Khoảng 190.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài

23/07/2020 06:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là thông tin được đưa ra khi Bộ Giáo dục cùng Cơ quan giáo dục New Zealand tổ chức lễ ký Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023.

Ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Cơ quan giáo dục New Zealand đã tổ chức lễ ký Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023.

Đây là sự tiếp nối của các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trước đây của hai quốc gia. Chủ trì buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam - bà Wendy Matthews chủ trì buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, đây sự kiện đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và trước hội đàm trực tuyến của hai Thủ tướng vào ngày 22/7. Hoạt động ký Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023, sẽ góp phần duy trì và phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam - bà Wendy Matthews ký kết Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023 (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam - bà Wendy Matthews ký kết Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023 (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo Thứ trưởng, nền tảng quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand được bắt đầu từ Thỏa thuận Hợp tác Giáo dục được ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand lần đầu vào năm 2004.

Kế hoạch Hợp tác Chiến lược năm 2015 đặt nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược về giáo dục giữa hai quốc gia. Những thỏa thuận và Kế hoạch này đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, hỗ trợ mục tiêu chung của hai nước là phát triển nguồn nhân lực.

Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và giáo dục đào tạo được xác định là chìa khóa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển quốc gia.

Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã ghi nhận những thành công lớn trong hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, dự án ODA, dự án trao đổi giáo viên, sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo thực tế giữa Việt Nam và các trường của quốc gia khác.

Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng 500 chương trình liên kết với hơn 30 quốc gia. Khoảng 190.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó gần 2.700 ở NewZealand.

Song song với đó, có 21.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại các cơ sở giáo dục Việt Nam ở nhiều cấp học khác nhau. Hàng năm, Việt Nam cũng nhận hàng ngàn sinh viên và giáo viên quốc tế đến tham gia các chương trình trao đổi.

Trong bối cạnh hội nhập quốc tế giáo dục ngày càng phát triển mạnh đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo, khuyến khích đưa ngoại ngữ vào nhà trường từ bậc mầm non và các hoạt động xã hội.

Đề án này còn đẩy mạnh dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (như Toán, các môn khoa học, môn chuyên ngành...) bằng ngoại ngữ.

Song song với đó, từ năm 2019, Việt Nam đã triển khai Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng đề nghị New Zealand tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh, giáo viên, đặc biệt là đào tạo đội ngũ giảng viên đại học.

Các chương trình liên kết đào tạo và trao đổi học thuật cần được xem xét để tăng cường cơ hội hợp tác, phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Cảm ơn sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong thời gian qua, bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam chia sẻ niềm vui khi bản Kế hoạch Hợp tác Chiến lược được tái ký vào năm 2020 - năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam.

Bà tin tưởng rằng, bản ký kết này sẽ là nền tảng hiệu quả đưa quan hệ hợp tác giáo dục của Việt Nam và New Zealand tiến xa hơn và mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh sinh viên hai nước.

Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023 sẽ triển khai các sáng kiến ở nhiều lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand.

Trong đó bao gồm chương trình liên kết ở bậc đại học, mô hình giáo dục cấp tiến về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp (blended learning), tăng cường hợp tác giữa các trường trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, cũng như các chương trình kết nối cựu du học sinh.

New Zealand tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giáo dục của thế kỉ 21, hướng tới đào tạo một thế hệ sinh viên tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức, kiện toàn các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Thùy Linh