinh tỉnh này với tỉnh khác.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đang cận kề- đây là thời điểm mà các thí sinh đang phải gồng mình để ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi. Việc đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh giữa các tỉnh với nhau luôn là điều mọi người mong muốn.

Trong các môn thi, môn Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất và cũng là môn mà các Sở chủ trì việc chấm thi. Chúng ta luôn tin vào sự trung thực của những người làm công tác coi thi, chấm thi nhưng niềm tin đó không thể nào là tuyệt đối bởi đây là một kỳ thi quốc gia cùng chung 1 đề.

Những bất thường trong việc chấm thi năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, những địa phương có điểm Văn cao đột biến trong những năm qua vẫn là một dấu hỏi không dễ tìm được lời giải đáp.

Giáo viên chấm thi môn tự luận ( Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Giáo viên chấm thi môn tự luận ( Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Trong các môn thi hiện nay, môn Ngữ văn là môn chấm thi khó nhất, căng thẳng nhất bởi giữa hướng dẫn chấm và cách làm của học sinh không bao giờ đồng nhất với nhau.

Chính vì vậy, môn Văn cũng là môn cho điểm dễ nhất, việc du di 1-2 điểm/ bài không phải là điều quá tầm nếu hội đồng chấm thi cùng “đồng sức, đồng lòng” để làm nên sự thành công cho môn thi này.

Hiện nay, cấu trúc bài thi Ngữ văn thường có 2 phần: phần đọc hiểu và phần tạo lập văn bản. Phần đọc hiểu thường có 4 câu nhỏ (3 điểm), phần tạo lập văn bản có 2 câu (7 điểm). Trong đó, phần nâng điểm cho thí sinh dễ nhất là phần tạo lập văn bản.

Trong phần tạo lập văn bản, câu 2 điểm thường có điểm chấm phổ biến nhất là từ 1-1,5 điểm. Cái hay của thí sinh môn Văn là nhiều em không hiểu đề bài nhưng vẫn viết rất nhiều.

Trong khi, đáp án chấm nội dung câu này chỉ 1 điểm, 1 điểm còn lại dành cho điểm sáng tạo, điểm trình bày, điểm xác định luận đề, điểm chính tả, ngữ pháp (mỗi phần 0,25 điểm). Chính vì vậy, kéo lên, kéo xuống 0,25 đến 0,5 điểm phần này cực kỳ dễ dàng (nếu giám khảo chủ ý).

Câu 5 điểm thì điểm nội dung thường được cho 3 điểm, 2 điểm còn lại cũng giống như câu 2 điểm, chỉ khác nâng lên từ 0,25 điểm thành 0,5 điểm.

Vì vậy, chấm Văn bây giờ họ sẽ loại trừ và cộng điểm rất nhanh. Bài có bố cục 3 phần được 0,5 điểm, bài xác định được vấn đề nghị luận 0,5 điểm, bài có sáng tạo 0,5 điểm, bài không có lỗi chính tả, chữ đẹp 0,5 điểm.

Đọc bài văn thấy ổn về nội dung, bám vào đề bài thì giám khảo sẽ căn cứ cho điểm khoảng 1,5-2,5 điểm.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa hay và không hay, giữa giám khảo này với giám khảo khác không có sự rạch ròi và đồng nhất, đôi lúc phụ thuộc vào cảm xúc, tâm lý của người chấm nữa.

Cho dù 2 giám khảo chấm độc lập nhưng sai số cho phép trong bài thi môn Văn thường lớn nên chỉ khi sai số cao quá sự cho phép thì mới cần đối thoại và cần sự can thiệp của tổ trưởng chấm thí.

Tuy nhiên, khi chấm thì đa phần giáo viên họ đều quen biết nhau cả nên thường nhất nhất điểm rất dễ dàng. Nếu phải sửa điểm thì 2 giám khảo ký xác nhận là xong, ít khi cần sự can thiệp của các tổ trưởng, tổ phó chấm thi.

Khi Sở chủ trì sẽ nương nhẹ đáp án và cách chấm

Nói Sở chủ trì cũng đúng nhưng chính xác hơn là vị chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn của Sở chủ trì việc chấm thi. Vì thế, trước khi chấm là vị này đứng ra sinh hoạt quy chế và thống nhất đáp án cho toàn thể hội đồng chấm thi.

Khi thống nhất đáp án thì người chủ trì “lái” sao thì đa phần giáo viên nghe vậy. Khi tiến hành chấm thử thì cũng vị này chủ trì nên việc chấm thi thường diễn theo chiều hướng “có lợi” cho học sinh.

Thực tế là chấm thi môn Ngữ văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ít áp lực hơn rất nhiều so với điểm tuyển sinh 10.

Khi Sở chủ trì chấm môn Ngữ văn thì tính chính xác có còn nguyên vẹn? ảnh 3Những trở ngại khi chấm thi môn ngữ văn

Bởi đây là kỳ thi cuối cùng của học sinh phổ thông mà lại có yếu tố “xét tốt nghiệp” nên giám khảo thường thoải mái hơn, ít lo bài bị phúc khảo.

Bởi, có thí sinh nào được điểm cao mà làm đơn phúc khảo bao giờ.

Học sinh được điểm cao đương nhiên lãnh đạo Sở mà đặc biệt là vị chuyên viên này cũng “mát lòng mát dạ” bởi môn học mình phụ trách có điểm trung bình môn cao. Vì vậy, kỳ thi năm 2018, tỉnh Hậu Giang có điểm trung bình môn Ngữ văn lên đến 6,49 điểm cũng là chuyện rất…bình thường.

Cái khó của Bộ

Thực tế nếu để các trường đại học chủ trì chấm môn Ngữ thì sẽ không đủ người. Bởi, chỉ có những trường sư phạm, trường khoa học xã hội và nhân văn mới có giảng viên môn Ngữ văn. Trong khi, cả nước có cả gần 1 triệu thí sinh thi môn Ngữ văn.

Nếu điều động giám khảo tỉnh này sang chấm cho tỉnh khác thì kinh phí cho việc “di dân” này sẽ tốn kém vô cùng, ngành giáo dục khó kham nổi.

Vì thế, để hạn chế những tiêu cực phát sinh cũng như việc chấm không đều giữa các tỉnh với nhau dù khó nhưng không phải là không có giải pháp.

Chẳng hạn, trong mỗi hội đồng chấm thi của mỗi tỉnh thì “bộ gọng” gồm trưởng ban và các tổ trưởng chấm thi môn Ngữ văn nên điều cán bộ của tỉnh này sang tỉnh khác, nếu thiếu có thể điều động một số cán bộ, giảng viên ở các trường đại học.

Thực tế chỉ trừ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một vài tỉnh lớn có số lượng thí sinh đông đảo còn đa phần các tỉnh chỉ có số lượng 10-20 ngàn thí sinh. Vì vậy, mỗi tỉnh chỉ cần điều 10 người là “làm chủ” được hội đồng chấm thi.

Kết quả môn Ngữ văn không chỉ giúp học sinh lớp 12 tốt nghiệp trung học phổ thông mà có hàng trăm ngàn thí sinh dùng kết quả này xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Khi sự công bằng chưa được đề cao trong chấm thi sẽ dẫn đến bất công trong việc xét tuyển đại học giữa thí sinh tỉnh này với tỉnh khác. Trong khi, thí sinh chỉ cần lệch nhau 0,25 điểm là có thể đậu hoặc rớt đại học.

NGUYỄN NGUYÊN