"Luật riêng" của nhiều phòng giáo dục tại Hà Giang

24/05/2020 11:19
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số phòng giáo dục huyện tại Hà Giang đang thực hiện sai nguyên tắc quản lý vốn theo Nghị định 86/NĐ-CP/2015, liệt kê danh mục sách vở, đồ dùng vô tội vạ.

Phòng giáo dục huyện phù phép, một tay che trời

Theo thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH: Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán với phòng giáo dục và đào tạo.

Trong Nghị định 86/2015/NĐ-CP và thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT- BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, không quy định hoặc nêu rõ sẽ sử dụng bao nhiêu phần trăm số tiền học sinh nghèo được hỗ trợ để mua sách vở và đồ dùng học tập.

Vậy tại sao có huyện tại Hà Giang lại chỉ đạo sử dụng 100% kinh phí hỗ trợ học sinh nghèo để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập?

Vòng kim cô trói buộc học sinh và nhà trường nằm ở: Danh mục sách giáo khoa và đồ dùng học tập được Phòng giáo dục huyện gửi về các trường đầu năm học.

Trong đó, danh mục sách giáo khoa, sách tham khảo đã được Sở giáo dục và đào tạo Hà Giang phê duyệt; danh mục đồ dùng thiết yếu căn cứ theo danh mục của Bộ giáo dục và đào tạo còn lại đồ dùng học tập, vở viết thì liệt kê “vô tội vạ”, mỗi huyện thực hiện một kiểu. Đây là vấn đề cần được làm rõ.

Ngoài ra khoản tiền hỗ trợ phải được chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc phụ huynh ủy quyền cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán với phòng giáo dục.

Tức là tiền hỗ trợ phải đến tay phụ huynh trước khi họ quyết định sử dụng bao nhiêu phần trăm số tiền đó để mua sách vở, đồ dùng cho con.

Tuy nhiên trên thực tế tại một số huyện tiền chưa đến tay phụ huynh đã bị sử dụng để quyết toán cho nhà cung ứng. Điều này hoàn toàn sai nguyên tắc quản lý vốn theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Số tiền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập của học sinh nghèo tại một trường tiểu học ở Yên Minh lên đến 158 triệu đồng (Ảnh:V.N)

Số tiền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập của học sinh nghèo tại một trường tiểu học ở Yên Minh lên đến 158 triệu đồng (Ảnh:V.N)

Hiện nay, quy trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập dành cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP tại một số huyện tỉnh Hà Giang được phản ánh như sau:

Hàng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ ban hành một công văn chỉ đạo hướng dẫn thực hiện, phân cấp quản lý về Ủy ban Nhân dân các huyện tại Hà Giang.

Ủy ban Nhân dân các huyện sẽ có công văn chỉ đạo các Phòng giáo dục tổ chức thực hiện đúng phân cấp và quyền hạn theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH.

Phòng giáo dục chỉ đạo các trường trong địa bàn huyện (bằng văn bản hoặc chỉ đạo miệng) thống kê, tổng hợp số lượng học sinh nghèo được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 86. Kèm theo đó là danh mục sách giáo khoa, đồ dùng học tập cần mua theo các khối lớp.

Nhà trường tổ chức họp phụ huynh viết cam kết ủy quyền tiền hỗ trợ cho nhà trường để mua sách vở, đồ dùng học tập…Sau đó nhà trường tổng hợp, đăng ký số lượng học sinh mua theo danh mục gửi về Phòng giáo dục.

Phòng giáo dục giới thiệu hoặc chỉ định nhà cung ứng. Nhiệm vụ của các trường là ký hợp đồng và thanh toán với nhà cung ứng. Khoản tiền thanh toán trích từ tiền hỗ trợ cho học sinh ngay tại bưu điện.

Có tình trạng Phòng giáo dục chỉ định nhà cung ứng sách không qua đấu thầu (Ảnh:V.N)

Có tình trạng Phòng giáo dục chỉ định nhà cung ứng sách không qua đấu thầu (Ảnh:V.N)

Những vấn đề thiếu minh bạch cần được làm rõ:

Phòng giáo dục nhiều nơi chỉ đạo đôn đốc các trường đảm bảo 100% học sinh nghèo thuộc diện hưởng Nghị định 86/2015/NĐ-CP đăng ký mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Công văn của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc năm 2019 ghi rõ: Về sách giáo khoa học sinh thực hiện mua mới, mua đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đảm bảo sử dụng 100% tiền được hỗ trợ…

…Phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu các đơn vị trường học nghiêm túc thực hiện.

