Làm thế nào để tiền ngân sách chi cho cán bộ đi học không lãng phí?

24/10/2018 06:29
Phan Tuyết
(GDVN) - Chuyện “…cán bộ đi học hay đi chơi thì chỉ có cán bộ biết và trời biết” như lâu nay quả đáng để nhiều người lo lắng “xôi hỏng bỏng không”.

LTS: Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố Cần Thơ tại Trường Đại học California (Riverside, Mỹ) giai đoạn 2018-2020” với tổng kinh phí của chương trình hơn 10 tỉ đồng vừa được ký kết, chia sẻ về việc phải làm sao để tiền ngân sách chi cho cán bộ đi học không lãng phí, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống vừa ký kế hoạch thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố Cần Thơ tại Trường Đại học California (Riverside, Mỹ) giai đoạn 2018-2020”.

80 người chia thành 4 lớp sẽ được đi học theo chương trình này, mỗi lớp 20 người, học 14 ngày, tổng kinh phí của chương trình hơn 10 tỉ đồng.

Bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực nhân sự; giao thông; quy hoạch đô thị; biến đổi khí hậu; môi trường; tài chính, ngân sách; quản lý dịch vụ công. [1]

 Làm thế nào để tiền ngân sách chi cho cán bộ đi học không lãng phí? ảnh 1Thật ra, dân ta đang phải nuôi cán bộ như thế nào?

Xưa đến nay, chuyện cán bộ ở nhiều địa phương đi học tập kiến thức, kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài, tình trạng học thì ít nhưng chơi là chủ yếu gần như khá phổ biến.

Có người trong cuộc còn nói kiểu đùa vui “học hành cái gì chủ yếu đi du lịch cho biết đó đây”.

Ai cũng biết điều này nhưng lại chẳng ai dám nói hoặc nói cũng chẳng có bằng chứng để chứng minh. Chỉ người trong cuộc hiểu rõ tường tận nhưng dại gì mà họ lại nói bạch toẹt ra?

Người viết bài có người bà con là cán bộ ngoài quê. Một lần chị ấy cùng đoàn cán bộ của tỉnh vào Vũng Tàu tập huấn 10 ngày nhưng lại ghé vào Bình Thuận chơi luôn 3 ngày.

Khi được hỏi “vì sao đi tập huấn mà lại đi chơi được?”, có lẽ nghĩ là người nhà nên chị cũng chẳng giấu.

Chị nói: “chẳng mấy khi có dịp vào Nam nên trốn về đây thăm cô chú và các anh chị. Sau đó còn vào thành phố Hồ Chí Minh thăm bà con bên chồng rồi mới về lại Vũng Tàu”.

Rồi chị cho biết cả đoàn ai có người thân ở các vùng lân cận cũng đều tranh thủ đi thăm chứ đâu riêng mình vì “mấy khi có dịp vào miền Nam. Thế nên chẳng sợ bị ai nói cả.

Tôi thầm nghĩ “Học tập kiểu này thì khi về địa phương chắc chắn chẳng có gì đổi khác hơn khi chưa được đi học”.

Trở lại câu chuyện Thành phố Cần Thơ sẵn sàng bỏ ra 10 tỉ đồng để cho cán bộ đi học tập tại nước Mỹ (nơi có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đứng đầu thế giới).

10 tỉ đồng là một số tiền không nhỏ nhưng nếu cán bộ thật sự đi học, đi tiếp thu những cái tinh hoa của nước bạn về làm đổi thay cho quê hương mình thì số tiền bỏ ra ấy cũng thật xứng đáng.

Nhưng chuyện “…cán bộ đi học hay đi chơi thì chỉ có cán bộ biết và trời biết” như lâu nay quả đáng để nhiều người lo lắng “xôi hỏng bỏng không”. Ai sẽ kiểm soát được chuyện này?

Làm gì để tiền ngân sách chi cho cán bộ đi học không lãng phí? (Ảnh minh họa: DAD 18)
 Làm gì để tiền ngân sách chi cho cán bộ đi học không lãng phí? (Ảnh minh họa: DAD 18)

Thế nên để những chuyến đi học tập tốn tiền của dân như thế thật sự có hiệu quả thì chính địa phương (nơi cử cán bộ đi học) phải có quy định kiểm soát “hậu học tập” một cách thật chặt chẽ.

Ví như người được cử đi học sau khi trở về địa phương phải có bản thu hoạch trình bày lại xem mình đã học tập được những gì? Sau đó, sẽ triển khai những mô hình, những cách làm hay vào chính lĩnh vực mình vừa được học tập.

Trên cơ sở ấy sẽ đưa ra được những giải pháp, những sáng kiến và cuối cùng là kết quả đạt được để so sánh với cái cũ có những gì tiến bộ hơn?

Có thế mới hạn chế được kiểu lấy tiền nhà nước đi chơi nhưng luôn núp danh đi học tập bồi dưỡng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-10-ti-dong-di-hoc-phai-biet-quy-tien-dan-637268.ldo

Phan Tuyết