Môn Lịch sử, nhìn từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

07/11/2015 07:49
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Chương trình và sách giáo khoa phải góp phần hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc.

Bác Hồ đã chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. “Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời”. 

Để thực hiện được lời dạy của Hồ Chủ tịch thì trong Chương trình tổng thể, môn Lịch sử phải là môn bắt buộc, môn độc lập trong ở Trung học phổ thông, không thể là môn tự chọn, ít nhất thì môn lịch sử Việt Nam-lịch sử dân tôc phải là môn bắt buộc để thực hiện lời Bác căn dặn “dân ta phải biết sử ta”. 

Đó mới là thực hiện các Chỉ thị của Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của ngành giáo dục. Qua lời dạy sâu sắc của Bác, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội về tầm quan trọng của Lịch sử dưới góc nhìn tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tự chọn môn Lịch sử có thể sẽ là hiểm họa sau này

Thưa ông, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hết thời gian xin ý kiến, nhìn vào bản tổng hợp ý kiến mà Bộ GD&ĐT công bố, chúng ta thấy rất nhiều góp ý chưa được bộ đưa vào. Cụ thể là môn Lịch sử vẫn chưa là môn bắt buộc riêng biệt ở chương trình phổ thông, ông có suy nghĩ gì về điều này?

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của giáo dục và đào tạo. Do đó trong quá trình xây dựng Chương trình tổng thể cũng như chương trình môn Lịch sử sau năm 2015 ở phổ thông phải theo tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh. 

Trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ngoài môn Lịch sử tự chọn thì có môn Khoa học xã hội ở lớp 10 và 11 dành cho học sinh chọn các môn tự nhiên, có các chuyên đề tự chọn, có phân môn lịch sử trong môn “Công dân với Tổ quốc”. 

Đây là một môn học mới, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh. Nên thảo luận và cân nhắc kĩ môn học này. 

Lịch sử với chức năng là môn học (như các môn học khác ở phổ thông) lại tích hợp vào môn học mới, điều này thực sự chưa hợp lý. Việc tích hợp và tên gọi của môn học này cần phải có cơ sở lí luận và thực tiễn xác đáng thực sự khoa học. 

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung

Lịch sử là môn tự chọn dành cho học sinh định hướng nghề nghiệp lĩnh vực khoa học xã hội, có thể dự đoán trước là rất ít học sinh sẽ chọn. Bởi lẽ giờ đây xu thế là thực dụng, chạy theo đồng tiền, học sinh sẽ đi theo các môn học có thu nhập cao, đẽ có việc làm, do vậy sẽ không chọn môn lịch sử. 

Chúng ta biết vậy mà vẫn để là môn tự chọn? Tôi đồng ý với nhiều ý kiến, tự chọn không khác gì sẽ khai tử môn Lịch sử và nếu quyết định như vậy sẽ gây hiểm họa cho sau này. Có ý kiến là khi học sinh không thích thì lại càng phải bắt buộc và bắt buộc trong môn độc lập. 

Còn khi học sinh đã chọn Khoa học tự nhiên thì học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội cũng chỉ là hình thức không có hứng thú gì, thậm chí là học đối phó.  

Vậy, vai trò và tầm quan trọng của môn Lịch sử đối với học sinh như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ: Xin nhấn mạnh là trong điều kiện hiện nay ở nước ta khi các thế lực thù địch vẫn âm mưu phá hoại đất nước, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, nâng cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ-học sinh thì bắt buộc học sinh phải học lịch sử. 

Học sinh cần hiểu về sức mạnh của dân tộc

Lâu nay giáo dục chúng ta kêu quá tải kiến thức, nhất là bậc tiểu học. Với tầm quan trọng của Lịch sử như hiện nay thì kiến thức Lịch sử nên như thế nào ở các cấp học?

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Trong bức thư Người gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31 tháng 10 năm 1955, Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở là phải tẩy sạch tư tưởng “học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”. 

