Mỗi trường chọn một sách giáo khoa, học sinh chuyển trường có phải mua sách mới?

05/03/2021 06:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc chuyển trường được thực hiện vào cuối học kì 1 hoặc cuối năm học, vì vậy học sinh học sách giáo khoa nào cũng phải đạt được các yêu cầu cần đạt.

Thời gian qua Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo việc cử tri bức xúc những bất cập trong nội dung chương trình trong sách Tiếng Việt lớp 1 (thuộc bộ sách giáo khoa Cánh Diều) chưa phù hợp, còn nhiều lỗi, không mang tính giáo dục.

Bên cạnh đó, cử tri còn phản ánh giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường. Cử tri cho rằng nếu mỗi trường áp dụng dạy một bộ sách giáo khoa sách riêng thì khi học sinh chuyển trường lại phải chuyển sách, rất khó khăn, gây lãng phí. Cử tri đề nghị Bộ kiểm tra lại công tác thẩm định sách giáo khoa, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

Nội dung này, ngày 2/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trả lời như sau:

Trước những phản ánh từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học; một số ngữ liệu trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 4090/BGDĐT-TH yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Hội đồng thẩm định) và các Nhà xuất bản có sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung dư luận phản ánh và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, các Hội đồng thẩm định, tác giả và các nhà xuất bản đã và đang tiếp tục triển khai các bước thực hiện, gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo những nội dung theo quy định để thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong các lần tái bản.

Theo quy định của Luật giá, sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, xác định sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, có ảnh hướng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với sách giáo khoa.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn sách giáo khoa thực hiện các nội dung sau: tinh giản nội dung phù hợp để giảm số trang sách giáo khoa, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối sách giáo khoa (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành sách giáo khoa; quán triệt nghiêm việc biên soạn sách giáo khoa sử dụng được nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa); khuyến khích học sinh giữ gìn sách giáo khoa, đóng góp vào các thư viện trường học để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí; tiếp tục có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Việc chuyển trường được thực hiện vào cuối học kì 1 hoặc cuối năm học, vì vậy học sinh học sách giáo khoa nào cũng phải đạt được các yêu cầu cần đạt đối với môn học, lớp học đó nên không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Với những trường hợp chuyển trường giữa năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường thực hiện theo quy trình gồm các bước thực hiện rõ ràng trong Điều lệ trường Tiểu học cụ thể: Trường có học sinh chuyển trường cung cấp thông tin về tài liệu học tập tại trường, tiến độ thực hiện chương trình, bảng tổng hợp kết quả đánh giá rèn luyện và học tập của học sinh; hiệu trưởng trường nơi chuyển đến tổ chức trao đổi, khảo sát, hướng dẫn bổ sung các nội dung cần thiết cho học sinh, gặp gỡ tư vấn cùng gia đình trước khi tiếp nhận và xếp học sinh vào lớp phù hợp.

Với các quy định về chuyển trường này, trường tiếp nhận học sinh chuyển đến hoàn toàn có cơ sở để hỗ trợ giúp đỡ học sinh hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục trước khi tiếp nhận và xếp lớp phù hợp cho học sinh.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

Thùy Linh