Muốn có nhân tài thật, phải xử lý nghiêm nhân tài rởm, con ông cháu cha

14/05/2021 07:07
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Con em một số cựu cán bộ Quảng Ngãi dùng tiền ngân sách du học không về, phải bồi thường 10 tỷ đồng nhưng mới trả hơn 1,1 tỷ đồng.

“Tôi thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến Giáo dục, mà Giáo dục là cốt lõi của một xã hội văn minh, điều đó chứng tỏ Đảng và nhà nước rất quan tâm đến người dân. Người đứng đầu Chính phủ lo cho dân, lo cho Giáo dục thì quá tốt bởi hiện nay chúng ta thấy sốt ruột khi ngành Giáo dục có quá nhiều thứ cần phải cải tổ.

Yêu cầu của Thủ tướng "Học thật, thi thật, nhân tài thật" cũng chính là ba khâu đột phá lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải quyết dứt điểm để tạo ra động lực có tác động lan tỏa mạnh trong ngành giáo dục rất được xã hội đồng tình

Vậy nên Chính phủ họp bàn đưa ra thông điệp như vậy là rất tốt. Bản thân tôi rất cảm động và hoan nghênh”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Chính phủ họp bàn đưa ra thông điệp như vậy là rất tốt. Bản thân tôi rất cảm động và hoan nghênh”. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Chính phủ họp bàn đưa ra thông điệp như vậy là rất tốt. Bản thân tôi rất cảm động và hoan nghênh”. Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Ngọc: “Vấn đề phải làm đồng bộ từ trên xuống dưới, không thể học thật, thi thật, có nhân tài thật chỉ trông chờ vào các thầy cô ở dưới, vào học sinh con em chúng ta.

Để các thầy cô hoàn toàn tin tưởng, thực hiện thì rất mong nhà nước làm mẫu công khai tất cả các trường hợp có sử dụng bằng cấp không rõ ràng, xem xét thật kỹ nếu có trường hợp nào vi phạm thì nên kỷ luật ngay theo quy định.

Tôi nhớ lại Lịch sử thời Hậu Lê có những trường hợp Tiến sĩ giả. Vua biết được cho triệu tập tất cả và đích thân khảo thí từng người một, ai không xứng đáng và không minh bạch về bằng cấp Vua cho loại luôn. Chỉ công nhận những người thực tài.

Trong một nhà trường có thầy cô, học trò và các nhà quản lý…vậy ai dám nói những điều “khác”, ai dám nói bỏ điều này, thêm điều kia? Như một thầy giáo đã nói: Cán bộ quản lý cấp dưới nhìn cán bộ quản lý cấp trên, cán bộ quản lý cấp Trường nhìn cấp Phòng, cấp Phòng nhìn cấp Sở, cấp Sở nhìn cấp Bộ, cấp Bộ nhìn như thế nào…?

Ở cấp dưới nói thật nhưng cấp trên lại không chấp nhận những lời đó. Vậy nên chúng ta phải làm thật đồng lòng từ trên xuống thì mới giải quyết căn cơ được vấn đề, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Còn phần về học sinh và cha mẹ các em thì xã hội “điều hành” thế nào thì chỉ biết làm theo như thế. Nếu xã hội chỉ coi trọng bằng cấp thì chắc chắn là các em cũng chạy theo bằng cấp, học chỉ để đáp ứng khi đi thi thì học làm gì? Thầy cô, học trò và cha mẹ các em không ai có lỗi trong chuyện này mà tất cả mọi người đều phải “chạy” theo guồng.

Cần nhìn thẳng vào vấn đề cốt lõi để dũng cảm thay đổi, đó mới là căn cơ của vấn đề chứ không phải chỉ bỏ những cuộc thi dành cho giáo viên phổ thông, thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách giỏi... cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, II, I, thi sáng kiến kinh nghiệm dạy học…Tất cả những cái thi đó giờ chưa phải là lúc chúng ta bàn đến, đó chỉ là chuyện nhỏ.

Phải giải quyết cái gốc nêu trên, không bao giờ công nhận sự giả dối bằng cấp, loại trừ ngay những trường hợp như vậy, mọi chuyện minh bạch, rõ ràng lại được từ trên làm xuống thì tôi chắc chắn ở dưới sẽ răm rắp làm theo”.

Bà Nguyễn Thị Thu - Cựu giáo chức ở Hà Nội: "Tôi thấy thực tế hiện nay hàng năm có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước loại xuất sắc nhưng ra trường lại không tìm được việc làm". Ảnh: Tùng Dương.

Bà Nguyễn Thị Thu - Cựu giáo chức ở Hà Nội: "Tôi thấy thực tế hiện nay hàng năm có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước loại xuất sắc nhưng ra trường lại không tìm được việc làm". Ảnh: Tùng Dương.

Phải đồng bộ phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và tuyển dụng nhân tài

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu - Cựu giáo chức ở Hà Nội, đã chia sẻ quan điểm: “Tôi chỉ bàn về một khía cạnh “Nhân tài thật” như Thủ tướng đã nêu, muốn có nhân tài thì cần phải đồng bộ từ việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và tuyển dụng nhân tài đó.

