Làm sao để không chọn nhầm nghề?

12/03/2019 06:45
TẤN TÀI
(GDVN) - Học nghề này ra trường sẽ làm gì, nhu cầu tuyển dụng ở các địa phương ra sao, sinh viên ngành này có thể đi du học…?

Đó là những câu hỏi băn khoăn của các bạn học sinh cấp ba nêu ra tại “ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp Đại học Đà Nẵng 2019” do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 10/3.

Tham gia ngày hội có hơn 1.000 học sinh đến từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng cùng đội ngũ chuyên gia đến từ các trường đại học, cơ sở giáo dục trực thuộc Đại học Đà Nẵng.

Làm sao để không chọn nhầm nghề

Một vấn đề được học sinh và phụ huynh quan tâm nhiều nhất tại buổi tư vấn là lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

Các bạn học sinh lớp 12 được các thầy cô Đại học Đà Nẵng hướng dẫn, tư vấn chọn nghề nghiệp cho tương lai. Ảnh: TT
Các bạn học sinh lớp 12 được các thầy cô Đại học Đà Nẵng hướng dẫn, tư vấn chọn nghề nghiệp cho tương lai. Ảnh: TT

Bởi thực tế, có nhiều học sinh sau khi đã thi đậu vào các trường Đại học lại bỏ ngang việc học giữa chừng vì nghề nghiệp không phù hợp.

Hoặc nhiều trường hợp khác học xong nhưng ra trường lại phải chọn công việc khác vì không còn đam mê.

Em Lưu Văn Quang, học sinh lớp 12 trường trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Hiện nay chúng em có rất nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành.

Tuyển giáo viên nên như tuyển sinh quân đội…khó thành hiện thực

Em muốn biết nên dựa vào đâu để sự lựa chọn tương lai của chúng em không bị nhầm nghề”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Giáo sư Lê Quang Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, các bạn nên cân nhắc ba điều trước khi lựa chọn ngành nghề.

Thứ nhất, là cần tìm hiểu nhu cầu xã hội về ngành học của mình cũng như cần mở rộng nhu cầu quốc tế (yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài…) đối với ngành mình quan tâm?

Hai là cần tìm hiểu chính mình là người như thế nào, có tiềm năng, năng lực, thiên hướng nghề nghiệp gì? Và thứ ba là điều kiện của gia đình để hỗ trợ cho việc học của bản thân?

“Điều thứ nhất thì hôm nay các thầy, cô tư vấn sẽ cung cấp thông tin cho các em về nhu cầu ngành nghề của xã hội và quốc tế.

Điều thứ ba thì chắc hẳn các em có thể tự tìm hiểu được ở gia đình mình. Điều thứ hai khó nhất thì cần có chuyên gia tư vấn về tâm lý học hỗ trợ các em và qua quá trình trải nghiệm của chính bản thân”, thầy Sơn chia sẻ thêm.

Cơ hội du học và làm việc ở nước ngoài

Một vấn đề được học sinh quan tâm là cơ hội du học, thực tập ở nước ngoài cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng thì hiện này nhà trường đang có các đợt thực tập của sinh viên nhà trường tại các Trường Đại học đối tác Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Một số trường quân đội vẫn tuyển thí sinh cận thị

Đặc biệt là các khóa đào tạo kỹ sư thang máy với các doanh nghiệp Nhật Bản tại trường, các học bổng giá trị (“thử thách UTE” trị giá 20 triệu đồng/năm) cho sinh viên…

“Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trau dồi giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm.

Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp như Esuhai đem lại nhiều cơ hội du học và làm việc tại Nhật Bản”, thầy Thọ cho biết.

Một học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi về chính sách tuyển thẳng của Trường Đại học Bách khoa năm nay như thế nào? Nhà trường có ngành Khoa học máy tính hay không?

Tiến sĩ Phan Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho hay, trường dành 10% chỉ tiêu tuyển sinh là 320 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng.

Cụ thể, xét tuyển thẳng theo quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho học sinh đạt giải thi học sinh Giỏi quốc gia, quốc tế, xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia và 15% chỉ tiêu tuyển sinh để xét học bạ.

“Các em tùy theo kết quả mình có giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc có kết quả học tập, học bạ cao hoặc có điểm thi trung học phổ thông quốc gia cao thì đều có thể “dùng quyền” lựa chọn phù hợp để được tuyển thẳng.

Ngành Khoa học máy tính được đào tạo tuyển sinh theo một số chương trình đào tạo công nghệ thông tin như sau:

Chương trình kỹ sư công nghệ thông tin đặc thù phối hợp với doanh nghiệp theo đó sinh viên sẽ có 1/3 thời gian làm việc, học tập tại doanh nghiệp.

Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp PFEIV thuộc đề án quốc gia cho ngành công nghệ phần mềm.

Chương trình công nghệ thông tin đào tạo bằng ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật là những chương trình có thể đáp ứng nguyện vọng của em”, Tiến sĩ Đức cho hay.

Ngoài ra, cũng tại ngày hội tư vấn này, các Trường Đại học đều tổ chức các gian hàng riêng để giới thiệu về các ngành nghề đào tạo. Qua đó, cung cấp thông tin cho các bạn học sinh chọn đúng nghề, đúng đam mê.

TẤN TÀI