Làm rõ hơn về ngày làm việc, ngày nghỉ của giáo viên

30/03/2020 06:08
BÙI NAM
(GDVN) - Hiện nay các trường đã thực hiện tự chủ tài chính nên để bố trí công việc hợp lý thì hiệu trưởng sẽ phải tìm cách giải quyết cho đúng tránh bị phạt.

Sau bài viết “Bắt giáo viên trực tết, hè,… không công sẽ bị phạt đến 20 triệu” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/3 đã có hàng chục bình luận và hàng chục ngàn lượt like (thích) về bài viết trên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều thắc mắc và phản hồi về quy định trong Thông tư 28/2020/NĐ-CP về việc xử phạt đối với hành vi ép giáo viên trực không công trong các ngày nghỉ bị phạt đến 20 triệu đồng.

Trước hết xin được cám ơn sự quan tâm của bạn đọc về vấn đề trên.

Trên tinh thần cầu thị, chia sẻ, tôi xin được phép nêu lại vài phản hồi của bạn đọc và làm rõ hơn về quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, việc trực,… của giáo viên.

Nhiều thầy cô giáo thắc mắc quy định về ngày làm việc, ngày nghỉ của giáo viên. (Ảnh minh hoạ: VTV)
Nhiều thầy cô giáo thắc mắc quy định về ngày làm việc, ngày nghỉ của giáo viên. (Ảnh minh hoạ: VTV)

Về thời gian làm việc

Bạn đọc LƯƠNG HOÀI MY:

“Sau khi nghiên cứu Thông tư 15, theo tôi Bùi Nam hiểu chưa đúng quy định của thông tư.

Chiếu theo thông tư 15, giáo viên phải làm 42 tuần trong mỗi năm học và giáo viên nghỉ hè phải trừ đi các ngày nghỉ đã nghỉ trong năm theo Luật Lao động.

Nội dung như sau: giáo viên nghỉ hè 02 tháng (bao gồm các ngày nghỉ trong năm theo Luật lao động). Tác giả hiểu lầm nội dung trong TT28 với TT15.”

Còn bạn đọc DƯƠNG ANH ĐỨC bình luận:

“Tác giả vẫn nhập nhằng, chưa hiểu rõ TT15 và TT28. TT15 đã có phần bao phủ và phủ định một số nội dung của TT28 như trong quy định của TT15 đã quy định số ngày nghỉ hè của giáo viên phải trừ đi các ngày đã nghỉ trong năm theo quy định của Luật lao động, tức là giáo viên không bao giờ được nghỉ tròn 02 tháng bởi nhiều lí do như đã xin nghỉ trong năm hay chưa thực hiện đủ 42 tuần làm việc.

Nên nhớ mỗi ngày làm việc phải 8 tiếng/ngày. Còn định mức tiết dạy lại là vấn đề khác nữa".

Bạn đọc LƯU PHƯỚC BÌNH nêu:

“Thông tư 15 quy định giáo viên nghỉ hè 02 tháng (bao gồm các ngày nghỉ trong năm theo quy định của Bộ luật lao động).

Quy định đã nói rõ như vậy mà tác giả cố tình không hiểu, vẫn nhập nhàng một số điều khoản của TT15 và TT28.

Điều đó có nghĩa giáo viên nghỉ hè phải trừ đi các ngày đã nghỉ trong năm (kể cả các ngày nghỉ theo Bộ luật Lao động).

Tốt nhất, các trường cứ theo quy định giáo viên phải làm đủ 42 tuần trong một năm học. Mỗi ngày làm việc là 8 tiếng. Mọi việc đều làm ở cơ quan, trường học.

Trên đây là một số bình luận của một số bạn đọc đa số đều có ý kiến cho rằng tác giả chưa phân biệt rõ về thời gian nghỉ 02 tháng hè của giáo viên.

Bắt giáo viên trực tết, hè,… không công sẽ bị phạt đến 20 triệu
Bắt giáo viên trực tết, hè,… không công sẽ bị phạt đến 20 triệu

Xin được giải thích rõ về từng nội dung của Thông tư 15/2017 và Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại Văn bản hợp nhất Số: 03/VBHN-BGDĐT Thông tư ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông hợp nhất Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì:

Tại “Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm

1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

3. Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.” 

Như vậy, theo quy định trên thời gian làm việc của giáo viên là 42 tuần, xin được nêu rõ là trong 1 năm có 52 tuần như vậy có 42 tuần làm việc như trên (trong đó có được nghỉ ngày chủ nhật và các ngày nghỉ lễ 30/4; 01/5,…), còn lại 10 tuần trong đó có 02 tháng nghỉ hè là 08 tuần (tính luôn cả các ngày nghỉ lễ trùng với thời gian hè), 02 tuần nghỉ tết âm lịch.

Bên cạnh đó, thông tư trên cũng quy định “Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”

Như vậy, trong bài viết trước tác giả nêu rõ thời gian nghỉ hè của giáo viên là 02 tháng theo đúng Thông tư 15/2017 là đúng.

