Kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia sao nhiều thủ tục nhiêu khê?

29/04/2017 08:35
Thuận Phương
(GDVN) - Việc thanh tra liên tục về để kiểm định và đánh giá chất lượng trường chuẩn quốc gia đã tạo không ít những áp lực, những mệt mỏi cho giáo viên.

LTS: Phản ánh về những thủ tục hành chính rườm rà trong công tác kiểm định chất lượng các trường chuẩn quốc gia, cô giáo Thuận Phương cho rằng việc này đang gây ra những khó khăn, mệt mỏi cho các thầy cô giáo.

Theo cô, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chứ không phải là làm cho đủ bộ hồ sơ mang tính hình thức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong các cơ sở giáo dục, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho học sinh. 

Nhưng hiện nay, nhiều thủ tục hành chính rườm rà đang lấy mất thời gian, tâm sức của không ít giáo viên khiến cho việc dạy và học của họ càng trở nên nặng nề và sinh ra tư tưởng đối phó. 

Thủ tục rườm rà nhất phải kể đến việc kiểm định chất lượng công nhận các trường đạt chuẩn quốc gia hoặc các trường đang giữ chuẩn và bắt đầu lên chuẩn.

Trước khi được cấp trên về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia hay giữ chuẩn, tại trường học phải tự đánh giá. 

Thủ tục kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia còn rườm rà. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Thủ tục kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia còn rườm rà. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Công việc này tưởng đơn giản nhưng đã lấy biết bao thời gian, công sức của Ban giám hiệu, của giáo viên trong nhà trường. 

Đầu tiên, phải thành lập hội đồng tự đánh giá, ngoài Ban giám hiệu, Thanh tra nhân dân, Chủ tịch Công đoàn là những thầy cô tổ trưởng. 

Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tự đánh giá, các thành viên hội đồng tự đánh giá phải thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng. 

Đây có lẽ là khâu mệt mỏi nhất. Bởi các giáo viên phải rà lại từng tiêu chuẩn, soi từng tiêu chí xem đã đủ chưa? 

Đã đáp ứng đúng yêu cầu chưa? Nếu thiếu tiêu chí nào phải tìm cách bổ sung kịp thời. Nhưng không phải lúc nào bổ sung cũng hợp lý. 

Chẳng hạn, có tiêu chí yêu cầu tổ văn phòng một tháng họp 2 lần phải có biên bản cụ thể. 

Kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia sao nhiều thủ tục nhiêu khê? ảnh 2

Nhiều thủ tục rườm rà khi kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia

(GDVN) - Danh hiệu trường chuẩn quốc gia là cao quý nhưng đừng vì những thủ tục hành chính rườm rà mà làm ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng, chăm sóc học sinh.

Mà các trường trước đây chủ yếu chỉ coi trọng họp tổ chuyên môn, tổ văn phong có họp cũng chỉ nói miệng với nhau là xong.

Nay phải chuẩn bị biên bản họp tổ trong suốt 5 năm làm sao có được?

Hay như có tiêu chí yêu cầu trường học phải có Hội đồng trường.

Thực tế các trường học đều có Hội đồng sư phạm, Ban liên tịch hay Hội đồng thi đua khen thưởng. 

Ban giám hiệu các trường ai ai cũng tỏ ra bức xúc vì cái quy định này.

Nhưng đã là quy định thì phải theo, mình không đáp ứng được là thiếu tiêu chí” - một Hiệu trưởng trường tiểu học đã lên tiếng. 

Thế là những trường chuẩn bị lên chuẩn đã gấp rút thành lập một Hội đồng trường với đầy đủ ban bệ, viết mươi cái biên bản để chứng minh đã có từ trước cho đủ tiêu chí rồi để đó, chứ biết họp cái gì bởi mọi chuyện đã được họp Liên tịch hay họp Hội đồng sư phạm nhà trường hàng tháng.

Theo quy định, mọi cơ sở dữ liệu phục vụ minh chứng cho việc đánh giá kiểm định phải được lưu trữ trong 5 năm gần nhất. 

Ngoài các số liệu về học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên, số lớp, số phòng học, sĩ số học sinh trên lớp, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, lưu ban hay các danh hiệu thi đua của giáo viên, của học sinh như tỉ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp, tỉ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở... 

