Lịch sử phải trở thành môn thi bắt buộc khi tốt nghiệp THPT

02/08/2011 07:00
(GDVN) - TS Sử học Nguyễn Văn Khoan cho rằng: Môn Sử lép vế là có căn nguyên từ người hoạch định giáo dục.

(GDVN) – Phải đổi mới cách học và thi môn lich sử. Thậm chí, môn lịch sử phải là môn học đầu tiên khi trẻ cắp sách tới trường, là môn học phải được học suốt từ năm lớp một đến hết đại học. Năm nào thi tốt nghiệp THPT cũng phải thi môn này. Môn Sử phải là môn tiên phong, đi trước các môn khác, chứ ngang bằng là kém rồi!

Trước làn sóng cả xã hội dường như đang quay lưng với môn sử, điển hình là kết quả thi khối C năm 2011 đối với môn sử đã “xuống đáy” của sự bi đát, TS sử học Nguyễn Văn Khoan – Hội viên Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải có thái độ nghiêm túc về vấn đề này.

Và điều cốt lõi, theo TS Khoan, đó là ở việc “tư duy nhiệm kỳ” của những người hoạch định đường lối.

Kẻ "khôn" sẽ không theo đuổi lịch sử

Thưa ông, là một người nghiên cứu lịch sử nhiều năm, ông đánh giá thế nào về việc dạy và học Sử tại Việt Nam ạ?

Học Sử là để học tinh thần yêu nước, mà tinh thần yêu nước là động lực quan trọng nhất để bảo vệ và xây dựng đất nước, lớp trẻ bây giờ đang quên điều đó. Họ toàn nghĩ lịch sử là một bộ môn phụ, học bằng cách học thuộc lòng, học vẹt, học để đủ các đầu điểm trên lớp, thế là xong.

Không chỉ có thái độ học của HS có vấn đề, mà ngay cả việc thi cử cũng thế. Ở Việt Nam, thi tốt nghiệp THPT, năm thì có thi Sử, năm thì không. Tôi được biết, nước Mỹ khi kết thúc phổ thông, học sinh phải thi 5 môn, trong đó có môn Sử. Một nước chỉ có hơn 600 năm dựng nước, họ rất coi trọng học Sử, nhưng chúng ta đã 6-7 nghìn năm lại rất thờ ơ với Sử, điều đó là rất nguy hiểm.

Nhiều người trẻ cho rằng, học lịch sử không có ích cho họ trong thời buổi hiện tại, thưa ông!

Thực tế, hiện nay nhiều người không muốn học Sử, hay thi Sử, có người đã nói với tôi, học Sử làm gì để chết đói à? Ngay như cháu tôi chẳng hạn, nhà tôi không thiếu gì sách cho cháu tham khảo, mọi nguồn tham khảo đều có, nhưng nó không chịu học, còn bảo với ông: “ông ạ, cháu học sử thì đói lắm”. Như vậy, khi cả xã hội người ta quay lưng lại với Sử, thì dại gì với một người hiểu biết lại theo môn sử, tôi cho rằng những người suy nghĩ như thế là “khôn”.

Và điều nguy hiểm lại nảy sinh từ chính những cái "khôn" đó. Nhiều người cứ nghĩ rằng cứ theo kế toán, ngân hàng là ra trường sẽ kiếm và có tiền được ngay, nhưng xét về an ninh quốc gia, khi có giặc thì không thể lấy kế toán, ngân hàng ra để đánh nhau với địch được. Tôi nhắc lại, trước hết vẫn là tinh thần yêu nước, đoàn kết giữa các dân tộc với nhau thì mới có sức mạnh.

Một cậu bé mà không biết lịch sử dân tộc, không biết lịch sử đất nước mình thì tất yếu sẽ không biết được niềm tự hào đất nước mình là thứ gì.

TS Nguyễn Văn Khoan bức xúc vì đã nhiều lần lên tiếng về việc môn Lịch sử vì đâu
TS Nguyễn Văn Khoan bức xúc vì đã nhiều lần lên tiếng về việc môn Lịch sử vì đâu "lép vế" nhưng chưa được quan tâm. Ảnh Xuân Trung
Ngày xưa học sử không dùng SGK
Liệu có sự khác biệt nào trong việc học lịch sử của thế hệ trước và thế hệ trẻ ngày nay?

