Lạm phát danh hiệu giáo viên lao động tiên tiến, vì đâu?

29/07/2020 06:50
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Tiêu chuẩn lao động tiên tiến không dễ dàng đạt được nhưng tại nhiều nơi có cơ quan, trường học mặc nhiên ai cũng là lao động tiên tiến..thế mới tài!”.

Giáo dục Việt Nam từng đăng tải bài viết: "3000/4000 giáo viên Diễn Châu là lao động tiên tiến, huyện không đủ tiền thưởng" phản ánh những bất cập trong công tác chi trả tiền danh hiệu Lao động tiên tiến tại tỉnh Nghệ An.

Sau khi bài viết đăng tải, nhiều độc giả phản hồi về tòa soạn: Một số địa phương khác (không chỉ riêng tỉnh Nghệ An) cũng diễn ra tình trạng chi trả tiền danh hiệu Lao động tiên tiến mỗi nơi một kiểu; thậm chí có nơi giáo viên ngậm ngùi cầm tấm bằng khen cho có lệ.

Độc giả Lương Thanh Thảo, giáo viên huyện Phù Cát (Bình Định) cho biết: Ở huyện Phù Cát - tỉnh Bình Định cũng vậy. Năm học 2018 - 2019, những người đạt lao động tiên tiến trong ngành giáo dục không được nhận 1 nghìn nào cả. Các năm học trước đó thì có. Nguyên nhân đâu thì giáo viên làm sao biết? Mong báo Giáo dục cũng nên làm rõ vấn đề này.

Độc giả Dương, giáo viên tỉnh Thanh Hóa phản ánh: Hầu như cách thực hiện việc chi trả này giống hệt tỉnh Thanh Hóa. Hai địa phương kề hồi giáp mái.

Ở giai đoạn cuối năm học, không chỉ học sinh vất vả với những bài kiểm tra, bài thi mà giáo viên cũng đau đầu với câu chuyện bình bầu thi đua, xếp loại, khen thưởng.

Trong bài viết: "Con số % tỉ lệ khen thưởng cuối năm khiến giáo viên đứng lớp ngậm ngùi" của tác giả Kim Oanh đăng tải trên Giáo dục Việt Nam có đoạn:

“Những giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn giáo viên từ mức khá trở lên, các chỉ tiêu đề ra đạt là được là nhà trường xét và đề danh hiệu Lao động tiên tiến.

Việc xét danh hiệu Lao động tiên tiến ở các nhà trường hiện nay không khó khăn vì mức thưởng ít mà khi xét tăng lương trước hạn thì cũng không được chú trọng”.

Nếu coi những tấm giấy khen là sự đánh giá kết quả của một năm học (đối với học sinh) thì danh hiệu Lao động tiên tiến cũng là “tấm giấy khen” của giáo viên.

Cô giáo Lê Ánh Dương, giáo viên tại Nam Định chia sẻ: “Danh hiệu lao động tiên tiến tại các trường không quá khó để đạt được vì các tiêu chí đánh giá còn khá chung chung.

Thêm nữa danh hiệu này do nhà trường xét và bình bầu cho nên tâm lý của mọi người là khen thưởng cho giáo viên một cái giấy khen, danh hiệu để động viên cũng có mất gì đâu. Tuy nhiên mức thưởng thì mỗi huyện, mỗi trường mỗi khác”.

Danh hiệu Lao động tiên tiến quá đại trà, không phản ánh hết chất lượng giáo viên đứng lớp (Ảnh:V.N)

Danh hiệu Lao động tiên tiến quá đại trà, không phản ánh hết chất lượng giáo viên đứng lớp (Ảnh:V.N)

Theo khoản 6 Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng có quy định điều kiện đạt danh hiệu Lao động tiên tiến:

1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;

b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;

c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.

Những quy định này còn khá chung chung dẫn đến tình trạng việc xét thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến trở nên quá đại trà.

Lấy ví dụ tại huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Xuân Khoa, Trưởng phòng Nội vụ cho biết: Hàng năm trên địa bàn huyện có gần 4000 giáo viên, công chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: Bản chất câu chuyện lạm phát giấy khen hay khen thưởng cho giáo viên xuất phát từ việc không có những tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng, biến những điều tốt đẹp trong giáo dục trở thành phong trào thi đua hoặc hô hào khẩu hiệu.

Thầy Khuyến nói: “Ban đầu những tấm giấy khen hay danh hiệu được sử dụng với mục đích phân loại, xếp loại học sinh, giáo viên thế nhưng hiện nay nó đang được biến tướng trở thành những phong trào để người ta thi thố, ganh đua nhau.

Điều này khiến giáo dục xa rời bản chất vốn có của nó, trở thành căn bệnh ngụy thành tích.

Nếu một trường tất cả giáo viên đều đạt danh hiệu tiên tiến đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy của ngôi trường đó phải tốt, thế nhưng trên thực tế những tấm giấy khen, bằng khen, danh hiệu không phản ánh hết chất lượng của một ngôi trường.

Đó chính là nghịch lý cũng như bi kịch nếu chúng ta cứ chạy theo những tấm giấy khen, danh hiệu phù phiếm không giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta thiếu những tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng mà cứ chung chung nào là hoàn thành tốt nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức tốt…

Thế tốt như thế nào, thang điểm đánh giá là bao nhiêu thì không ai bàn, không ai kiểm tra vì thế mới dẫn đến tình trạng lạm phát giấy khen”.

Danh hiệu thi đua trong ngành giáo dục cần đưa về thực chất thay vì khẩu hiệu suông (Ảnh:Lã Tiến)

Danh hiệu thi đua trong ngành giáo dục cần đưa về thực chất thay vì khẩu hiệu suông (Ảnh:Lã Tiến)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết thêm: “Nếu muốn đẩy lùi căn bệnh thành tích, căn bệnh đồng phục trong giáo dục công lập thì đầu tiên phải có những tiêu chí đánh giá rõ ràng, tiêu chí kiểm tra cụ thể.

Chúng ta phải đưa những phong trào, những cuộc thi vào trong trường học hiệu quả, khách quan và trung thực để biến những phong trào đó có ích cho xã hội thay vì chỉ nêu khẩu hiệu một cách chung chung.

Muốn thế thì phần tiêu chí đánh giá, giám sát phải chặt chẽ và phải có sự thống nhất, đồng bộ từ trên xuống dưới.

Chất lượng giáo dục không thể nào được đánh giá thông qua những tấm giấy khen, những danh hiệu đại trà, phổ biến được”.

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội nói: “Đối với các trường tư thục tiêu chí đánh giá giáo viên không bằng chứng chỉ, bằng cấp hay các danh hiệu mà sẽ kiểm tra bằng những bài thi – đó mới là trình độ thực chất của những giáo viên.

Hàng năm nhà trường có những khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn của giáo viên để từng bước hoàn thiện bản thân, phù hợp với yêu cầu phát triển của giáo dục hiện đại”.

Với những phản ánh của người trong cuộc, hy vọng trong những năm tới đây các phong trào, cuộc thi, danh hiệu, bằng khen trong ngành giáo dục sẽ đi vào thực chất thay vì tình trạng: Học sinh lạm phát giấy khen, giáo viên cả làng được thưởng như hiện nay - trăm hoa đua nở, có tiếng mà không có chất lượng.

Vũ Ninh