Một ngôi trường, 4 năm thay 4 hiệu trưởng

27/01/2019 06:25
Nguyễn Phan
(GDVN) - Dùng quyền hành tự bác bỏ sự tín nhiệm của giáo viên đối với đồng nghiệp, tự đặt ra quy chuẩn mới bằng cách “ truyền đạt lệnh miệng” của Trưởng phòng giáo dục

Trong vòng  4 năm trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã thay đổi tới …4 đời hiệu trường.

Đó là lời tâm sự của cô Huỳnh Thị Phương Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ.

Cô Dung cho biết, sau khi Báo Giáo dục Việt Nam liên tiếp đăng tải những vấn đề bất ổn của nhà trường, cô đã rất bức xúc, buồn rầu và thấy bị tổn thương.

Tuy nhiên, cô thẳng thắn thừa nhận những vấn đề mà báo đăng tải là hoàn toàn chính xác.

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)

Cô chia sẻ, trong 4 năm mà nhà trường “bị” thay đổi tới 4 đời hiệu trưởng thì làm sao mà còn có cảm giác an tâm và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà trường “lùm xùm” hết chuyện nọ, đến chuyện kia.

Điều này cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Mặc dù trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ nằm tại khu đô thị sầm uất và phát triển của thành phố mang danh “thủ phủ” miền Tây nhưng cho đến nay, nhà trường vẫn chưa đạt được các mục tiêu phấn đấu như xây dựng trường chuẩn quốc gia và cũng chưa thể đăng ký đánh giá ngoài công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao? Cô Dung chỉ nói ngắn gọn: cá nhân tôi nghĩ do nhà trường đổi hiệu trưởng liên tục, chỉ 4 năm mà có tới 3 hiệu trưởng bị điều chuyển, người thứ tư hiện cũng đang vướng vào khá nhiều chuyện lùm xùm.

Tiếp câu hỏi của chúng tôi, vì sao lại có sự thay đổi kỷ lục như vậy cô chỉ cười buồn…

Như đã đưa tin, đây chính là ngôi trường đã “ trắng” Hội đồng trường trong suốt năm 2018 và ngay cả đến bây giờ trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận Hội đồng trường như quy định tại các văn bản pháp quy ( Luật Giáo dục; Khoản 5 Điều 20 Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT;…)

Liệu rằng có sự chủ đích trong việc bỏ “ trắng” hội đồng trường suốt năm qua?

Để công bố trước dư luận, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu những lý do khiến Hội đồng trường của trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ  không được cấp có thẩm quyền công nhận thì lại phát hiện thêm rất nhiều tình tiết buồn.

Như tin đã đưa, năm 2017, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ thực hiện công tác giới thiệu nhân sự, bầu lại Hội đồng trường vì nhiệm kỳ của Hội đồng trường (2011-2017) đã hết.

Hiệu trưởng đề nghị giáo viên...từ chức

Và ông Đào Thành Công đã được tín nhiệm “ bầu” vào vị trí Chủ tịch Hội đồng.

Nhưng suốt một năm sau đó, Hội đồng trường của trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ vẫn không được Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá ra quyết định thành lập.

 Bức xúc vì nhà trường không có Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, với tư cách là “Chủ tịch được bầu tín nhiệm” nên thầy Đào Thành Công đã phản ánh với ông Lưu Hoàng Hiếu, Hiệu trưởng trường Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ về vấn đề trên nhưng ông Hiếu trả lời:

Phòng Giáo dục không đồng ý thầy Công làm Chủ tịch Hội đồng trường vì không đúng thành phần.

Người làm chủ tịch phải là đảng viên và phải “ nằm” trong Ban Chi ủy”.

Đồng thời, ông Lưu Hoàng Hiếu, hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ cũng khuyên ông Đào Thành Công từ chối nhiệm vụ và gợi ý hãy nêu lý do “vì sức khỏe không đảm bảo”.

Bức xúc trước đề nghị của ông Lưu Hoàng Hiếu, ông Đào Thành Công và một số thành viên trong Hội đồng trường đã được đề cử chất vấn, yêu cầu công bố văn bản chỉ đạo của Trưởng phòng Giáo dục về vấn đề này nhưng ông Hiếu từ chối cung cấp mà thông báo đây là “ chỉ đạo miệng của trưởng phòng”.

Thông tư số 12/2011/TT-BGDDT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường trung học công lập được quy định như sau:

Đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ Văn phòng.

Hội đồng trường có Chủ tịch, 1 thư ký và các thành viên khác.

Tổng số thành viên của Hội đồng trường từ 9 đến 13 người.

Như vậy, Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên của Hội đồng bầu; thư kí do Chủ tịch Hội đồng chỉ định.

Nhiệm kì của Hội đồng trường là 5 năm.

Do đó nội dung “ Chỉ đạo miệng của trưởng phòng” như lời hiệu trưởng Hiếu công bố trước tập thể nhà trường là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật.

Sự việc nhùng nhằng, kéo dài và hoàn toàn không có sự chỉ đạo của các cấp quản lý nên sự bất ổn trong nội bộ nhà trường liên tục sảy ra.

Trong các kỳ họp chi ủy, họp sơ kết học kỳ vấn đề “ Hội đồng trường” liên tục được đưa ra mổ xẻ.

Ngày 14/12/2018, ông Lưu Hoàng Hiếu chính thức công bố “ phủ nhận” chức vụ “ Chủ tịch” hội đồng trường của ông Đào Thành Công và tổ chức “ bầu lại” với tỷ lệ 100% ý kiến có mặt tham dự cuộc họp đã tán thành để ông Lưu Hoàng Hiếu làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Tuy nhiên, cho đến nay trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ vẫn chưa có Quyết định công nhận Hội đồng trường mới, nhiệm kỳ 2018-2023.

Mặc dù bức xúc trước cách làm việc tùy tiện của hiệu trưởng, nhưng cô Huỳnh Thị Phương Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ chỉ biết than thở:

Trường Nguyễn Trường Tộ gần một năm nay không có hội đồng trường

“ Kỳ họp nào cũng đề nghị hiệu trưởng làm việc phải đảm bảo tính pháp lý nhưng chả có tác dụng gì.

Hội đồng trường “ mới” cũng đã được bầu lại ngày 14/12/2018 nhưng đến nay nhà trường cũng chưa thấy quyết định công nhận”.

Đây cũng là điều mà dư luận nhà trường đã dấy lên câu hỏi "Liệu rằng có sự chủ đích trong việc bỏ “ trắng” hội đồng trường hay không"?

Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn chưa?

Ngày 28/3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, nhiệm vụ của Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 19 Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT. Nhiệm vụ tối quan trọng của Hiệu trưởng chính là :

Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;

Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường được quy định tại khoản 3 Điều 20 của Điều lệ;

Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường;

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học;

Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường;

Bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên;

Thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên;

Thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;

Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh,

Ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;

Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh;

Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường;

Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;

Nhưng suốt thời gian qua, với vai trò là Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ nhưng ông Lưu Hoàng Hiếu đã buông bỏ hoàn toàn trách nhiệm của mình trong việc trình cấp có thẩm quyền xem xét danh sách đề nghị của nhà trường để ban hành quyết định thành lập Hội đồng trường.

Đồng thời, dùng quyền hành để tự bác bỏ sự tín nhiệm của giáo viên trong trường đối với đồng nghiệp,  tự đặt ra quy chuẩn mới bằng cách “ truyền đạt lệnh miệng” của Trưởng Phòng Giáo dục là một việc làm rất cần các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, xử lý.

Nguyễn Phan