Lần đầu tiên, Học viện Báo chí cho sinh viên đi kiến tập ở nước ngoài

10/02/2012 06:32
Kim Ngân
(GDVN) - Sắp tới, 23 sinh viên lớp Thông tin Đối ngoại K29, khoa Quan hệ Quốc tế sẽ sang Lào và Thái Lan để kiến tập trong vòng 6 ngày 5 đêm.

Sinh viên hào hứng

Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình đưa sinh viên lớp Thông tin Đối ngoại ra nước ngoài kiến tập vào năm 3 và thực tập vào năm 4 của khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Được biết, chương trình cho sinh viên kiến tập kéo dài 6 ngày 5 đêm (dự kiến từ 27/2 – 3/4/2011) tại Lào và Thái Lan.

Nói về mục đích của chương trình đào tạo này, PGS.TS Phạm Minh Sơn (Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế) cho biết: “Thực ra mong muốn này của bản thân tôi và của khoa đã có từ lâu lắm rồi, nhưng năm nay mới có thể thực hiện được. Chương trình này tạo điệu kiện cho các em sinh viên tìm hiểu trực tiếp, nghiên cứu về các cơ sở báo chí nước ngoài, được tiếp cận với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, Thái và được trải nghiệm văn hóa, cuộc sống ở đó… Đó là những kiến thức cần thiết đối với sinh viên thông tin đối ngoại am hiểu nền văn hóa của các nước”.

Theo ông Sơn thì hiện nay có 23/46 sinh viên lớp Thông tin Đối ngoại K 29 đã đăng ký tham gia và được phụ huynh, sinh viên hào hứng tham gia.

PGS.TS Phạm Minh Sơn (trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết đây năm đầu tiên thực hiện chương trình đưa sinh viên ra nước ngoài kiến tập
PGS.TS Phạm Minh Sơn (trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết đây năm đầu tiên thực hiện chương trình đưa sinh viên ra nước ngoài kiến tập

Nguyễn Thị Thanh Hảo (SV năm 3, lớp TT ĐN, Khoa QHQT) chia sẻ rất bất ngờ vì không nghĩ sẽ được ra nước ngoài thực tế trong 1 tuần. Đó nằm ngoài dự kiến của em trước khi bước vào trường. Đây là chương trình đầu tiên của khoa, của trường nên em rất hồi hộp và thích thú”.

Hảo còn nói thêm rằng chương trình này được bố mẹ ủng hộ nhiệt tình. Thanh Hảo đây là cơ hội để giao lưu, tăng thêm hiểu biết về văn hóa, con người ở đất nước khác. Vừa được thăm quan được các khu di tích văn hóa của Lào, tìm hiểu thực tế hoạt động của các cơ sở báo chí nước ngoài.

Mong muốn chương trình được nhân rộng

Ông Minh Sơn khẳng định rằng 23 sinh viên kiến tập ở nước ngoài vẫn đáp ứng yêu cầu so với những em kiến tập 3 tuần tại Việt Nam. Theo dự kiến thì sinh viên kiến tập của khoa phải có những sản phẩm nhất định như bài báo đăng tải, báo cáo hoạt động… về chuyến đi thực tế.

Cũng theo ông Minh Sơn thì khó khăn lớn nhất khi thực hiện chương trình này là kinh phí để ăn ở của sinh viên tại nước ngoài. Với nguồn hỗ trợ của khoa chỉ đủ sinh viên kiến tập, thực tập trong nước chứ tất cả chi phí 1 tuần ở nước ngoài đều phải huy động từ gia đình các em. Mỗi sinh viên đóng góp 6 triệu đồng.

“Chúng tôi đã hạn chế mức tối đa các chi phí ăn ở, đi lại của sinh viên. Trong tương lai, chương trình được mở rộng thì chúng tôi sẽ xin các nguồn tài trợ để hỗ trợ được sinh viên, giảm bớt được chi phí”, ông Sơn cho biết.

Đánh giá về chương trình mới mẻ, có phần “liều lĩnh” này, PGS. TS Phạm Minh Sơn khẳng định: “Qua chương trình này, chúng tôi sẽ học hỏi được kinh nghiệm về cách thức tổ chức và bản thân tôi rất mong muốn nhân rộng chương trình này trước hết là cho sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, học viện và sau có thể sẽ là các trường ĐH, cao đẳng. Nếu thành công tôi rất mong muốn đưa vào chương trình đào tạo để giúp sinh viên mở rộng tầm hiểu biết và có cơ hội giao lưu quốc tế”.

“Chúng tôi chọn nước Lào bởi giữa học viện và nước bạn đã có quan hệ khăng khít, đặc biệt. Trong tương lai, khoa sẽ tiến tới đưa các em đến những nước khác, trước tiên là trong khu vực để thuận tiện hơn trong việc đi lại, lo kinh phí”, ông Minh Sơn cho hay.

 “Vì một số lý do sức khỏe nên em phải bỏ lỡ chuyến đi thực tế này. Đây là chương trình rất hay. Nếu năm sau có tổ chức đi tiếp, chắc chắn em sẽ tham gia”, Tạ Thị Thùy Linh (SV năm 3, lớp TT ĐN) nói.

Kim Ngân