Phòng giáo dục soạn thảo và chỉ định danh mục sách giáo khoa, đồ dùng học tập vô tội vạ, mỗi nơi một kiểu

Tại huyện Yên Minh, trẻ mầm non sử dụng 100% tiền hỗ trợ (900.000 đồng) để mua đồ dùng học tập, đồ chơi, truyện tranh…mỗi năm một bộ mới.

Phòng giáo dục tự lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa và chỉ đạo các trường thực hiện là có tình trạng độc quyền, ưu ái

Tại một số nơi, việc chỉ định nhà cung ứng sách giáo khoa và đồ dùng học tập được thông báo qua email nội bộ của Phòng giáo dục và các trường trên toàn huyện.

Tuy nhiên với những tư liệu được phản ánh có thể thấy một số Phòng giáo dục tại Hà Giang đang một tay che trời, không ai quản lý, không ai kiểm tra, liệt kê danh mục sách vở, đồ dùng, vô tội vạ.

Phòng giáo dục được lợi lộc gì trong việc này?

Cuộc trò chuyện được ghi lại giữa phóng viên với một hiệu trưởng tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang):

Tại sao các Phòng giáo dục lại quan tâm đến chuyện mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập của học sinh nghèo như vậy?

Một nhà cung ứng nói với chúng tôi, có năm Phòng giáo dục đòi chiết khấu đến 18% thì họ cho cung ứng. Vấn đề ở đây nằm ở lợi ích? Các Phòng giáo dục sẽ được nhà cung ứng chiết khấu cho số tiền nhất định vì thế họ mới chỉ định. Và học sinh đăng ký nhiều thì tiền mua sách, đồ dùng càng nhiều. Chuyện này Phòng giáo dục quan tâm lắm, quan tâm đến mức thái quá.

Vì sao vấn đề có nhiều bất cập như vậy nhưng các hiệu trưởng lại không lên tiếng?

Nếu có hiệu trưởng nào làm trái ý họ thì họ dùng các tiêu chí khác nhau để “đánh” hiệu trưởng. Họ (Phòng giáo dục) không nói thẳng ra đâu nhưng họ dọa nạt hiệu trưởng ghê lắm.

Có trường hợp hiệu trưởng ở huyện Yên Minh đang từ hiệu trưởng bị giáng cấp xuống làm hiệu phó nên ai cũng sợ và không dám lên tiếng.

Việc này có từ lâu rồi nhưng ai cũng nghĩ cho vị trí công tác của mình nên sợ. Hàng năm họ chỉ đạo rất gắt gao, trong công văn cũng có nói yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc 100%. Nói chung họ có rất nhiều cách để ép các trường phải thực hiện.

Vì sao sự việc này tồn tại đã lâu nhưng không ai phát hiện, không ai xử lý?

Trên thực tế quy trình trên chỉ có 3 bên nắm rõ nhất: nhà cung ứng, Phòng giáo dục các huyện và các trường trong địa bàn huyện. Nếu 1 trong 3 bên không có ai lên tiếng thì quỷ thần cũng không biết. Tất nhiên nhà cung ứng và Phòng giáo dục không bao giờ tự tay hất chén cơm của mình.

Việc đưa ra ánh sáng vụ việc này chỉ có thể trông chờ vào thanh tra hoặc một số hiệu trưởng dũng cảm lên tiếng (số này cũng cực hiếm). Hơn nữa một số Phòng giáo dục chỉ đạo bằng khẩu quyết nên không thể có bằng chứng.

Vì quá bức xúc và bị đổ hết mọi tội nợ nên chúng tôi mới lên tiếng hy vọng thanh tra sẽ vào cuộc làm rõ những sai phạm của các Phòng giáo dục một số huyện ở Hà Giang.

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Yên Minh (Ảnh:V.N)

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Yên Minh (Ảnh:V.N)

Nỗi khổ của các hiệu trưởng và các trường hiện nay là gì?

Phòng giáo dục đứng đằng sau giật dây các trường như con rối. Trên giấy tờ, hóa đơn đều do các trường làm nhưng thực tế Phòng đứng trong bóng tối chỉ đạo hết.

Các hiệu trưởng bức xúc quá mới tố cáo. Có trường hợp trường mua sách buổi 2 nhưng không có hóa đơn, hiệu trưởng phải tự bỏ tiền túi ra để bù vào chỗ đó. Khổ trăm bề đều đổ lên đầu các hiệu trưởng.

Vũ Ninh