Không công bố thí sinh gian lận trong kỳ thi năm 2018, liệu có đi đêm?

26/03/2019 06:48
NHẬT DUY
(GDVN) - Làm sao dư luận có thể biết những thí sinh sinh nâng điểm có bị xử lý hay không bởi tất cả đều diễn ra âm thầm giữa Sở và các trường đại học, học viện?

Mấy ngày nay, sự việc gian lận thi cử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều mà mọi người mong chờ nhất là các cơ quan chức năng công bố danh sách những thí sinh này trước dư luận.

Thế nhưng, hình như vẫn còn một điều gì đó lấn cấn và uẩn khúc ở bên trong nên lãnh đạo Sở Giáo dục Hòa Bình giữ quan điểm là không công bố danh sách?

Lẽ nào chúng ta có hệ thống pháp luật, có quy chế kỳ thi rõ ràng mà lại không xử lý một cách minh bạch được những thí sinh vi phạm hay sao?

Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.

Khi có kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã chia sẻ với báo chí về việc không công bố danh sách thí sinh gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vì “sợ tổn thương” các thí sinh.

Tại buổi họp báo quý I/2019 của Bộ Công an diễn ra chiều nay 25/3, trước các câu hỏi của báo chí về kết luận điều tra vụ sửa điểm thi Trung học phổ thông quốc gia ở Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc đã có nhiều chia sẻ.

Vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã cho biết các thí sinh này đã đăng ký xét tuyển vào khoảng 20 trường đại học, cao đẳng khác nhau trên cả nước.

Hiện, Sở này đã cập nhật xong danh sách và gửi kết quả tới các trường đại học, cao đẳng có thí sinh liên quan theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình không chủ trương công khai danh tính các sinh viên này và cũng không thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển vào các trường công an, quân đội. 

Phải chăng, lãnh đạo ngành giáo dục Hòa Bình đang "nương tay" cho những sai phạm của 64 thí sinh có dính líu đến tiêu cực đã được cơ quan điều tra kết luận?

Không công bố thí sinh gian lận trong kỳ thi năm 2018, liệu có đi đêm? ảnh 2Không công khai thí sinh gian lận là bao che cho tham nhũng, tiêu cực

Bởi những thí sinh có học lực thật chỉ được vài ba điểm nhưng “bỗng nhiên” trở thành những người có điểm cao chót vót.

Thậm chí có thí sinh trở thành thủ khoa của các trường quân đội, công an- những trường mà mấy năm nay luôn có điểm đầu vào cao nhất ở các khối thi.

Nếu sự việc chót lọt, những thí sinh này sẽ trở thành những sĩ quan quân đội, công an và liệu gia đình và bản thân họ có dám đương đầu với những công việc khó khăn, những vùng đất khắc nghiệt hay họ lại tiếp tục chạy, tiếp tục gửi gắm?

Ai cũng biết, những năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào của các trường quân đội, công an tăng lên đột biến.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi những thí sinh vào học các trường này đều là những học sinh giỏi, có sức khỏe, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt.

Tuy nhiên, một môi trường đào tạo, học tập như thế bị vấy bẩn bởi những kẻ cơ hội chen chân vào.

Tất nhiên, những gia đình nông dân, ít quen biết, nghèo khó như ở Hòa Bình, Sơn La muốn con em mình vào được những ngôi trường này không có con đường nào khác là phải học tập bằng chính sức lực của mình.

Những người có thể “can thiệp” được tương lai của con em mình bằng con đường gian dối tất nhiên phải là người có quyền, có tiền.

Điều trớ trêu nhất là đa phần những thí sinh có dính dáng đến tiêu cực của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đều có điểm đến là các trường quân đội và công an. 

Trong khi, đa số các trường  này đều lấy trên 20 điểm, một số ngành học có điểm chuẩn dao động trong các năm gần đây là từ 26-27 điểm, nhiều ngành lấy sát 30 điểm.

Vì sao nhiều thí sinh dính dáng đến vụ tiêu cực điểm lại chọn trường quân đội, công an?

Thứ nhất là vào học không mất học phí, được nhà nước lo toàn bộ chi phí đào tạo, có nơi ăn ở và được cấp phụ cấp hàng tháng.

Không công bố thí sinh gian lận trong kỳ thi năm 2018, liệu có đi đêm? ảnh 3Sơn La có 44 thí sinh điểm thi không đúng, có em được nâng 26,55 điểm

Thứ hai là khi đã vào được những trường này cũng như chắc chắn một suất biên chế khi ra trường.

Thứ ba là vào được các trường này thì cha mẹ luôn yên tâm bởi con em họ được học tập và rèn luyện trong một môi trường an toàn và kỉ luật nhất.

Và đây là môi trường giúp cho các em rèn luyện và trưởng thành cả về bản lĩnh, ý chí…

Thứ tư là ngành học sau này chế độ đãi ngộ về lương cao hơn so với các ngành khác.

Chính vì thế, các em học sinh ở nông thôn, những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi là thường hướng vào các trường quân sự và công an để đảm bảo tương lai của mình sau này.

Và điều tất nhiên là những gia đình “có điều kiện” nhưng con em họ học hành không tốt thì họ cũng muốn cho con em họ vào học ở đây nên họ đã móc nối với nhiều cán bộ trong Hội đồng thi nâng khống điểm thi của con em họ.

Vì thế, mới có chuyện thí sinh được nâng đến 26.45 điểm ở Hòa Bình, nâng 26.55 điểm/ 3 môn ở Sơn La.

Như vậy, điểm thật 3 môn thi của các thí sinh này chỉ cần mỗi môn được 1 điểm cũng sẽ trở thành…thủ khoa.

Hơn lúc nào hết, dư luận đang mong chờ sự lên tiếng từ những người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự việc tiêu cực này.

Bởi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Lẽ nào Bộ lại để các sở giáo dục tự cho mình quyết định về việc công bố hay không công bố danh sách thí sinh tiêu cực?

Nếu cứ như cách lý giải của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình thì làm sao có thể biết những thí sinh sinh này có bị xử lý hay không bởi tất cả đều diễn ra âm thầm giữa Sở và các trường đại học, học viện?

Sự việc được điều tra rõ mười mươi mà dư luận còn không biết thì các bước xử lý âm thầm chắc gì được đến nơi, đến chốn?

NHẬT DUY