Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi thì có

13/04/2017 12:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Đó là tội bắt học sinh ngồi nhầm lớp, tội “báo cáo ma” kết quả học tập, rèn luyện phấn đấu của trò, tội tạo áp lực học tập cho học sinh...

LTS: Sau khi bài viết “Chỉ tiêu… không có tội” của tác giả Sông Trà được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phan Tuyết thể hiện sự đồng tình với quan điểm là bản chất chỉ tiêu không có tội.

Tuy nhiên, cô Phan Tuyết cũng chỉ ra thực trạng của việc thực hiện chỉ tiêu. Qua đó để thấy, những người thực thi chỉ tiêu lại gây ra vô số tội bởi “căn bệnh thành tích”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết “Chỉ tiêu… không có tội” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của tác giả Sông Trà, tôi rất đồng tình và tâm đắc với một số nhận định của tác giả:

…việc các cơ sở giáo dục hình thành, xây dựng các chỉ tiêu cho học sinh, giáo viên, các bộ phận, ban ngành… làm căn cứ, cơ sở để nhà trường, thầy cô giáo, các em học sinh cùng nỗ lực, phấn đấu, hướng tới những thành quả tốt nhất là hoàn toàn đúng đắn và tích cực”. 

Quả đúng là “Không riêng gì trường, lớp, ngành giáo dục đề ra các chỉ tiêu mà các ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động khác cũng đều xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đó”. 

Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi lại vô số tội. (Ảnh: thanhnien.vn).
Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi lại vô số tội. (Ảnh: thanhnien.vn).

Chỉ tiêu vốn là tốt, đó là “mức quy định phải đạt tới trong kế hoạch đề ra”. Có chỉ tiêu mọi người mới nỗ lực phấn đấu để hoàn thành. 

Nhưng theo tác giả Sông Trà, “ngành giáo dục có đặc thù riêng, sản phẩm đào tạo là con người, học sinh, khó kiểm định, cân đo đong đếm…”. 

Bởi thế, nhiều vị lãnh đạo giáo dục của chúng ta đã lợi dụng điều này để biến các chỉ tiêu ấy thành phương tiện đạt những mục đích như tiếng tăm, danh vọng và khát vọng của chính bản thân mình. 

Đúng là “chỉ tiêu… không có tội” nhưng người thực thi chỉ tiêu lại vô số tội.

Đó là tội bắt học sinh ngồi nhầm lớp, tội “báo cáo ma” kết quả học tập, rèn luyện phấn đấu của trò, tội tạo áp lực học tập cho học sinh, tội biến tuổi thơ vô tư của các em thành những ông cụ suốt ngày đêm chỉ biết học… và vô số những tội danh khác.

Điều này đã được minh chứng bằng “căn bệnh thành tích” đã đến giai đoạn “ung thư di căn” đã và đang tàn phá ngành giáo dục của chúng ta một cách khủng khiếp mà cho đến thời điểm hiện tại, dù đang rất cố gắng, chúng ta những nhà giáo dục có tâm vẫn chưa tìm ra được phương thuốc chế ngự nó.

Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi thì có ảnh 2

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Tôi đồng ý với tác giả “Chỉ tiêu không phải là thứ bất biến, đầu năm sao, cuối năm vẫn vậy mà nó luôn được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, thực tế dạy học, chất lượng học tập của các em”. 

Chỉ điều tưởng chừng đơn giản thế thôi nhưng chẳng nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước thực hiện được. 

Phần lớn chỉ tiêu từ trên giao xuống, nhà trường “chuẩn y” giao về các tổ để đăng kí. 

Đã có không ít tổ chuyên môn căn cứ vào tình hình thức tế của học sinh của khối lớp mình, hạ chỉ tiêu như tỉ lệ lên lớp thẳng, tỉ lệ học sinh khá giỏi xuống vài phần trăm nhưng khi đưa lên chuyên môn nhà trường cũng chẳng bao giờ chấp nhận. 

Đầu năm đăng kí thế nào, cuối năm bắt buộc ít nhất phải đạt hoặc vượt trội hơn chứ tuyệt nhiên không bao giờ được tụt xuống. Điều này lẽ ra tác giả Sông Trà, một cán bộ quản lý phải là người hiểu hơn ai hết.

Với các trường mang danh chuẩn quốc gia thì chỉ tiêu đăng kí lại càng phải cao hơn các trường học khác bởi các lãnh đạo thường có tâm lý sợ trường bạn hơn trường mình nên thường ra sức gồng mình lên để thực hiện.

Tác giả nói rằng: “Trong quá trình triển khai, thực hiện, gặp trở ngại, khó có thể đạt chỉ tiêu, kế hoạch ban đầu đề ra thì nhà trường họp bàn, thống nhất điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tiễn”. 

Nếu điều này thực hiện được thì liệu giáo dục có còn “bệnh thành tích” như bây giờ hay không? 

Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi thì có ảnh 3

Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia

Nhiều đồng nghiệp của tôi ở nhiều trường học ở nhiều vùng miền khác nhau đều chia sẻ: 

Khi báo cáo tình hình học sinh trong lớp có một số em không biết đọc, biết viết, giáo viên đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không tiến bộ nên khó đảm bảo tỉ lệ lên lớp 99% như đã đăng kí”. 

Bao giờ cũng thế, Ban giám hiệu chỉ là động viên “Thầy cô cố gắng kèm thêm cho các em chứ không có cách nào khác”. 

Chưa bao giờ và chưa có lúc nào chỉ tiêu được hạ xuống cho phù hợp với tình hình thực tế. Thế mới gọi là áp lực về chỉ tiêu, “chỉ đâu tiêu đó”.

Chỉ tiêu… không có tội nhưng với cách nhận thức chỉ vì sợ giáo viên thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp, tùy tiện, tự tung, tự tác trong việc đánh giá, xếp loại, ghi điểm cho học sinh… mà vội áp chỉ tiêu để quản lý như cách hiểu của tác giả Sông Trà thì thật là tai hại. 

Chính vì điều này, chỉ tiêu trường học đang là nỗi sợ, nỗi ám ảnh của tất cả giáo viên và người chịu thiệt nhiều nhất chính là các em học sinh thân yêu của mình.

Phan Tuyết