Luật giáo dục đại học cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận”

21/03/2018 09:22
Thùy Linh
(GDVN) - Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ hơn sở hữu đối với phần tài sản hình thành trong quá trình tích lũy, tái đầu tư của cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Làm sao tháo được nút thắt trong các quy định pháp luật để tạo cơ chế thuận lợi cho các trường đại học tư thục phát triển là một trong những nội dung được thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội dành sự quan tâm lớn trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học lần này.

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, trong báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật này Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:

Việc sửa đổi Luật giáo dục đại học lần này cần phải giải quyết được những vướng mắc trong hành lang pháp lý cho đại học tư thục phát triển; thể chế hóa chủ trương đã được đưa ra trong Nghị quyết 29.

Theo đó: Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; làm rõ khái niệm trường đại học không vì lợi nhuận; bổ sung các chính sách phát triển đại học tư thục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật giáo dục đại học sửa đổi cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận” (Ảnh minh họa: Nguồn Vietnamnet)
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật giáo dục đại học sửa đổi cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận” (Ảnh minh họa: Nguồn Vietnamnet)

Về các vấn đề dự thảo trình, Thường trực Ủy ban cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quy định phân biệt cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận và cơ sở giáo dục đại học có yếu tố vốn nước ngoài (từ 51% trở lên) căn cứ vào nguồn gốc vốn chủ sở hữu;

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch trường, Ban kiểm soát đối với trường tư thục.
Từ đó, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu phân định rõ giữa vấn đề sở hữu và mô hình tổ chức của trường tư thục;

Xem xét áp dụng mô hình công ty cổ phần/ doanh nghiệp xã hội đối với trường tư thục/trường tư thục không vì lợi nhuận theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng quy định cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài được tự quyết định cơ cấu tổ chức trong khi các trường đại học tư thục có nguồn gốc vốn chủ sở hữu trong nước lại không được tự chủ là chưa hợp lý, gây bất bình đẳng, không khuyến khích và bảo hộ hợp lý nhà đầu tư trong nước. 
 
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của đại hội toàn trường, mối quan hệ giữa Hiệu trưởng và Hội đồng quản trị trong trường tư thục không vì lợi nhuận.

Luật giáo dục đại học cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận” ảnh 2Chưa có khung pháp lý cho Đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa

Dự thảo Luật quy định cơ sở giáo dục đại học tư thục trích 25% chênh lệch thu – chi để tái đầu tư; phần tích lũy hằng năm của cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận là tài sản chung hợp nhất không phân chia và giao Chính phủ quy định việc rút vốn, chuyển nhượng vốn đối với trường đại học tư thục.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ hơn sở hữu đối với phần tài sản hình thành trong quá trình tích lũy, tái đầu tư của cơ sở giáo dục đại học tư thục, đặc biệt là phần tài sản chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục không vì lợi nhuận;

Cân nhắc quy định rõ việc quản lý tài chính và tài sản của cơ sở giáo dục đại học tư thục thực hiện theo các quy định có liên quan của Luật doanh nghiệp, vấn đề này cần quy định rõ trong Luật.

Trước đó, tại hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức nhiều đại biểu đề cập tới mô hình giáo dục không vì lợi nhuận bởi hiện nay nhiều người chưa thực sự hiểu đúng về mô hình này. 

Theo lý giải của Phó giáo sư Trần Quốc Toản (Hội đồng lý luận Trung ương), ở các cơ sở giáo dục hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận thì lợi nhuận thu được không chia cho những chủ thể góp vốn (hay tài trợ). 

Đơn vị hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận không có nghĩa là không có hoặc không tìm kiếm lợi nhuận, vấn đề chủ yếu nằm ở việc sử dụng lợi nhuận đó cho sự phát triển chung của đơn vị.

Vậy là, tại các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận, các nguồn vốn, thu nhập bất kỳ nào sau khi chi trả các chi phí hoạt động được giữ lại để đưa vào phát triển chương trình và các dịch vụ giáo dục mà không chia phần đó.
 
Nghĩa là không có bất kỳ lợi nhuận thương mại nào được mang chia cho các thành viên.

Luật giáo dục đại học cần làm rõ khái niệm “trường đại học không vì lợi nhuận” ảnh 3Muốn làm đại học không lợi nhuận, thì phải làm thế nào?

Từ đó, Phó giáo sư Trần Quốc Toản nêu ví dụ trường Đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ là trường tư không vì lợi nhuận năm tài chính 2007 đã tạo ra lợi nhuận tới 23% từ việc sử dụng nguồn tài trợ 34,9 tỷ USD.

Chính vì xét từ giác độ tiêu chí lợi ích của người được hưởng dịch vụ, ông Toản chỉ rõ, cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phân ra làm 3 loại: 

Một là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ giáo dục - đào tạo miễn phí. Loại cơ sở này tồn tại và hoạt động hoàn toàn dựa trên nguồn kinh phí tài trợ của nhà nước, các tổ chức và cá nhân.
 
Hai là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận có thu phí từ các dịch vụ cung cấp, nhưng ở mức thấp, chủ yếu để cân đối thu chi cho các hoạt động và không chia lợi nhuận (nếu có).
 
Nguồn kinh phí hoạt động của các cơ sở này dựa vào sự tài trợ của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và vào thu phí từ các dịch vụ (phí thấp).
  
Ba là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận hoạt động có thu phí từ cung cấp các dịch vụ theo cơ chế thị trường (thu phí như các cơ sở vì lợi nhuận). Nhưng lợi nhuận thu được không chia cho bất kỳ ai, mà được giữ lại để đầu tư phát triển cơ sở, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ.

Loại thứ ba này cũng vẫn có thể nhận được kinh phí của nhà tài trợ; ví dụ một số trường đại học tư nổi tiếng trên thế giới như Harvard của Mỹ, Waseda của Nhật… thu học phí rất cao, nhận được tài trợ rất lớn của các nhà hảo tâm, nhưng vẫn là trường không vì lợi nhuận.

Từ đó, Phó giáo sư Trần Quốc Toản cho rằng, cơ sở giáo dục đào tạo không vì lợi nhuận không phải tất yếu là cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc phí thấp; không phải là không hoạt động theo cơ chế thị trường. 

Do vậy, việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, đào tạo miễn phí không phải là hệ quả tất yếu của việc cơ sở hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận mà tiền đề cơ bản để hình thành và phát triển cơ sở giáo dục, đào tạo không vì lợi nhuận là phải có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành không vì lợi nhuận và không chia lợi nhuận (nếu có) của các nhà đầu tư (tài trợ).

Thùy Linh