Ngày trước, chúng tôi học sử không bao giờ cần phải học qua sách giáo khao (SGK), không bao giờ phải học thuộc lòng. Ngay như chúng tôi học bên Nga cũng thế, các thầy không bao giờ mang SGK lên lớp cả, các thầy vẫn thường nói: “SGK anh về nhà anh học, chúng tôi không dạy ở lớp”.

Nói đúng, cách dạy Sử của mình bây giờ là sai. Sai là vì chúng ta quá lệ thuộc vào sách vở, mà không dạy cái tinh thần của sự kiện lịch sử cho học sinh, lại bắt học sinh nhớ từng ngày tháng, đôi khi có những sự kiện không cần biết mà phải hiểu ý nghĩa của nó như thế nào, tại sao lại có sự kiện đó.

Ông có thể chỉ ra dẫn chứng cụ thể hơn không ạ?

Tôi nói đơn giản thế này. Thí dụ, sự kiện “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VN TTGPQ)”, thứ nhất, phải trả lời được vì sao Đội ra đời, tại sao lại không gọi là Quân đội nhân dân VN ngay, tại sao không là 50 người mà lại là 34 người, tại sao có người thiểu số và người kinh, tại sao Bác Hồ cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ đạo, thành lập?. Những cái đó mới gọi là linh hồn của Đội VN TTGPQ.

Do vậy, cái sai của học sử hiện nay là sai từ trên, chúng tôi là những nhà khoa học, đã có nhiều góp ý lắm nhưng xem ra vẫn còn nằm trên bàn giấy thôi.

GS, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm từng nói, "muốn cải thiện môn Sử phải có một cuộc cách mạng toàn diện", ông suy nghĩ gì về ý kiến này?

Cách mạng là gì, như Bác Hồ đã nói, đó là đổi cũ ra mới, đổi xấu ra tốt.

Cuộc cách mạng cải thiện môn Sử phải được thay đổi trước hết là cách mạng tư tưởng của người làm giáo dục. Thứ nữa, có cuộc cách mạng về SGK và cách mạng về phương pháp dạy Sử hiện nay.

Theo tôi, cách dạy hiện nay không phải là cách dạy sử, đó là cách dạy đối phó, đối phó với thi đua lấy điểm, đối phó cho qua giờ môn sử. Có hai môn dạy hiện nay tôi nghĩ là học sinh chán nhất: môn chủ nghĩa Mác – Lê nin và môn Sử, tại sao lại thế, người làm giáo dục phải trả lời bằng được câu hỏi này thì mới mong cải cách được.

Là người công tác trong ngành Sử và đã có thời gian dạy Sử, ông hãy chia sẻ cảm xúc của mình với độc giả về những năm tháng đứng trên giảng đường?

 
Thực tế, tôi cũng có thời gian đi giảng lịch sử ở một số trường, tôi hoàn toàn không đồng ý cách thức truyền đạt kiến thức, giảng bài của các thầy cô giáo hiện nay. Tôi bảo với học sinh rằng, có nghe kể chuyện về lịch sử thì tôi kể, chứ tôi nhất quyết không giảng sử theo cách đọc trong SGK để trò chép.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, học sinh giống như tờ giấy trắng, vẽ cái gì nó ra thứ đó, lỗi là tại cơ chế. Nếu người thầy dạy có trách nhiệm môn sử thì học sinh sẽ nhìn vào đó để học.

Theo ông, cơ chế ở đây là gì, phải chăng môn Sử cấp thiết phải đặt ngang hàng với các môn khác?

Đúng vậy, đổi mới cách học và thi sử, học sử phải từ năm lớp một đến đại học, năm nào cũng phải thi, môn Sử phải được tăng tiết dạy ở bậc phổ thông, thậm chí môn Sử phải đi trước các môn khác, chứ ngang bằng là kém rồi. Các môn khác như Toán, dạy cho con người cách làm việc khoa học, tuy duy, suy nghĩ…Nhưng, môn sử dạy cho toàn dân về lòng yêu nước, cái đó mới cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Trung (ghi)

{iarelatednews articleid='9068,8853,8775,8701,7671,6961,9242,9358'}

alt