Người chỉ rõ: “Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ có gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. 

Tôi nghĩ lời Bác dạy đã từ lâu nhưng cho đến hôm nay đó vẫn là biện pháp để khắc phục tình trạng quá tải về kiến thức, đồng thời cũng là điều cần làm khi biên soạn sách giáo khoa Lịch sử ở bậc Tiểu học. 

Môn Lịch sử, nhìn từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 2

Chắp vá, gò ép sẽ phá nát chương trình môn lịch sử

(GDVN) - Quan điểm của GS. TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội khi nhắc tới việc lồng ghép Lịch sử vào các môn khác nhau.

Ở cấp học này, Lịch sử được tích hợp trong môn “Tìm hiểu xã hội” (lớp 4, 5). Trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý trong kế hoạch dạy học hiện hành, sẽ mở rộng với một số nội dung gắn với thực tiễn đời sống xã hội về con người, địa điểm, thời gian, môi trường xung quanh, v.v... 

Chẳng hạn như, từ chỗ học theo thông sử, địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội thành kể chuyện lịch sử, địa lý, kết hợp Việt Nam với những câu chuyện tiêu biểu của thế giới. Xây dựng các câu chuyện, các chủ đề về Sử-Địa ở mức đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ. Cách viết, cách dạy phải nhẹ  nhàng, hấp dẫn, làm cho các em yêu quê hương đất nước của chính mình. 

Chương trình nên đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ cần giúp học sinh hiểu được những biểu tượng của lịch sử dân tộc như Quốc ca, Quốc kỳ,… kết hợp với môn Địa lý để  hiểu  được  vị trí của nước Việt Nam: biên giới, biển đảo có Hoàng sa, Trường sa… kết hợp với môn Giáo dục công dân để hiểu những kiến thức đơn giản về cuộc sống, đạo đức…. 

Thí dụ kết hợp giữa các chủ đề như: “Tự hào về Tổ quốc của chúng ta, đất nước liền một dải” (Địa lí, Lịch sử Việt Nam), “Đặc điểm tiêu biểu của thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp”, “Kể chuyện về 54 dân tộc anh em” (Một số dân tộc tiêu biểu và nét văn hóa đặc sắc; kể chuyện về phong tục, tập quán của các dân tộc; tìm hiểu lễ hội địa phương: Ném còn, Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội đền Cổ Loa, Lễ hội chùa Hương, lễ Vu lan...).  

“Truyền thống của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm lịch sử - Trang vàng lịch sử” (Tìm hiểu tên gọi của nước ta qua các thời kỳ: Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Ngu, Đại Việt, Đại Nam...Đi du lịch qua các cố đô); “Kể chuyện về các danh nhân. 

Khám phá các nền văn minh tiêu biểu trên thế giới” (Ai Cập – đất nước của Kim Tự Tháp; Hy Lạp - quê hương của các vị thần; La Mã: bảo tàng nổi ngoài trời - Đấu trường ở Roma; Pari- thành phố của nghệ thuật - Tháp Epphen, Khải hoàn môn...). 

Đối với cấp trung học, Bác Hồ chỉ rõ “ Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà”.

Do đó sắp tới Giáo dục phổ thông nên tập trung nâng cao nhận thức, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn...

Hiện nay, có nhiều nước đã tích hợp nội dung về địa lí, lịch sử, kinh tế, xã hội, giáo dục công dân... Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa thể tích hợp như vậy được. Chúng ta cũng chưa đủ khả năng để viết và chưa thể đào tạo giáo viên theo mô hình tích hợp một cách toàn diện theo đúng khái niệm, nội hàm của Khoa học xã hội. 

Do đó môn Khoa học xã hội ở phổ thông của Việt Nam, trước mắt vẫn chỉ là tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học... 

