Vì sao phụ cấp thâm niên giáo viên nơi tạm dừng chi, nơi trả bình thường?

11/07/2020 07:28
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương giáo viên ở một số tỉnh thành không còn khoản phụ cấp thâm niên kể từ tháng 7/2020.

Nhận được tiền lương tháng 7/2020, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh – có thời gian giảng dạy từ đủ 5 năm trở lên, không khỏi buồn bã, tâm tư và kể cả hoang mang vì bị dừng chi phụ cấp thâm niên.

Chẳng hạn như, giáo viên có lương bậc 4 bị giảm khoảng 500.000 đồng, còn giáo viên sắp về hưu thì giảm khoảng 2 triệu đồng – một số tiền không nhỏ so với đồng lương eo hẹp của nhà giáo.

Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi hiệu trưởng thì được trả lời, phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ tạm dừng chi kể từ tháng 7/2020, chừng nào có văn bản mới giáo viên sẽ được truy lĩnh.

Ảnh tác giả cung cấp.

Ảnh tác giả cung cấp.

Ngày 7/7/2020, thông tin từ Báo Lao động cho biết, một số tỉnh như Bình Dương, Hải Dương cũng đã tạm dừng chi phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi nào có chỉ đạo mới từ cấp trên. [1]

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, giáo viên nhiều tỉnh ở phía Nam vẫn được nhận đủ lương và phụ cấp thâm niên nhà giáo tại thời điểm tháng 7/2020 và thầy cô cũng không hề nghe thông báo sẽ tạm dừng chi khoản này.

Theo chế độ hiện hành, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục từ đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2020 tại Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Chiếu theo quy định này, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề mà sẽ được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề.

Quy định là như thế, nhưng ngày 19/6, Quốc hội đã quyết định việc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ 1/7/2020 - nghĩa là, các bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc sắp xếp lại các loại phụ cấp mới chưa được quyết định.

Tiếp đến, ngày 23/6/2020 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2264/LĐTBXH-TCGDNN về việc hướng dẫn chế độ ưu đãi đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, văn bản có nội dung ghi rõ:

“Thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ, chính sách đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo.

Tuy nhiên, ngày 6/9/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8476/VPCT-KTTH về triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội đồng Trung ương 7 khóa XII, theo đó “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thực hiện Nghị quyết số 27 NQ/TW không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Do vậy, việc chỉnh sửa, bổ sung văn bản quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạm dừng cho đến khi các văn bản quy định chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW được ban hành.

Trong thời gian đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo với mức như đang hiện hưởng.” [2]

Như vậy, từ thời điểm 1/7/2020, phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị cắt, nhà giáo vẫn hưởng lương theo hệ số 1.490.000 đồng/tháng cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.

Vậy nên, địa phương nào tạm dừng chi phụ cấp thâm niên nhà giáo từ ngày 1/7/2020 là trái với chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như đã dẫn.

Có thể nhận thấy, sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, giáo viên cả nước gặp rất nhiều khó khăn.

Riêng giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cắt khoảng 50% thu nhập tăng thêm năm 2020 theo Nghị quyết 03 của Hội đồng Nhân dân thành phố (đã có hiệu lực từ 2018).

Đời sống giáo viên vốn dĩ đã khó, nay càng khó thêm khi bị tạm dừng chi phụ cấp thâm niên khiến thầy cô không khỏi lo lắng, chạnh lòng.

Qua bài viết này, chúng tôi mong các địa phương không “cầm đèn chạy trước ô tô” cắt phụ cấp thâm niên khi Nhà nước chưa ban hành chính sách, chế độ tiền lương mới.

Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có công văn khẩn thông tin đến các địa phương, yêu cầu giữ nguyên phụ cấp thâm niên giáo viên theo chế độ tiền lương cũng như các phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi hiện hành cho đến khi Nhà nước có văn bản mới, để thầy cô yên lòng công tác.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/mot-so-noi-tam-dung-tra-phu-cap-tham-nien-tu-thang-7-giao-vien-lo-lang-817288.ldo

[2]//www.bacgiang.gov.vn/documents/20181/8756222/1593404062822_2264.pdf

Ánh Dương