Làm thầy thì cứ thẳng lưng mà sống, cớ sao lại phải chấp nhận “gù”?

28/05/2020 06:15
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại sao bị cáo Liên lại chọn “gù” theo những người xung quanh mà không thể chọn một cách sống “thẳng lưng” để giữ thanh danh của một nhà giáo?

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hòa Bình đã khép lại với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Nhưng, có lẽ dư âm của phiên tòa này sẽ còn vang vọng mãi bởi câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Phó phòng Khảo thí thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

Bị cáo Liên nói: “Kỳ thi tốt nghiệp năm đó có có nhiều trường hợp được nâng điểm. Bị cáo không làm theo sẽ khó vì, ai cũng gù nếu mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.

Tại sao bị cáo Liên lại chọn “gù” theo những người xung quanh mà không thể chọn một cách sống “thẳng lưng” để giữ thanh danh của một nhà giáo?

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên trong những ngày bị đem ra xét xử (Ảnh: T.P)

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên trong những ngày bị đem ra xét xử (Ảnh: T.P)

Chỉ là một cách nói ngụy biện cho việc làm của mình

Trong xã hội phong kiến xưa và ngay cả bây giờ cũng vậy, bao giờ người thầy cũng được xem là đội ngũ trí thức, được đề cao về đạo đức và thực tế nhiều người vẫn luôn giữ cho mình một lối sống thanh cao.

Cả nước có hơn 1, 5 triệu thầy cô giáo nhưng những người lãnh đạo, chuyên viên cấp Sở có lẽ chỉ có vài ngàn người.

Người có “cơ hội” để có thể gây ra những vụ án gian lận điểm thi như bị cáo Diệp Thị Hồng Liên lại càng hiếm.

Bởi, trong 3 tỉnh bị phát hiện tiêu cực thì gần như chủ yếu là lãnh đạo, chuyên viên Phòng Khảo thí và một vài lãnh đạo trực tiếp của Phòng này như các Phó Giám đốc Sở Giáo dục ở Hà Giang, Sơn La…

Điều đó có nghĩa bà Liên vẫn có thể tự đứng “thẳng lưng” nếu mình không muốn “gù” và giữ cho mình trong sạch.

Có bao nhiêu con đường cho mình lựa chọn, tại sao một số người lại chọn cách “gù lưng” để sống, để cùng phạm tội.

Người xưa có câu: “uy vũ bất năng khuất” nên nếu muốn giữ cho mình trong sạch bà Liên có thể thu thập thông tin, chứng cứ tố cáo việc làm của đồng nghiệp mình.

Hoặc, bà Liên có thể làm đơn không đảm nhận chức vụ Phó phòng Khảo thí để chuyển công tác khác và nếu muốn thì bà Liên có thể trở về làm giáo viên dạy lớp ở các nhà trường như những năm đầu bà mới ra trường.

Có ai cấm cán bộ, lãnh đạo ngành Giáo dục làm đơn xin từ chức để xuống làm giáo viên đâu?

Ngày xưa, khi thầy giáo Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” lên vua Trần Dụ Tông xin chém 7 người mà ông cho là nịnh thần nhưng vì không được vua chấp thuận, ông đã cáo quan về quê dạy học sống một cuộc đời thanh bạch…

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn tìm đến chỗ lao xao”.

Không chỉ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên ở Hòa Bình và bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga ở Sơn La cũng có cách trình bày tương tự.

Bị cáo Nga nói: “Do nhận thức còn hạn chế, bị cáo đã bắt buộc phải làm, bị cáo nghĩ rằng nếu không làm sẽ không tồn tại được tại cơ quan”.

Cho dù, người thời nay khó theo được tấm gương người xưa nhưng những nhà giáo như bà Diệp Thị Hồng Liên hay bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga có thể chọn một con đường khác để đi.

Thậm chí, quay lại với viêc dạy lớp- như lựa chọn ban đầu là đứng trên bục giảng không phải là không được, nếu không muốn nói là rất dễ dàng.

Tại sao không thể sống thẳng lưng?

Lời nói sau cùng của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên và bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga trong vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình và Sơn La là cách nói ngụy biện cho hoàn cảnh.

Bởi, ai cũng biết phía sau việc nâng điểm cho thí sinh là những lợi ích đi kèm.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga đã nộp lại cho cơ quan điều tra 1 tỉ, 40 triệu đồng chỉ một mùa thi trong vòng hơn 1 tháng trời đủ cho thấy sự hấp dẫn mà các bị cáo này chấp nhận mình “gù”.

Vì thế, các bị cáo đã từng là nhà giáo, có hàng chục năm công tác đừng việc dẫn hoàn cảnh sống để thoái thác những việc mình đã làm, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành Giáo dục.

Ở đây là sự thỏa hiệp, bắt tay cùng nhau để mưu cầu danh lợi, vừa được tiếng, vừa có tiền, thậm chí còn có thể được thăng tiến.

Vậy thì sao lại nói: “vì ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” hay “nếu không làm sẽ không tồn tại được tại cơ quan” như bị cáo Liên và Nga đã nói trước tòa?

Vụ án ở Sơn La là vụ án được đem ra xử sau cùng trong 3 vụ án gian lận điểm thi năm 2018 và điểm chung nhất là các vụ án này có nhiều nhà giáo cùng thông đồng, bắt tay cùng tham gia.

Những việc của họ làm đáng bị lên án, đáng phỉ báng vì sự việc này không thể nào cảm thông được bởi nó đã làm mai một niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục.

Vết nhơ mà các bị cáo này gây ra là quá lớn nó không gột rửa trong ngày một, ngày hai được mà nó sẽ còn tồn tại mãi với thời gian như bao vụ án gian lận điểm thi đã được sử sách ghi lại.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/nhieu-nguoi-nang-diem-khong-bi-cao-lien-khong-lam-theo-se-thanh-khuyet-tat-post209357.gd

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-cao-thay-nhuc-nha-dau-don-day-dut-den-mai-ve-sau-post209701.gd

NGUYỄN CAO