Sẽ xây dựng phần kiến thức chung cho Lịch sử và Địa Lý có những chủ đề tích hợp chung, thời lượng chỉ từ 10-15% của chương trình. Cũng có ý kiến đề nghị không nên gọi là môn Khoa học xã hội vì nó không đúng với khái niệm KHXH. Nên gọi là môn Sử Địa. Lịch sử thì rõ, nhưng môn Địa lý có 3 phần: Khoa học trái đất, Địa lý tự  nhiên, Địa lý Kinh tế. 

Đối với môn Lịch sử thì mục tiêu ở THCS là giúp học sinh hiểu được toàn thể dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong mối tương quan với lịch sử thế giới; hiểu được sự liên quan của hiện tại với quá khứ, các vấn đề liên quan tới cuộc sống con người trong cái nhìn đa dạng về thế giới và đất nước mình. Cấp học này cần học đầy đủ quá trình phát triển của lịch sử. 

Ở THPT mục tiêu của môn Lịch sử là trên cơ sở những hiểu biết về lịch sử cơ bản đã được học từ THCS kết hợp với đặc điểm của lịch sử Việt Nam, giúp học sinh có được nhận thức tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc trong mối quan hệ với lịch sử thế giới. 

Hiểu được lịch sử nước ta có những đặc trưng văn hóa đa dạng. Mặc dù có sự tiếp thu văn hóa các dân tộc khác trong quá trình phát triển và giao lưu với thế giới bên ngoài nhưng vẫn duy trì bản sắc của người Việt Nam. 

Học sinh THPT cần hiểu một cách sâu sắc về sức mạnh mà dân tộc Việt đã và đang phát huy trong dòng chảy của lịch sử thế giới với tư cách là quốc gia có lịch sử và truyền thống lâu đời. 

Từ đó bồi dưỡng niềm tự hào là người Việt, với tư cách là một công dân thế giới nhưng lại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ mục tiêu trên, ở THPT chương trình sẽ được thiết kế theo chủ đề và trong mỗi chủ đề lại có chủ đề nhỏ (phụ thuộc vào nội dung lịch sử mỗi chủ đề và số tiết quy định cho nó).       
Vậy, như ông nói ở trên thì năng lực cần có của môn Lịch sử với mỗi học sinh ở phổ thông là gì, thưa ông?

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ: Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã viết: “…từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. 

Sau 10 năm vào ngày 1/6/1955 gửi thư cho các cháu và các cán bộ các trường Miền Nam, Bác viết: “Các cháu nên tập tự lực cánh sinh cho quen”.

Môn Lịch sử, nhìn từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 3

Lịch sử được lồng ghép, một sự sáng tạo “vô tiền khoáng hậu”

(GDVN) - Ý kiến của GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong cuộc hội thảo kín do bộ này tổ chức.

Như vậy, vấn đề phát triển năng lực cho người học cũng đã được Bác Hồ đề cập cách đây 70 năm. Giờ đây, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người cùng với tinh thần NQ 29/NQ –TW “chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang giáo dục hình thành nhân cách và phát triển năng lực của người học”. 

Vận dụng cụ thể vào môn Lịch sử, chương trình và sách giáo khoa phải góp phần hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc; bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. 

Bên cạnh những phẩm chất, giá trị mà học sinh cần có trong xã hội hiện đại ngày nay, phải tập trung hình thành và phát triển năng lực chung mà mỗi học sinh cần có và những năng lực riêng của môn Lịch sử.

Tôi đề xuất một số năng lực cần cho môn Lịch sử ở phổ thông: Năng lực thu thập sự kiện lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau, bước đầu hình thành ý thức lịch sử, coi trọng chứng cứ và khả năng xử lý thông tin lịch sử; năng lực tái tạo hiện thực xã hội (quá khứ và hiện tại).

Năng lực phát hiện, đề xuất và giải quyết, đánh giá xã hội trong học tập Lịch sử; Năng lực thực hành lịch sử; Năng lực vận dụng phương pháp định lượng, phương pháp thống kê toán học trong học tập lịch sử.   

Trân trọng cảm ơn ông./.

Xuân Trung (thực hiện)