Loay hoay tư thục, nhiều trường vẫn đang đứng đường

17/03/2014 07:15
Xuân Trung
(GDVN) - Thực hiện chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục, nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vẫn gặp nhiều vướng mắc ở cơ chế, chính sách.

Liên quan tới chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) khẳng định, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng của Đảng và Nhà nước. 

Trong Nghị quyết số 90 của Chính phủ ngày 21/8/1997 có đề ra về phương hướng và chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, y tế, văn hóa là: Tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội theo nhiều hình thức; vận động toàn dân, trước hết là những người trong độ tuổi lao động, thực hiện học tập suốt đời để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập.

Một trong những nội dung trên là vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội…, ngoài hệ thống giáo dục đại học công lập ra thì mô hình giáo dục đại học ngoài công lập đang dần khẳng định vị thế của mình trong việc thực hiện được chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước bằng cách tạo ra môi trường học tập cho toàn người dân.

Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW (Khóa XI) vừa qua đã một lần nữa nhận định, một trong các thành tựu của giáo dục đào tạo Việt Nam thời gian qua là: “Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội”.

Tuy nhiên, những đóng góp từ các trường ĐH, CĐ NCL để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đang bị cản vướng bởi nhiều cơ chế, chính sách từ Bộ GD&ĐT? 

Cần một tiêu chí “đặc biệt” cho trường ngoài công lập

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến nay cả nước có 90 trường ĐH, CĐ NCL phát triển trong hai thập kỉ qua với cơ sở vật chất dành cho giáo dục đại học ngày càng tăng, quy mô của giáo dục đại học NCL ngày càng mở rộng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng phát triển; số học sinh lựa chọn vào học các trường NCL nhìn chung ngày càng nhiều, xã hội ngày càng đón nhận kết quả đào tạo của khối giáo dục đại học NCL… là minh chứng thuyết phục cho chủ trương đúng đắn về phát triển giáo dục đại học NCL của Đảng và Nhà nước.

TS. Nguyễn Đình Ngộ: “Chúng tôi gặp những khó khăn do một số văn bản pháp quy không cần thiết. Đề nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ bằng những văn bản pháp quy phù hợp”. Ảnh Xuân Trung
TS. Nguyễn Đình Ngộ: “Chúng tôi gặp những khó khăn do một số văn bản pháp quy không cần thiết. Đề nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ bằng những văn bản pháp quy phù hợp”. Ảnh Xuân Trung

Cần phải khẳng định chủ trương phát triển các trường ĐH, CĐ NCL là đúng đắn, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Phú Xuân thì vấn đề này còn nhiều điều phải tháo gỡ. TS. Ngộ dẫn chứng hiện nay quan niệm trường đại học có phải là doanh nghiệp không? Bởi trong cơ chế thị trường nếu nhận thức trường là doanh nghiệp sẽ có không ít người lầm tưởng và chạy theo đồng tiền, bất chấp đây là nơi đào tạo ra con người.

Mâu thuẫn lớn nhất giữa các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay phần lớn vì đồng tiền, do đó cần phải làm cho xã hội hiểu rõ được “lợi ích trăm năm trồng người”. TS. Ngộ đề nghị hãy xem trường là một doanh nghiệp và doanh nghiệp này là “đặc biệt”. 

TS. Ngộ cũng cho biết thêm, vấn đề đất đai của các trường NCL, nhà nước nên có hướng dẫn thật cụ thể, thực tế với các trường mặc dù được địa phương ủng hộ nhưng thủ tục văn bản còn rườm rà. TS. Ngộ mong có cách tháo ngỡ vấn đề này, nếu được cấp đất sạch, và  với riêng lãnh đạo trường DL Phú Xuân tự hứa, đất đó chỉ để làm giáo dục chứ không mua bán, và nếu làm sai sẽ nhận xử lí nghiêm. 

Vấn đề thuế, TS. Ngộ còn cho rằng, nếu nhà nước hoàn lại thuế cho các trường NCL, nhà trường sẽ dùng tiền đó làm đầu tư trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ đào tạo giáo viên sau đại học, hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi…

GS. TSKH Quách Đình Liên- Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình Dương cũng đặt câu hỏi, trường ĐH, CĐ NCL có phải là doanh nghiệp hay là tổ chức sự nghiệp? GS. Liên cho rằng những chính sách vừa qua chưa thể hiện rõ ràng điều này, đây hoàn toàn là một tổ chức sự nghiệp phục vụ cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. 

“Dù trường công hay tư cũng đều là vốn của dân, trường công được dân đóng thuế, lấy lợi nhuận từ khai thác tài nguyên, trường tư là của tố chức, hay một người, nhiều người, do đó tiềm lực không thể bằng trường công. Nhưng cách quản lí trường tư chắc chắn chặt chẽ hơn trường công” GS. Liên khẳng định. 

Trao đổi thêm, ông Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, cho biết nhiều chính sách, cơ chế đối với các trường NCL chưa được bình đẳng cũng vì nhận thức xã hội, ngay cả cấp quản lí vĩ mô còn tỏ ra phân biệt, xem các trường NCL không phải của nhà nước, là trường top dưới. Do đó các chính sách như đất đai, thuế, chính sách cho sinh viên chưa được công bằng thực sự. 

