Hàng năm, ngành giáo dục có 2 kỳ thi song song diễn ra ở gần một thời điểm là thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông quốc gia. Cả 2 kỳ thi này đều có môn thi bắt buộc là môn Ngữ văn, nhưng điểm thi của 2 kỳ thi này lại có sự chênh lệch khá lớn.
Điểm Văn thi tuyển sinh 10 của đa phần các địa phương rất thấp, thậm chí nhiều địa phương có điểm dưới trung bình đến một nửa số bài thi, số bài 1-2 điểm cũng chiếm một số lượng rất lớn.
Thế nhưng, điểm thi môn Văn của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thì thường có điểm số rất cao. Trong khi, những người chấm thi, người chỉ đạo ở địa phương cơ bản vẫn là những thầy cô đó.
Vậy có phải đề thi trung học phổ thông quốc gia dễ hơn không hay còn một điều gì bí mật ở bên trong?
Hình ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Thanh Tùng / TTXVN. |
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua, có 3 địa phương của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lọt vào tốp 5 có điểm môn Văn cao nhất nước.
Hậu Giang vươn lên dẫn đầu cả nước với điểm trung bình môn Văn là 6,49; An Giang đứng thứ 4 với điểm trung bình là 6,22 điểm và Bạc Liêu đứng ở vị trí thứ 5 khi có điểm trung bình là 6,20.
Trong khi Hà Nội đứng ở vị trí thứ 33 và thành phố Hồ Chí Minh đứng ở vị trí thứ 34.
Điều đáng lưu tâm nhất là Hậu Giang chỉ có hơn 6.200 thí sinh dự thi nhưng có 88% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó có tới 89 thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên, chỉ có 3 em bị điểm liệt.
Trong khi, thành phố Hồ Chí Minh có 79.000 thí sinh dự thi, có 71,44% đạt từ điểm 5 trở lên, trong đó chỉ có 05 thí sinh đạt điểm 9.
Phải chăng, chất lượng đào tạo môn Văn của Hậu Giang tốt hơn ở thành phố Hồ Chí Minh và hơn 60 tỉnh thành còn lại trong cả nước?
Trong các trường phổ thông hiện nay, mỗi năm học trôi qua thì môn Ngữ văn là một trong những môn có điểm trung bình môn thấp nhất. Tỉ lệ học sinh đạt điểm khá giỏi thường thấp hơn đa số các môn còn lại.
Thế nhưng, đề thi quốc gia mà Hậu Giang có điểm trung bình là 6,49 quả thực là rất phi thường. Bởi nhìn vào điểm này, chúng ta dễ dàng nhận ra đa số thí sinh của tỉnh này đạt điểm khá, giỏi cả.
Thực sự, nhìn vào các con số thống kê môn Ngữ văn sau mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm, chúng ta thường thấy nhiều yếu tố... bất ngờ.
Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia |
Nhiều địa phương được đánh giá là “vùng trũng” giáo dục trong cả nước thì thường có điểm cao hơn các tỉnh, thành được đánh giá là có chất lượng đào tạo tốt nhất nước.
Nhưng, nếu nhìn vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhìn vào tỉ lệ chọi, nhìn vào điểm đầu vào thì lại thấy nhiều điều đối lập. Vì sao đầu vào thấp mà đầu ra lại cao đến vậy, bí quyết nào nằm trong sự việc này?
Chẳng hạn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khi tuyển sinh 10 luôn có tỉ lệ chọi rất lớn và điểm thi vào các trường khu vực nội đô thường cao ngất ngưởng.
Những vùng nông thôn của các địa phương này vẫn là những vùng có điều kiện tốt hơn rất nhiều vùng nông thôn của tỉnh khác. Và, 2 địa phương này thì số trường thuộc khu vực đô thị nhiều hơn so với phần lớn các tỉnh còn lại.
Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ trừ một số trường chuyên, còn lại đa phần có điểm đầu vào tuyển sinh 10 dao động khoảng 15-20 điểm, nhiều trường chỉ có điểm đầu vào 10-12 điểm.
Trong khi, điểm Văn- và Toán nhân hệ số 2 nhưng không hiểu vì sao khi thi Trung học phổ thông quốc gia lại có điểm cao chót vót đến vậy.
Điểm nào mới là điểm thật?
Chúng tôi cho rằng điểm thi chấm thi tuyển sinh 10 thật hơn rất nhiều so với điểm thi Trung học phổ thông quốc gia.
Những tỉnh khó khăn thường lấy môn Văn làm môn gỡ điểm cho các môn còn lại trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Vì môn thi này là môn tự luận duy nhất nên Bộ có kiểm tra lại thì môn Văn cũng khó có thể đánh giá chính xác bởi đó là một môn “định tính”.
Những sai sót mà một số giám khảo hay mắc phải trong chấm thi tuyển sinh 10 |
Cái hay của việc điểm thi môn Văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là khi chấm thi thì lãnh đạo Sở hay có chủ trương là nên “chấm thoáng”.
Chấm thoáng để học sinh đủ điểm tốt nghiệp nhưng cái chính là để giám khảo chấm nâng cao điểm lên để có điểm trung bình cao hơn. Khi thảo luận đáp án chấm chung họ cũng thường rất nhẹ nhàng, có ý, có từ giống đáp án là có điểm.
Hơn nữa, đây là kỳ thi quốc gia nên họ cũng luôn muốn “bằng bạn, bằng bè” nên điểm môn Văn cao cũng là lẽ rất bình thường. Chỉ có điều, điểm các môn khác lại thường rất thấp!
Nhưng đối với thi tuyển sinh lớp 10 thì nằm trong tầm kiểm soát của địa phương, của Sở Giáo dục nên điểm cao hay thấp không phải là vấn đề quá quan trọng.
Bởi điểm của thí sinh cao thì lấy đầu vào cao, điểm thấp thì lấy điểm đầu vào thấp, chỉ tiêu tuyển của mỗi trường đã có kế hoạch cụ thể từ đầu học kỳ II của năm học trước rồi.
Vẫn là vị chuyên viên môn Văn của Sở chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo cách chấm, vẫn là những thầy cô vừa chấm tuyển sinh 10 trước đó 1-2 tuần nhưng 2 kỳ thi có 2 mục đích khác nhau nên cách cho điểm cũng khác nhau một trời một vực.
Rốt cuộc, cũng chẳng biết địa phương nào dạy Văn hay nhất, chất lượng nhất và kỳ thi nào, địa phương nào chấm thi công tâm nhất bởi chỉ thấy những thật, giả lẫn lộn.
Chỉ thấy điểm thi tuyển sinh 10 thì thấp mà thi trung học phổ thông quốc gia thì lọt vào tốp đầu. Trong khi, hàng ngày dạy học sinh thì môn Văn lại là môn có nhiều học sinh thờ ơ nhất!
Làm sao kiểm soát được việc chấm môn Văn đồng đều, chính xác quả là một vấn đề vô cùng nan giải trong thời điểm hiện nay.
Bởi với xu hướng ra đề mở như những năm gần đây thì việc chấm Văn thấp hay cao không phải là nằm ở nội dung bài làm của học sinh mà nằm ở quan điểm trong chỉ đạo và cách chấm của từng địa phương, từng kỳ thi khác nhau.