Một số tỉnh dừng chi phụ cấp thâm niên, giáo viên mong Bộ Giáo dục vào cuộc

14/07/2020 06:05
Thanh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều cần nhất bây giờ để tiếp tục hay dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo là một văn bản chỉ đạo cụ thể từ cấp trên thì đến nay các trường học vẫn chưa thấy.

Nếu căn cứ vào Luật Giáo dục năm 2019 thì việc một số địa phương tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo từ tháng 7/2020 cũng có cái lý riêng bởi trên thực tế thì Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể về sự việc này.

Nhưng, cái bất cập lớn nhất hiện nay mà chúng ta đang thấy là có một số địa phương tạm dừng chi trả nhưng đa số các địa phương vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo nên chưa có tính thống nhất trên cả nước.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà các ngành nghề đều chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 thì việc cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo khi mà chính sách tiền lương mới chưa thực hiện, lương cơ sở không tăng nên đời sống giáo viên đã phải chịu nhiều ảnh hưởng.

Một só địa phương đã tạm dựng việc chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo từ tháng 7 này (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Một só địa phương đã tạm dựng việc chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo từ tháng 7 này

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Theo thông tin phản ánh trên báo chí những ngày qua thì đã có một số địa phương đã thông báo tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo bắt đầu từ tháng 7 này, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình Dương, Hải Dương…

Như vậy, số địa phương tạm dừng việc chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo chỉ là số ít, đa phần các địa phương vẫn tiếp tục chi trả các chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên bình thường như trước đây.

Cũng chính vì thế, mà đội ngũ giáo viên ở những địa phương đã bị tạm cắt thâm niên nhà giáo có những so bì và gây nên những thị phi không cần thiết trên các diễn đàn khác nhau.

Bởi trong ngành có lẽ ai cũng hiểu phụ cấp thâm niên dù không phải quá lớn nhưng nó lại rất quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo nhất là những thầy cô lớn tuổi.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng các địa phương chưa nên cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo vào lúc này bởi các lí do sau:

Các lí do chưa nên cắt phụ cấp thâm niên từ tháng 7/2020

Thứ nhất: các bộ, ngành liên quan chưa xây dựng bảng lương mới và Chính phủ cũng chưa ban hành Nghị định hướng dẫn việc trả lương theo vị trí việc làm.

Thứ hai: các cơ quan chức năng cũng chưa xây dựng được quy định về phụ cấp đặc thù nghề khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.

Bởi, trên thực tế thì các bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc sắp xếp lại các loại phụ cấp mới chỉ được xây dựng ở giai đoạn lấy ý kiến của cơ quan quan ngành (chưa đưa ra dự thảo để lấy ý kiến người dân).

Thứ ba: ngay từ những tháng đầu năm 2020 thì dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra và có tác động lớn đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội dừng tăng lương cơ sở từ mức 1.490.000 lên 1.600.000 đồng vào ngày 01/7/2020 theo lộ trình.

Vậy nên, lương cơ sở hiện nay áp dụng chung cho đội ngũ công chức, viên chức cả nước đang ở mức 1.490.000 đồng như trước đây. Nhưng, cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo thì tổng thu nhập của giáo viên sẽ giảm xuống.

Thứ tư: đời sống của phần lớn đội ngũ nhà giáo trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nên việc dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo lại càng thêm vất vả bởi phần lớn nhà giáo hiện nay không có nguồn thu khác ngoài lương.

Muốn tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo thì các địa phương cần gì?

Thực ra, đối với các địa phương đã dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo thì cũng chỉ thông báo đến các trường là “tạm dừng” cho đến khi có thông báo mới chứ chưa nói là “cắt”.

Điều này cũng đồng nghĩa khi có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng liên quan thì phụ cấp thâm niên nhà giáo (có thể) sẽ được truy lĩnh lại.

Vẫn biết, những địa phương thực hiện như vậy là không sai vì họ cũng chỉ là những cơ quan thừa hành nhiệm vụ.

Luật hướng dẫn cắt vào thời điểm 1/7/2020 thì họ cắt rồi nếu tiếp tục được chi thì họ cho truy lĩnh sẽ dễ dàng hơn việc chi trước mà sau phải truy thu lại- đây cũng là cách làm lâu nay của nhiều địa phương.

Có lẽ để có sự thống nhất chung trên cả nước thì trước tiên lãnh đạo Bộ Giáo dục cần phải tham mưu, đề xuất cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên để có chỉ đạo cụ thể.

Khi có những ý kiến, văn bản đề xuất, tham mưu từ lãnh đạo Bộ Giáo dục thì Chính phủ sẽ có những chỉ đạo cho việc tiếp tục chi phụ cấp thâm niên hiện nay cho nhà giáo hoặc cắt theo Luật Giáo dục năm 2019.

Bởi thực tế thì đội ngũ nhà giáo đều thấy những khó khăn chung khi mà Luật Giáo dục năm 2019 đã có hiệu lực, lãnh đạo Sở ở một số địa phương chỉ đạo tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo nên việc làm bảng lương cho giáo viên đã gặp khó khăn.

Thực tế, các kế toán và hiệu trưởng nhà trường ở những nơi tạm cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo cũng vất vả trong việc trả lời thắc mắc của giáo viên trong đơn vị nhưng họ không thể làm sai ý kiến từ lãnh đạo Sở, Phòng yêu cầu tạm ngưng chi trả khoản phụ cấp này.

Vì vậy, điều cần nhất bây giờ để tiếp tục hay dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo là một văn bản chỉ đạo cụ thể từ cấp trên thì đến nay đã giữa tháng 7 nhưng các trường học vẫn chưa thấy.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-sao-phu-cap-tham-nien-giao-vien-noi-tam-dung-chi-noi-tra-binh-thuong-post210633.gd

https://giaoducthoidai.vn/soc-trang-tam-dung-chi-tra-phu-cap-tham-nien-nha-giao-co-chinh-xac--20200710144644992.html

Thanh An