Một số phân môn Ngữ văn, cấp Trung học cơ sở đã bị tinh giản… quá đà

29/05/2020 06:29
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên lúng túng, không biết ra đề kiểm tra học kỳ vào đơn vị kiến thức nào cho phù hợp. Trong khi phần làm văn thường chiếm tới 2/3 bài kiểm tra học kỳ.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều điều chỉnh về thời gian, nội dung chương trình…nhằm phù hợp với tình hình thực tế của năm học.

Việc tinh giản những nội dung kiến thức ở tất cả các môn học là phù hợp bởi nó đã giảm tải cho cả thầy và trò ở tất cả các nhà trường phổ thông khi mà năm học đã phải gián đoạn đến hơn 3 tháng trời.

Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ một số bất cập mà khi giảng dạy, ra đề kiểm tra thì những hạn chế này được các thầy cô ở các nhà trường thấy rất rõ.

Vì thế, một số thầy cô đang dạy môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở đã phản ánh với chúng tôi những hạn chế về việc tinh giản môn học này.

Phân môn tập làm văn của lớp 7 đã bị tinh giản toàn bộ (Ảnh minh hoah trên giaoduc.net.vn)

Phân môn tập làm văn của lớp 7 đã bị tinh giản toàn bộ

(Ảnh minh hoah trên giaoduc.net.vn)

Cách ra đề và cấu trúc của một bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn

Môn Ngữ văn hiện đang là môn có nhiều tiết học nhất ở cấp Trung học cơ sở bởi lớp 6,7,8 mỗi tuần có 4 tiết, lớp 9 mỗi tuần có 5 tiết học.

Đối với môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở hiện nay có 3 phân môn nhỏ là văn bản, tiếng Việt và tập làm văn, 3 phân môn này có quan hệ mật thiết với nhau trong việc thiết kế mỗi bài học.

Vì môn học có 3 phân môn nên nó có quan hệ ríc rắc với nhau, khi ra đề kiểm tra học kỳ thì thường là phải ra cả nội dung của 3 phân môn này.

Đây cũng là yêu cầu gần như bắt buộc đối với bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông từ nhiều năm qua.

Theo hướng dẫn của Bộ thì mỗi đề kiểm tra, đề thi môn ngữ văn hiện nay có cấu trúc 2 phần chính, đó là phần đọc- hiểu và phần làm văn.

Phần đọc- hiểu thường có thang điểm từ 3-4 điểm và phần làm văn có thang điểm từ 6-7 điểm (tùy vào chỉ đạo và cách ra đề của mỗi trường).

Trong đó, kiểm tra học kỳ nào thì chỉ hỏi kiến thức của học kỳ đó, không hỏi kiến thức ở các học kỳ khác, năm học khác nên bắt buộc các câu hỏi phải nằm trong chương trình vừa học xong.

Và, khi ra đề kiểm tra định kỳ hay thậm chí là đề thi thì phần đọc hiểu có thể lấy ngữ liệu (văn xuôi hoặc thơ) trong sách giáo khoa hoặc có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa nhưng câu hỏi về đoạn ngữ liệu phải nằm trong chương trình kiến thức sách giáo khoa mà học sinh đã học.

Phần làm văn thì đối với kiểm tra học kỳ thường ra vào các phương thức biểu đạt (tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận) ứng với phần vừa học ở trong học kỳ để ra đề kiểm tra cho học sinh.

Thế nhưng, căn cứ vào chương trình giảm tải của Bộ vừa qua thì có những khối lớp khiến giáo viên lúng túng vì không biết ra đề vào chỗ nào…cho đúng vì nó đã bị tinh giản toàn bộ nội dung của phân môn.

Phân môn tập làm văn lớp 7 đã được tinh giản…toàn bộ

Đối với chương trình Ngữ văn 7, học kỳ II thì phân môn tập làm văn được bố trí học về phương thức biểu đạt chính là nghị luận, với 2 kiểu bài là lập luận chứng minh và lập luận giải thích.

Thông thường, khi ra đề để viết tập làm văn ở các bài kiểm tra định kỳ (1-2 tiết) và kiểm tra học kỳ thì giáo viên sẽ ra vào các kiểu này.

Thế nhưng, đối với năm nay thì các bài này lại nằm toàn bộ trong chương trình giảm tải của Bộ vừa qua.

Trong khi, tại Công văn 1113/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kì II năm học 2019-2020, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 30 tháng 3 năm 2020 đã hướng dẫn như sau:

Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 01/9/2011 và các nội dung “Không dạy”; “Không làm"; “Không thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)".

Vậy là nhiều giáo viên Ngữ văn 7 lúng túng, không biết ra đề kiểm tra học kỳ vào đơn vị kiến thức nào cho phù hợp. Trong khi phần làm văn thường chiếm tới 2/3 bài kiểm tra học kỳ!

Phần tiếng Việt ở các lớp cũng giảm…gần hết

Phân môn Tiếng Việt cấp Trung học cơ sở cũng chuyển sang tự học, tự học có hướng dẫn gần hết, các bài học chính khóa còn lại rất ít nhưng số tiết thực dạy trên lớp thì giảm không đáng kể.

Đối với lớp 6 còn 3 bài (Phó từ; So sánh; Nhân hóa); lớp 7 còn 3 bài (Rút gọn câu; Câu đặc biệt; Phép liệt kê); lớp 9 còn 2 bài (Khởi ngữ; Các thành phần biệt lập) và lớp 8 chỉ còn lại 1 bài duy nhất (Lựa chọn trật tự từ trong câu).

Những khối lớp còn 2-3 bài thì ra đề kiểm tra còn thực hiện được nhưng với lớp 8 chỉ còn lại 1 bài duy nhất nên việc ra đề kiểm tra không phải là một việc dễ dàng khi ra về kiến thức tiếng Việt.

Bởi, khi giáo viên ra đề thì những câu hỏi của phần đọc hiểu phải bám sát vào phần ngữ liệu của đề bài thì mới có thể ra được.

Trong khi, tìm được đoạn ngữ liệu tương ứng với các đơn vị tiếng Việt ít ỏi còn lại là cả một vấn đề không hề giản đơn.

Vì thế, việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn cho học kỳ II tới đây cũng là một việc làm khó đối với những giáo viên đang giảng dạy môn học này.

Thậm chí, học sinh cũng gặp khó khăn khi ôn tập và làm bài kiểm tra học kỳ, nhất là đối với học sinh lớp 7.

Cả học kỳ học văn nghị luận, cuối cùng kiểm tra học kỳ lại không kiểm tra về phần này nên cấu trúc đề ngữ văn 7 năm nay phải thay đổi hoàn toàn vì phần tập làm văn (6-7 điểm) đã nằm trong chương trình…giảm tải.

Vì thế, đề kiểm tra học kỳ Ngữ văn 7 năm nay khác hoàn toàn với những khối lớp còn lại…!

KIM OANH