Còn về thời gian nghỉ của giáo viên đảm bảo đủ 42 tuần làm việc, được nghỉ 10 tuần.

Còn việc nghỉ hè vào thời điểm nào thì không có quy định chi tiết nhưng theo thông lệ là giáo viên thường được nghỉ vào tháng 6,7 hàng năm.

Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cụ thể do thiên tai, dịch bệnh việc nghỉ hè vào thời điểm nào do các nhà lãnh đạo, quản lý sắp xếp cho phù hợp.

Tôi ví dụ như năm học này do dịch bệnh phức tạp thì việc nghỉ học để chống dịch vào tháng 02,3 năm nay được xem như giáo viên đã nghỉ hè và phải làm nhiệm vụ tiếp tục trong tháng 6,7 tới.

Còn Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì trong đó có quy định nếu phân công giáo viên trực trái phép vào ngày nghỉ trái quy định thì bị phạt hành chính với các mức đã quy định trong bài viết trước. Đây là quy định thì không thể làm trái.

Ai sẽ trực trong các ngày nghỉ

Cũng có nhiều bạn đọc băn khoăn về áp lực vào ngày nghỉ, ngày lễ, hè nếu chi trả chế độ thì sẽ hết kinh phí hay như việc trực là san sẻ áp lực với thủ trưởng.

Bạn đọc TRẦN THỊ THU NGUYỆT nêu:

“Tác giả khi viết bài có tìm hiểu hết tình hình thực tế của địa phương chưa? Sao cái gì cũng đổ vào đầu của hiệu trưởng vậy?

Họ hơn giáo viên cái gì ngoài PCCV (phụ cấp chức vụ) còn quyền uy thì xin thưa giáo viên giờ uy quyền lắm, làm việc không đủ 8h đâu ạ!

Nghị định ra thì vẫn còn phải chờ thông tư hướng dẫn thực hiện và nhớ rằng còn tùy tình hình thực tế của địa phương nữa!”

Bạn đọc HYVONG nêu:

“Tiền khoán mỗi trường hàng năm nếu đem thuê dịch vụ trực thì cuối năm không còn để tăng thu nhập.

Giáo viên thay nhau trực không thuê thêm người nhiều thì cuối năm còn tiết kiệm. Đâu cũng vào đó thôi”.

Nhiều người cứ nghĩ giáo viên nhàn lắm
Nhiều người cứ nghĩ giáo viên nhàn lắm

Còn bạn đọc TRẦN TUẤN bình luận:

“Phải có cái nhìn toàn diện hơn với công tác trực bảo vệ tài sản ở các trường học.

Bài viết chỉ đưa ra "vấn đề trực trường thậm chí trực cả ban đêm của giáo viên vẫn diễn ra trái Luật bởi vì hiệu trưởng phân công, giáo viên không biết dựa vào đâu để phản ứng".

Trong 2 tháng hè mỗi người giáo viên chỉ bỏ ra nhiều nhất là 2 ngày để trực thì tôi thấy cũng ổn, nếu chúng ta tính chi li thì bắt đầu ngày 1/8 là hết hè, hiệu trưởng ngày nào cũng yêu cầu giáo viên lên theo qui định cũng mệt.”

Vấn đề này tôi xin được giải thích rõ, quy định của Nghị định 28/2020/NĐ-CP trong đó có quy định phạt việc ép giáo viên trực trong ngày nghỉ là một trong những quy định nhằm tránh tình trạng ép giáo viên trực tràn lan như hiện nay mà việc trực của giáo viên thì không mang lại hiệu quả.

Nói là trực để bảo vệ tài sản thì không đúng vì giáo viên không có chức năng đó, trực để giải quyết công việc thì cũng không phải vì trong thời gian lễ, tết, hè thì hầu như không có công việc liên quan giáo viên, nếu có thì có một ít liên quan hiệu trưởng.

Như vậy thì có thể có các cách sau là không phân công giáo viên trực trong ngày nghỉ là tốt nhất (trong các ngày nghỉ thì có bộ phận lãnh đạo, bảo vệ, tạp vụ trực và hệ thống camera hỗ trợ).

Việc này phải đảm bảo đủ số lượng bảo vệ, tạp vụ trường học (thật ra gọi là trực nhưng chủ yếu là có mặt và cũng khá nhẹ nhàng).

Hoặc là có thể họp hội đồng sư phạm thống nhất trong tập thể giáo viên để đưa ra quy chế chi tiêu nội bộ về việc chi trả chế độ trực (có thể thấp hơn theo quy định nhưng phải được sự đồng thuận của giáo viên và tập thể sư phạm nhà trường).

Hiện nay các trường đã thực hiện tự chủ tài chính nên các việc làm cho phù hợp, hợp lý thì hiệu trưởng sẽ phải tìm cách giải quyết cho đúng tránh bị phạt.

Hy vọng bài viết trên làm rõ hơn cho bạn đọc về việc thời gian làm việc, nghỉ của giáo viên trong năm.

BÙI NAM