Hồ sơ sổ sách được lưu giữ của 5 năm từ hồ sơ của tổ như: sổ dự giờ, sổ đầu bài, sổ chủ nhiệm, sổ biên bản, sổ kế hoạch, sổ chuyên đề, kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, yếu kém đến các loại hồ sơ sổ sách của Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng. 

Nhiều người đùa: “Hồ sơ kiểm định chất lượng 5 năm của một trường phải chất vài xe bò mới di chuyển đủ”. 

Trước khi lưu số liệu, hội đồng kiểm định của nhà trường đã rà soát xem các số liệu trên có bị khống chế vào quy định để xét chuẩn không, từ đó biết cách tìm đường điều chỉnh cho hợp lý. 

Vì điều này, có không ít trường sợ ảnh hưởng đến kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của những năm sau này, đã không dám cho học sinh ở lại lớp nhiều dù các em không có khả năng lên lớp. 

Nếu trường muốn đạt chuẩn quốc gia thì tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng phải luôn ở con số ngất ngưởng khoảng 99%. Học sinh lưu ban chỉ được đếm trên đầu ngón tay cho an toàn.

Hay việc ra đề kiểm tra chất lượng cuối kì cũng có phần “dễ thở” hơn để học sinh đạt nhiều điểm tốt...

Khi mọi việc đã “hòm hòm” như cách nói của một số người, Hội đồng tự đánh giá đã họp lại đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí, Hiệu trưởng viết báo cáo tự đánh giá và công bố báo cáo để cấp trên về thẩm định và công nhận.

Kiểm định chất lượng trường chuẩn quốc gia sao nhiều thủ tục nhiêu khê? ảnh 3

“Chiêu trò” để trường chuẩn quốc gia “giữ chuẩn”

(GDVN) - Giáo viên trường chuẩn cứ phải quay cuồng với đủ thứ việc ngoài công tác giảng dạy nên bất kì thầy cô nào cũng ngán ngẩm khi dạy ở ngôi trường chuẩn quốc gia.

Nhưng trước khi cấp có thẩm quyền cao nhất ra quyết định thì cấp phòng của huyện thị sẽ đi tiền trạm trước để “dọn đường”.

Từ Ban giám hiệu đến giáo viên lại “vắt chân lên cổ” theo kiểu chạy ma-ra-tông từ chuẩn bị tiết dự giờ, chuẩn bị hồ sơ sổ sách đến việc trang trí lớp theo kiểu thân thiện (mà nhiều người thường đùa như phường hát bội). 

Dù đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ với các vật chứng đầy đủ nhưng cứ sau một đợt kiểm tra theo kiểu “lắm thầy thối ma” thì mọi người phải ra sức chỉnh sửa nội dung cho phù hợp yêu cầu của người thanh tra đó.

Lần cuối cùng đón đoàn cấp trên, cũng những quy trình ấy như hết xem hồ sơ sổ sách, xem những minh chứng của 5 năm về trước đến những sổ sách hiện tại, vào lớp dự giờ đôi ba tiết và ra quyết định công nhận trường đã giữ chuẩn mức độ 1,2 gì đó...

Thanh tra về rồi, thầy cô lại một lần được góp ý, chỉnh sửa những nội dung được những vị thanh tra cấp trên yêu cầu. Vì thế, cũng không tránh khỏi cảnh các thầy cô giáo buộc trở thành người thợ “đẽo cày giữa đường”.

Buổi thanh tra cuối cùng là cấp Sở này cũng chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” bởi để kiểm tra được một đống hồ sơ lưu trữ suốt 5 năm cùng với hồ sơ mới của năm hiện tại với việc dự giờ thăm lớp, chí ít cũng phải vài tuần mới xong. 

Chỉ với một buổi sáng cho chừng ấy công việc nhưng nhà trường đã phải lo chuẩn bị hồ sơ của cả 5 năm trước đó.

Chu kì kiểm định chất lượng giáo dục là 5 năm. Nhưng những cơ sở được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 1 và cấp độ 2 sau ít nhất 2 năm được đăng kí đánh giá ngoài để đạt cấp độ cao hơn. 

Việc thanh tra liên tục về để kiểm định và đánh giá như thế tạo không ít những áp lực, những mệt mỏi cho giáo viên. 

Danh hiệu trường chuẩn quốc gia là cao quý nhưng hãy bớt đi các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê không cần thiết để thầy cô tập trung vào việc đầu tư cho từng bài dạy, chăm sóc cho từng đối tượng học sinh sẽ hữu ích hơn nhiều.

Thuận Phương