Một vài ý kiến về chú thích, trích dẫn trong sách Tiếng Việt tiểu học

05/07/2019 07:15
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Biết bao nhiêu thầy cô, dạy mòn cả sách mà vẫn không phát hiện ra cái sai mồn một như thế trong một cuốn sách giáo khoa quốc gia.

LTS: Đưa ra những băn khoăn về một số chú thích và cách dùng từ trong một số cuốn sách Tiếng Việt ở bậc tiểu học, thầy Lê Đức Đồng đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi có xem các cuốn sách Tiếng Việt bậc tiểu học (Tập Một và Tập Hai – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017) và cứ băn khoăn mãi về một số chú thích và cách dùng từ để diễn tả chú thích.

Về cuốn Tiếng Việt (Lớp Một, Tập Một) trang 97 có vẽ hình con ốc sên trên tàu lá chuối và chú thích là: “Nhà Dế Mèn ở gần bãi cỏ non. Còn nhà Sên thì ở ngay trên tàu lá chuối”.

“Ốc sên” và “Sên” cần phân biệt rõ, đó là hai con vật khác nhau. Ốc sên thường sống trên cây xanh, trên tàu lá chuối và sên thì sống trong cỏ, hút máu người và vật.

Trang 126 vẽ hình một cây rơm nhưng lại chú thích là “Đống rơm”. Cây rơm có trụ đứng, người ta chất rơm xung quanh lên cao thành cây rơm. Còn đống rơm thì người ta chất rơm lên thành đống lộn xộn, không có trụ đỡ.

Trang 163 có trích dẫn khổ thơ trong bài “Quê hương” (Đỗ Trung Quân) vừa không ghi tên tác giả, tác phẩm vừa tùy tiện sửa đổi câu chữ: “Quê hương là con diều biếc/ Chiều chiều con thả trên đồng…” chính xác là “Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng”. (Xem thêm “Tiếng Việt, Lớp Ba, Tập Một, trang 79).

(Ảnh: tác giả cung cấp).
(Ảnh: tác giả cung cấp).

Về cuốn Tiếng Việt (Lớp Hai, Tập Hai) trang 48 trong phần “Nghe - viết” có bài “Điền vào chỗ trống l hay n ?” có trích dẫn bài thơ “Uống rượu mùa thu” của Nguyễn Khuyến: “ …ăm gian …ều cỏ thấp …e te/ Ngõ tối đêm sâu đóm lập …òe…”.

Cái sai tai hại là nếu chúng ta điền chữ “l” vào sẽ có “Năm gian lều cỏ thấp le te”; nhưng chính xác là “Năm gian nhà cỏ thấp le te” vì Nguyễn Khuyến không ở “lều cỏ” bao giờ.

(Ảnh: tác giả cung cấp).
(Ảnh: tác giả cung cấp).

Biết bao nhiêu thầy cô, dạy mòn cả sách mà vẫn không phát hiện ra cái sai mồn một như thế này trong một cuốn sách giáo khoa quốc gia.

Về cuốn Tiếng Việt (Lớp Ba, Tập Một) trang 106 có bài “Vàm Cỏ Đông” (Hoài Vũ) và trang 34 có bài “Cái cầu” (Phạm Tiến Duật) chưa phù hợp lứa tuổi của học sinh lớp 3.

Về cuốn Tiếng Việt (Lớp Bốn, Tập Một) trang 15 có trích dẫn “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” có trích dẫn không chính xác:

 “Tôi nói: Các người có của ăn của để, béo múp béo míp mà cứ đòi mãi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi…”. Nhưng trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), cụm từ “béo múp béo míp” không có mà chỉ có “béo múp mông đít”.

Tương tự, đoạn trích “Quê hương” (Hòn Đất - Anh Đức) ở trang 100 có trích dẫn: “Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị. Chính tại nơi này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ…”.

Không có cụm từ “Chính tại nơi này” mà chính xác là “Chính tại rẻo đất này…”.

(Ảnh: tác giả cung cấp).
(Ảnh: tác giả cung cấp).

Tập hai (Tiếng Việt, lớp Bốn) ở trang 59 có bài “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận), trang 71 có bài “Bài ca về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật), trang 137 có bài “Ngắm trăng” (Hồ Chí Minh) đều là những tác phẩm không phù hợp độ tuổi của các em.

Về cuốn Tiếng Việt (Lớp Năm, Tập Một) trang 49 có bài “Ê-mi-li, con…” (Tố Hữu), Tiếng Việt (Lớp Năm, tập hai) trang 130 có bài “Bầm ơi” (Tố Hữu), trang 140 có bài “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông) theo tôi nghĩ đều không phù hợp với sức học, sức hiểu của học sinh lớp 5 (11 tuổi).

Trên đây là một số băn khoăn của tôi khi tìm hiểu kỹ sách Tiếng Việt của bậc Tiểu học. Mong rằng khi tái bản (nếu còn sử dụng) hoặc viết sách giáo khoa mới thì những lỗi trên được ghi nhận và khắc phục để đảm bảo tính chính xác, tính sư phạm, tính vừa sức hơn .

LÊ ĐỨC ĐỒNG