Làng Chài thiếu chữ giữa lòng Thủ đô

24/04/2012 06:35
Bích Thảo
(GDVN) - Giữa dòng nước bao la của Sông Hồng, gần 6 tháng nay đã quá quen thuộc với hình ảnh các bạn sinh viên chân đất xắn quần, vượt cầu khỉ xuống dạy chữ cho trẻ em vạn chài.
Lênh đênh lớp học giữa dòng sông

Dưới chân cây cầu Long Biên huyền thoại, giữa lòng Thủ đô hoa lệ có một cuộc sống hoàn toàn khác của người dân xóm chài An Xá (Quận Ba Đình). Ngoằn ngoèo qua những con ngõ nhỏ chỉ một xe máy đi vừa, qua mấy khúc cua là một cảnh tượng trái ngược hẳn với những gì sầm uất, phồn hoa đô thị. 

Làng chài An Xá nghèo nàn giữa lòng Thủ đô
Làng chài An Xá nghèo nàn giữa lòng Thủ đô

Làng Chài An Xá tồn tại từ bao giờ cũng không ai nhớ đến, chỉ biết rằng tất cả những người sống ở làng chài này là dân tứ xứ, nghèo khổ, không có đất cắm dùi đành phải... cắm cọc trên sông.

Cuộc sống đói nghèo đè nặng lên vai những người dân sống ở đây bao năm nay. Cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Không nghề nghiệp. Không có công cụ sản xuất. Đói nghèo cứ quấn lấy họ từ ngày này sang ngày khác.
Nói là vạn chài, nhưng kì thực trong số hơn 10 nóc nhà xóm làng chài An Xá không có mấy người làm nghề chài lưới. Họa chăng những ngày nước xuống, mấy người đàn ông trong xóm mới đi câu cá hay đặt vó bè. Con cua con cá bắt được cũng chẳng là bao. Nghề chính của cư dân ở xóm là... nhặt rác, bán hàng rong, nhặt tôm, nhặt tép, buôn đồng nát…

Nghèo đói, không có công việc ổn định, vậy mà ở làng chài này, gia đình nào cũng đông con. Rồi nghèo đói lại truyền từ đời cha đời mẹ xuống đời con, đời cháu. Miếng ăn không đủ nên những đứa trẻ ở làng chài này cũng chẳng được học hành đàng hoàng, phần vì không có tiền, phần vì gia đình hay phải di chuyển chỗ ở. Hầu hết những đứa trẻ ở đây bắt đầu đi học lớp 1 khi chúng đã lên 9, lên 10. Gọi là đi học, nhưng cho tới khi chúng đã nhận đủ mặt chữ, biết đọc, biết viết, biết làm phép tính... cũng phải bỏ dở, vì nhà nào cũng nghèo, không nhà cửa, không hộ khẩu... nên chẳng thể đưa con cái vào học ở một trường đàng hoàng.

Gia đình anh Vũ Minh T. mới 34 tuổi, vợ anh mới 33 tuổi, nhưng đã có đến 5 đứa con. Từ ngày anh chị về ở với nhau, sòn sòn cứ ba năm hai đứa trẻ ra đời. Đứa lớn 13 tuổi, đứa bé 13 tháng tuổi còn đang người bồng bế.

Bảy người trong gia đình lại thêm một đứa cháu chen chúc trong ngôi nhà thuyền rộng chừng 12m2. Do chuyển địa điểm và mải kiếm sống nên việc học hành của các con anh chị cũng không lo hết được. Thành ra cậu anh cả 13 tuổi và cô em thứ 11 tuổi đang học cùng lớp 4, đứa thứ ba đã 10 tuổi mới học lớp 1. 

Hơn 10 đứa trẻ còn đang đi học của xóm chài này cũng vậy. Hầu như không đứa nào đi học đúng tuổi của mình, mà thường chậm mất một hai năm vì nhà nghèo không có tiền đóng học phí, không có người ở nhà trông em.

Gia sư miễn phí giữa dòng sông

Thương cảm với những số phận không may đó, tổ chức SOB (School of Boat) - một tổ chức phi chính phủ hoạt động ở lĩnh vực giáo dục đã đứng ra đỡ đầu, giúp những đứa trẻ ở làng chài này được vào học lớp 1 ở một trường Tiểu học ở quận Long Biên. Và giờ đây, tổ chức này lại kết nối để các bạn sinh viên Trường ĐH FPT mở những lớp học trên thuyền cho các em nhỏ cư dân vạn chài. 

Lớp học đặc biệt ấy được dựng lên ngay chính giữa những ngôi nhà thuyền cũ kĩ, chắp vá. Có 5 thành viên của câu lạc bộ IGO trường ĐH FPT tham gia dạy tại làng Chài An Xá và 5 dạy ở Làng Chài bãi giữa sông Hồng. Không quản ngày mưa, ngày nắng, gió bão, tuần hai buổi các bạn tình nguyện viên đều đến dạy chữ cho trẻ làng chài.

Mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, những đứa trẻ vạn chài với đôi chân trần trườn qua dốc đê trơn trượt, cỏ mọc um tùm về nhà. Lũ trẻ nhanh thoăn thoắt, chúng trèo qua những cây cầu khỉ. Chưa về đến nhà, nhìn thấy thầy giáo các em đã vui mừng hò reo. Quen thầy, quen cô, các em học sinh dần trở nên chăm học và ngoan hơn rất nhiều.

Một trong những thầy giáo thân thiết nhất của trẻ em xóm là Trần Anh Quân - Sinh viên lớp SB 701 Tài chính ngân hàng Trường ĐH FPT đã hơn 6 tháng nay đi "gieo chữ" cho trẻ em làng chài ven sông Hồng. Quân là thủ lĩnh của nhóm tình nguyện viên của trường FPT tại làng chài này.

Những đứa trẻ con làng vạn chài đã quen với hình ảnh của thầy giáo Quân. Mỗi chiều thấy thầy đến là các em tự giác mang bàn, sách vở ra học. Tuy nhiên, sự dạy của Quân không suôn sẻ ngay từ đầu. Hai tháng đầu đến dạy tại đây là hai tháng “chông gai, thử thách” với cậu sinh viên năm hai này.


"Thầy giáo" Quân dạy cho trẻ em làng chài
"Thầy giáo" Quân dạy cho trẻ em làng chài

Lớp học của Quân được tăng cường thêm cô giáo Phương sinh viên năm nhất trường ĐH FPT. Cũng giống như các thầy cô khác mới dạy, chưa quen mặt nên bị học trò "bắt nạt" ghê lắm. Phương ngậm ngùi kể lại ngày đầu tiên đến dạy cho trẻ em làng chài này: “Hôm đầu tiên, tôi đi dạy thì các em học sinh rất ngoan ngoãn, nói gì là làm đấy, bài vở đầy đủ. Nhưng đến hôm thứ hai trở đi gọi khản cả cổ cũng không đứa nào vào học. Còn buổi nào của thầy Quân thì các em đều ngoan ngoãn ngồi học".

Những đứa trẻ ở làng vạn chài quen lối sống tự do, thích chơi hơn học nên để bọn trẻ vào nề nếp học hành quả không phải chuyện đơn giản. Quân nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đi dạy: "Tôi phải đi lùa chúng từ thuyền nhà này sang nhà khác cũng không được. Sau đó, tôi phải nhờ đến bố mẹ chúng cầm roi đi lùa chúng về học. Cả tháng đầu tiên ấy, không ngày nào là không hò hét, không ngày nào là bố mẹ các em không phải ngồi vào bàn học cùng các con”.

Những đứa trẻ vốn không được học hành tử tế ngay từ nhỏ, có đứa bỏ học mấy năm bây giờ mới học lại, có đứa thì mấy năm học không qua được lớp. Độ tuổi và nhận biết của mỗi đứa trẻ khác nhau, do đó việc dạy học cũng không đơn giản.

Quân phụ trách hai em học lớp 1 và hai em học lớp 4. Ba đứa là con của anh T., một 13 tuổi và 11 tuổi học lớp 4 và một 10 tuổi học lớp 1. Quân chia sẻ: “Vì trình độ và nhận biết của các em khác nhau nên việc dạy học cũng khá vất vả. Có đứa học rất tốt đại số, khi giao bài em chỉ làm mấy phút là xong, nhưng hình học lại cực kém, tôi cứ phải giảng hàng giờ mà không ăn thua. Có đứa học văn tốt thì lại yếu toán, nên để giải quyết hết được tất cả bài vở cho các em cũng là một điều khó khăn”.

Tuần hai buổi, Quân đến giảng bài cho các em học sinh làng chài. “Các em đã học bán trú cả ngày nên tôi cũng không ép các em phải làm thêm nhiều bài tập. Chủ yếu là mình thúc các em ấy làm đủ bài tập”, Quân chia sẻ.

Thời gian bước vào kì thi là các thầy cô lại tăng cường, hầu như ngày nào cũng có mặt nơi bến sông để ôn bài cùng các em nhỏ. Từ ngày có các thầy cô đến gia sư, học sinh Làng chài An Xá chăm chỉ, chịu khó làm bài tập hơn, vì thế thành tích học tập của em nào cũng đứng trong top đầu của lớp.

Trên các nhà thuyền, chiều chiều lại rộn ràng tiếng cô thầy giảng bài, tiếng bi bô tập đọc của các em lớp 1, lớp 2. Hình ảnh đẹp đó đã quá quen thuộc với người dân, lũ trẻ nơi đây. Những lớp học đó sẽ phần nào chắp cánh cho ước mơ học hành và khát vọng đổi đời của các em học sinh nghèo vùng sông nước bay cao, bay xa hơn nữa.
Bích Thảo