Ông Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, cho biết nhiều chính sách, cơ chế đối với các trường NCL chưa được bình đẳng cũng vì nhận thức xã hội. Ảnh Xuân Trung
Ông Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương, cho biết nhiều chính sách, cơ chế đối với các trường NCL chưa được bình đẳng cũng vì nhận thức xã hội. Ảnh Xuân Trung

Ông Phường đề nghị nhà nước cần có quy chế phối hợp với Bộ GD&ĐT và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL, nên tổng kết lại mô hình giáo dục mở, đề nghị trong Hội đồng đổi mới giáo dục quốc gia có đại diện của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL để có góp ý cụ thể và thiết thực hơn. 

Nhiều trường ngoài công lập vẫn “đứng đường”

Trong Luật Giáo dục năm 2005 và các văn bản dưới luật cũng đã chỉ rõ quy định về loại hình trường. Theo đó, ở đại học không có loại hình trường đại học dân lập. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 cho phép 19 trường đại học dân lập được phép chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục.

Từ năm 2006 sau khi Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực thì phải đợi tới ngày 16/7/2010 Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư hướng dẫn số 20 để cho 19 trường thực hiện việc chuyển đổi. Tới tới nay đã 7 năm trôi qua mới chỉ có 4 trường được chuyển đổi, và vẫn còn 15 trường còn phải chờ.

Nói vì sao 15 trường dân lập phải đứng đường? Bởi theo Nghị định 115 của Chính phủ ban hành ngày 24/12/2010 Quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục thì loại hình trường dân lập sẽ không thuộc sự quản lí của UBND cấp tỉnh, tỉnh chỉ quản lí các trường đại học công lập trực thuộc tỉnh, các trường đại học, cao đẳng tư thục trên địa bàn theo điều lệ. 

GS. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường DL Hải Phòng cho biết, mặc dù hồ sơ của trường đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện chuyển đổi nhưng đến nay chưa được giải quyết. GS. Nghị cho rằng sau khi có quyết định trên của Chính phủ, trường đã có tờ trình ngày 12/4/2008 về việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Sau chưa đầy một tháng, Văn phòng Chính phủ có chỉ thị ngày 30/5/2008 về việc chuyển đổi này. Vì trường không chia lợi nhuận nên mọi thủ tục đều không vướng mắc. Nhưng từ đó đến nay vẫn vướng vì phải chịu sự “hướng dẫn, chỉ đạo” của Bộ GD&ĐT. 

GS. Nghị đặt câu hỏi, khó khăn ở đây là gì? Nghị định 115 của Chính phủ đã nêu rõ về trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục. Tuy nhiên, khi mang thắc mắc này lên hỏi Bộ GD&ĐT thì nhận được câu trả lời “Bộ đã phân cấp”?

“Trường phải đứng đường ngần ấy năm, không có pháp luật bảo vệ cho mình. Thử hỏi một ngày không được xác thực là công dân mình đã khổ rồi, huống chi ở đây bao nhiêu năm” GS. Nghị cho biết. 

TS. Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết, vấn đề “lấn cấn” nhất hiện ở trường khi thực hiện chuyển đổi là “tài sản”. Kinh nghiệm của trường ĐH Công nghệ TP. HCM là mời kiểm toán độc lập. Ảnh Xuân Trung
TS. Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết, vấn đề “lấn cấn” nhất hiện ở trường khi thực hiện chuyển đổi là “tài sản”. Kinh nghiệm của trường ĐH Công nghệ TP. HCM là mời kiểm toán độc lập. Ảnh Xuân Trung

TS. Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP.HCM, một trong những trường dân lập được chuyển đổi sớm nhất cho biết, vấn đề “lấn cấn” nhất hiện ở trường khi thực hiện chuyển đổi là “tài sản”. Kinh nghiệm của trường Đại học Công nghệ TP. HCM là mời kiểm toán độc lập, phân định rõ tài sản, tài sản của người góp vốn ban đầu, tài sản tích lũy, tài sản khác như vô hình (giảng viên). 

“Việc nhiều trường còn băn khoăn về chính sách và chủ trương, bất kì một chính sách hay chủ trương nào đều phải thực hiện trong xã hội, xã hội là người đánh giá cuối cùng” TS Lộc cho hay. 

Vấn đề chuyển đổi trường dân lập sang tư thục đã nhiều năm qua chưa thực hiện được, mặc dù có quyết định nhưng vẫn còn vướng mặc nhiều điều, TS. Ngộ đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này. “Chúng tôi gặp những khó khăn do một số văn bản pháp quy không cần thiết. Đề nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ bằng những văn bản pháp quy kịp thời, phù hợp” TS. Ngộ đề nghị.

Vướng tới đâu xử lí tới đó

Đáp lại những vướng mắc từ các trường đại học, cao đẳng NCL, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam cho biết, có những vấn đề vướng mắc ở Luật thì cần thời gian, nhưng cũng có vấn đề không cần như vậy.

“Các đồng chí cứ kiến nghị, tôi sẵn sàng mời Bộ GD&ĐT, mời Bộ Tài chính, các bộ liên quan giải quyết từng vấn đề một” Phó Thủ tướng cho biết.

Vấn đề về thuế, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm làm việc với các bộ ngành liên quan. 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cùng Văn phòng Chính phủ rà soát những chính sách liên quan đến sinh viên, vì sinh viên của trường ngoài công lập và công lập đều như nhau, nếu còn những gì bất bình đẳng với sinh viên trong quá trình học thì nhất định phải xóa bỏ.

Xuân Trung