Ngay như vừa qua có sự việc một số con em cán bộ được đi du học nước ngoài theo đề án thu hút nhân tài nhưng không trở về phục vụ cho địa phương, 4 người này là con của các cán bộ và nguyên cán bộ ở Quảng Ngãi từng nhận hỗ trợ khoản kinh phí thuộc Đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi.

Những người này bị buộc bồi thường gần 10 tỉ đồng, nhưng theo báo chí đã nêu thì đến nay họ chỉ mới trả lại 1,1 tỉ đồng? Như vậy theo tôi là xử lý chưa nghiêm, có nể nang trong chuyện này và không ai chịu trách nhiệm.

Rồi những học sinh có năng khiếu học tại trường chuyên trên cả nước được nhà nước cấp kinh phí đào tạo suốt những năm phổ thông, sau đó ra nước ngoài du học nhưng khi tốt nghiệp lại không quay về phục vụ đất nước. Đó là những học sinh có năng khiếu, tố chất tốt nhưng với cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay không ai chịu trách nhiệm thì các “hạt giống” đó sẽ đi về đâu?

Nhưng nói như vậy vẫn chưa đủ khi mới nêu ra một chiều của vấn đề. Tôi thấy thực tế hiện nay hàng năm có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước loại xuất sắc nhưng ra trường lại không tìm được việc làm, đặc biệt là ngành sư phạm hiện nay rất ít em theo học bởi ra trường khó xin được việc làm mặc dù lương rất thấp.

Các em phải lao động tự do, làm việc chân tay, xe ôm, bốc vác, bán hàng thuê…trái với ngành nghề được đào tạo. Vậy chúng ta cần phải ưu tiên cho những sinh viên này được lựa chọn việc làm theo đúng ngành học, chọn trường công tác, tạo điều kiện tối đa tốt nhất cho các giáo viên trẻ khi họ xung phong lên vùng cao, về vùng sâu giảng dạy, từ chỗ ăn, chỗ ở, lương thưởng…Có làm tốt khâu này thì mới hy vọng được thu hút nhân tài cho đất nước”.

Theo bà Thu: “Tôi thấy giáo dục hiện nay ở nước ta đào tạo ra nhân tài chưa được như đất nước và xã hội mong muốn. Phần lớn những người thực sự tài năng là do bản thân họ nỗ lực mà thành, hoặc gia đình họ đầu tư cho đi du học ở nước ngoài. Thậm chí có trường hợp sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài đạt loại giỏi nhưng khi quay về nước cũng khó xin được việc làm.

Nhiều vấn đề tiêu cực trong đào tạo đại học và trên đại học thời gian qua được một số cơ quan báo chí nêu ra khiến dư luận bàn tán về những "lò ấp tiến sĩ" dùng tiền đổi bằng ở mấy trường đại học, viện nghiên cứu...trong nước.

Ngoài ra bệnh thành tích đã làm cho việc ở lại lớp phổ thông khó hơn lên lớp, trường hợp học sinh “ngồi” nhầm lớp khá phổ biết ở một số nơi. Ngay như vừa qua có một số học sinh lớp 6 ở tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa đọc thông viết thạo thì theo tôi đó cũng là vấn nạn.

Trường đại học mở tràn lan, chính vì thế nảy sinh cạnh tranh thu hút sinh viên thi tuyển bằng nhiều hình thức…Đó là những hình thức xét tuyển và thi tuyển không thực chất làm cho chất lượng giáo dục ngày càng kém.

Rồi có một vài kỳ thi học sinh giỏi ở cấp huyện, cấp tỉnh một số nơi chưa minh bạch, chạy theo thành tích. Nếu các vấn đề trên không được giải quyết tận gốc thì việc “Nhân tài thật” khó lòng đạt được”.

Về vấn đề học chỉ để đáp ứng việc thi? Bà Thu chia sẻ: “Muốn thành tài thì phải học thật và phải giỏi đều các môn đâu phải chỉ có Toán và Văn. Có trường hợp Thủ khoa đầu vào, người ta cộng 3 điểm vào để tuyển sinh đại học, và rồi thấy 3 điểm 9 hoặc 3 điểm 10 thì bảo đó là thủ khoa.

Và sau 3 điểm 10 đó thì còn bao nhiêu điểm thấp ở các môn còn lại và gần như điểm liệt của những học sinh đó thì không thấy ai nói đến, và điều đó có chấp nhận được không? Chất lượng thủ khoa như thế liệu sau này các em vào đời có thỏa mãn được nhu cầu của xã hội, của thế giới hội nhập hay không? Đó mới là điều đáng phải bàn”.

Có không ít bài thi đạt danh thủ khoa môn nào đó nhưng lại được chép nguyên xi bài mẫu, như vậy là học “vẹt”. Thực tế đó là cách dạy sao chép theo sách giáo khoa mà không hề có sự tư duy kiến thức của người học, thầy cô là “thợ” dạy và dạy như vậy thì lấy đâu ra người tài? Việc học phải xuất phát từ lòng đam mê thực sự chứ không phải sinh viên ra trường chỉ như những con “robot”.

Tùng Dương