Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

'Khó đánh giá vị trí giáo dục VN trong cộng đồng SEAMEO'

22/03/2013 07:24
Quyên Quyên (ghi)
(GDVN) - Tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á - SEAMEC 47, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời trực tiếp phóng viên các cơ quan báo chí.
Xin Bộ trưởng cho biết sơ bộ những kết quả đạt được sau Hội nghị SEAMEC 47?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Hội nghị đã đạt được những mục tiêu quan trọng như sau: 

1. Ký kết các văn bản pháp lý của Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về Hoc tập suốt đời (SEAMEO CELLL) bao gồm: Thoả thuận giữa Chính phủ Việt nam và SEAMEO về việc thành lập trung tâm SEAMEO CELLL và Quy chế họat động của Trung tâm; 

2. Kết nạp Vương quốc Anh là quốc gia thành viên liên kết thứ 8 của SEAMEO; 

3. Khởi động Dự án Diễn đàn SEAMEO (SEAMEO College) do Ngân hàng ADB tài trợ; 

4. Thông qua và ký Tuyên bố SEAMEO về hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển của khu vực;

5. Tổ chức thành công Diễn đàn chính sách: "Học tập suốt đời - chính sách và viễn cảnh" nhằm xác định tiềm năng hợp tác và đưa ra các định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (trái) trong buổi họp báo kết thúc SEAMEO 47. (Ảnh: Quyên Quyên)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (trái) trong buổi họp báo kết thúc SEAMEO 47. (Ảnh: Quyên Quyên)

Thưa Bộ trưởng, vì sao Diễn đàn chính sách chọn “Học tập suốt đời” là chủ đề chính của SEAMEO lần thứ 47?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc chuẩn bị nội dung diễn đàn chính sách đã được tham vấn, thảo luận. Các bộ trưởng thống nhất thấy rằng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á có nhiều vấn đề cấp bách. Có nhiều vấn đề được thảo luận, được giải quyết. Cũng có những vấn đề chưa được giải quyết. Nhưng tại hội nghị lần này, đối với VN vấn đề học tập suốt đời đang nổi lên.

Chính phủ đã có chỉ đạo, thực tế cuộc sống cho thấy đây là vấn đề lớn không chỉ của riêng mình. VN có đề xuất và nhận được sự thống nhất của các nước.

Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề học tập suốt đời ở các nước Đông Nam Á. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc phát triển học tập suốt đời ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở các quốc gia Đông Nam Á còn gặp nhiều thách thức, như sự hạn chế về cơ sở pháp lý, về sự phối hợp trong từng quốc gia và trong khu vực, sự hạn chế về các số liệu thống kê, về các nghiên cứu định tính, định lượng về học tập suốt đời… Bên cạnh đó, các nghiên cứu về học tập suốt đời ở khu vực Đông Nam Á còn tiến hành chưa nhiều và nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này còn chưa được kết hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Để thúc đẩy học tập suốt đời ở từng nước cần có nỗ lực của từng quốc gia cũng như nỗ lực chung của các nước trong khu vực, nhất là trong xu thế hội nhập.

Những giải pháp nào được đưa ra trong việc phát triển xã hội học tập ở các nước Đông Nam Á hiện nay?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong hội nghị bàn tròn, các thành viên SEAMEO đã đưa ra các nội dung như sau: Cần quan tâm đến thế hệ trẻ - là những người lãnh đạo tương lai của đất nước và phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học.

Với cương vị là Chủ tịch SEAMEO 47, Bộ trưởng quan tâm và triển khai điểm nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Công việc của Chủ tịch Hội đồng không phải bắt đầu từ đâu mà sẽ tiếp tục kế tiếp một cách liên tục, đồng thời dựa trên những kết luận thống nhất của hội nghị lần này để triển khai tiếp.
Trong đó, việc hướng đến cộng đồng ASEAN vào năm 2015; huy động nguồn lực bản sắc riêng có của mỗi nước trong cộng đồng ASEAN để góp phần giải quyết các vấn đề của từng nước cũng như vấn đề chung. Trên cơ sở phối hợp hành động mà các Bộ trưởng đã thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần cho vị thế của SEAMEO trong cộng đồng quốc tế.
Trên cương vị chủ tịch, chúng ta đã thành lập trung tâm SEAMEO CELLL – học tập suốt đời. Trung tâm này được đặt ở TP Hồ Chí Minh và chúng tôi chủ động triển khai hoạt động của trung tâm, một mặt để giải quyết vấn đề học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của Việt Nam đồng thời đóng góp những kinh nghiệm cho hoạt động các nước trong khối SEAMEO.
Hơn nữa, chúng tôi sẽ đi thăm và làm việc tại các nước trong khu vực, đưa ra các chỉ đạo để tổ chức hoạt động của các trung tâm nhằm nâng cao chất lượng hội nhập, hòa nhập.
Các quốc gia ASEAN có quy định visa khác nhau nên có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của sinh viên khu vực, SEAMEO có chính sách gì để giải quyết việc này? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Theo cơ cấu của SEAMEO, Hội đồng Quản trị bao gồm đại diện của 11 quốc gia thành viên SEAMEO. SEAMEO đã thành lập 20 Trung tâm khu vực và Mạng lưới nhằm triển khai các chương trình nghiên cứu, đào tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, khoa học và văn hóa. Trung tâm thường xuyên đón nhận các chuyên gia nước ngoài đến công tác từ các dự án, tổ chức quốc tế, và các chương trình hợp tác, thúc đẩy sự hợp tác, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các cấp học khác nhau giao lưu. Visa không gây cản trở vì Việt Nam đã tiến hành hợp tác song phương với các nước ASEAN.

Vậy, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vị trí của giáo dục nước ta so với các nước bạn trong cộng đồng SEAMEO?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nói đánh giá thì rất là khó. Tôi cũng chưa thấy bảng xếp hạng giáo dục nào trên thế giới, khó có thể nói nó nằm ở vị trí nào. Nhưng chúng tôi thường trao đổi hai ý. 
Thứ nhất là Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ các bạn những lĩnh vực, công việc mà chúng ta có thế mạnh như việc giảng dạy toán học ở các nhà trường, giảng dạy các môn ở các trường chuyên. Các nước cũng có đề nghị mình giúp đỡ về chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên như thế nào, tổ chức để nâng cao chất lượng. 
Ngược lại, tôi cũng đề nghị với nước bạn, như Singapore, giúp chúng ta trong việc chương trình giảng dạy tiếng Anh như thế nào. Tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bnunei là làm thế nào tổ chức dạy và học tiếng Anh. Họ nhờ nước Anh, triển khai mấy chục năm và làm rất tốt. Mình sẽ nghiên cứu cái gì phù hợp với thời điểm bây giờ, với điều kiện Việt Nam. 

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Quyên Quyên (ghi)