Không chỉ cô Cảnh, nhiều nhà giáo Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu cũng mòn mỏi chờ lương

14/04/2020 06:34
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
(GDVN) - Những những cam chịu trong uất ức của cô giáo Cảnh, những bế tắc và đau khổ của thầy giáo Văng Hồng do chế độ bị xâm hại hoàn toàn không phải là mới mẻ.

Như đã thông tin, mặc dù đã được nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019 nhưng cho đến nay, sau hơn nửa năm, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị Trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa được nhận lương cùng chế độ liên quan.

Cùng cảnh ngộ chung với cô giáo Cảnh, hiện tại, nhiều nhà giáo ở huyện này dù đã nhận quyết định hưu cách đây nhiều tháng cũng không được thanh toán chế độ tiền lương và các chế độ liên quan khác nhưng rồi cũng chỉ biết nhẫn nhục cam chịu trong cay đắng.

Chế độ hưu bị giam hãm, nhà giáo phải lay lắt bán vé số mưu sinh 

Do trong những ngày dịch bệnh, để tìm hiểu vụ việc, Giáo dục Việt Nam đành liên hệ với thầy Văng Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Thuận 2, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang qua điện thoại.

Cũng như cô giáo Cảnh, thầy Văng Hồng đã được nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019 nhưng hơn 6 tháng qua, chế độ hưu và chế độ liên quan (như bảo hiểm y tế) của thầy vẫn đang bị bị giam hãm lại.

Thầy giáo Văng Hồng vẫn chưa nhận được lương hưu
Thầy giáo Văng Hồng vẫn chưa nhận được lương hưu

Để mưu sinh, thầy Văng Hồng đành chọn nghề bán vé số dạo. Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Hồng đau khổ tâm sự ngắt quãng:

Tôi không biết đến bao giờ chế độ hưu của tôi mới có, tôi nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019 đến nay đã hơn 6 tháng rồi mà chẳng nhận được đồng lương hưu nào cả. Tôi chờ hết nổi rồi, đến lúc có lương hưu chắc tôi chết rồi”...

Trong tâm trạng không bình tâm, thầy Hồng tiếp tục chia sẻ:

Tôi có 3 đứa con. Hiện nay 2 đứa con lớn của tôi bị bệnh nằm liệt gường 4 năm rồi vì bị bệnh khối u tuyến yên và bại não, vợ tôi phải túc trực chăm sóc suốt ngày, tôi thì đi bán vé số kiếm thu nhập nuôi gia đình, 6 tháng không có lương hưu mà tôi không biết làm sao, không biết kêu ai”.

Nay dịch bệnh, tôi phải nghỉ bán vé số, bây giờ để có tiền thuốc men cho con và trang trải cuộc sống tôi phải chạy tiền vay, bạc hỏi nhưng cũng quá khó khăn.  Tôi không biết rồi phải sống ra sao ”?

Thầy Văng Hồng và vợ bên cạnh 2 con bị bệnh nặng
Thầy Văng Hồng và vợ bên cạnh 2 con bị bệnh nặng

Những những cam chịu trong uất ức của cô giáo Cảnh, những bế tắc và đau khổ của thầy giáo Văng Hồng do chế độ bị xâm hại hoàn toàn không phải là mới mẻ.

Bởi sự việc nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận bị cắt chặn chế độ đã được Giáo dục Việt Nam phản ánh rất nhiều kỳ trong năm 2019.

Sau các phản ánh của báo chí, chính quyền địa phương cũng đã có những động thái trấn an dư luận nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại trên giấy.

Cần làm rõ ai đã đẩy nhà giáo vào thảm cảnh “nước mắt chan cơm”?
Cần làm rõ ai đã đẩy nhà giáo vào thảm cảnh “nước mắt chan cơm”?

Hiện nay, theo nguồn tin riêng, chế độ nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận đang bị “ỉm đi” cho dù trong số những nhà giáo ấy, có nhiều người đã đến kỳ nghỉ hưu là vì huyện Vĩnh Thuận vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo xem phải chi trả chế độ cho họ ở vị trí việc làm nào.

Như vậy, trong lúc có những nhà giáo đang phải lay lắt tìm cách mưu sinh bởi nhiều nghề khó nhọc, tinh thần nhiều người bị giày vò đến kiệt quệ do chế độ hưu trí chính đáng đang bị giam hãm thì những người có thẩm quyền vẫn cứ từ từ phân định xem vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp của những nhà giáo này là gì?

Họ thuộc diện nhân viên, hay giáo viên? Rồi từ đó mới tính đến việc chi trả chế độ mà lẽ ra họ đã được hưởng từ rất lâu rồi. 

Để chia sẻ và đồng hành cùng các nhà giáo, Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục đăng tải ở kỳ sau về những góc khuất của vụ việc.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan