Muốn dạy buổi 2 chất lượng, đừng biến thành dạy thêm có tổ chức kiếm tiền

13/12/2020 06:40
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường học cũng đã rất nỗ lực để tổ chức dạy buổi 2 một cách có chất lượng. Thế nhưng để đạt được mục tiêu như chương trình mới đặt ra lại không hề đơn giản

Nhiều năm trở lại đây, phong trào dạy buổi 2 ở các bậc học đều nở rộ. Mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong việc tổ chức dạy buổi 2 là chất lượng giáo dục phải được nâng lên. Bên cạnh đó, dạy buổi 2 sẽ giải quyết áp lực về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.

Học buổi 2, học sinh Trường Trưng Vương tỉnh Quảng Trị được học theo nhu cầu đăng ký (Ảnh nhà trường)

Học buổi 2, học sinh Trường Trưng Vương tỉnh Quảng Trị được học theo nhu cầu đăng ký (Ảnh nhà trường)

Tuy nhiên, do cách tổ chức dạy buổi 2 ở nhiều trường học hiện nay được đánh giá là không hiệu quả. Bằng chứng là có không ít địa phương, học sinh và phụ huynh đưa đơn kiến nghị xin cho con không phải học buổi 2.

Có phòng học chức năng riêng biệt (Ảnh nhà trường)

Có phòng học chức năng riêng biệt (Ảnh nhà trường)

Nhiều trường học cũng đã rất nỗ lực để tổ chức dạy buổi 2 một cách có chất lượng. Thế nhưng để đạt được mục tiêu như chương trình mới đặt ra lại không hề đơn giản.

Để dạy buổi 2 ở trường đạt hiệu quả có khó không?

Ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương, tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Để các trường công lập dạy buổi 2 đạt hiệu quả là vô cùng khó. Bởi, nhà trường phải đáp ứng đủ một số điều kiện như về cơ sở vật chất, về nhân sự.

Sân chơi học tập (Ảnh nhà trường)

Sân chơi học tập (Ảnh nhà trường)

Tuy thế, những điều này, hiện phần lớn các trường công lập đang rất thiếu”.

Nhiều trường công lập hiện nay, phòng học chức năng thiếu, giáo viên cũng chưa đáp ứng đủ, học sinh chỉ học các môn văn hóa là chủ yếu.

Nhiều địa phương dù đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng cơ sở vật chất tại các trường học, thế nhưng mỗi lớp được học 1 phòng đã là may lắm rồi.

Không có phòng chức năng để dạy riêng những môn năng khiếu rất bất lợi cho giáo viên khi dạy học theo hướng phát triển năng lực. Bởi thế, giáo viên buộc phải dạy theo lối truyền thụ kiến thức.

Chăm vườn cây

Chăm vườn cây

Chỉ cần lớp bên cạnh học môn âm nhạc thì xem như lớp bạn chỉ có ngồi nghe hoặc cho học sinh viết bài vì tiếng ồn vọng ra học sinh không thể nào tập trung học được.

Ngoại khóa buổi 2 (Ảnh nhà trường)

Ngoại khóa buổi 2 (Ảnh nhà trường)

Bản thân người viết đã có lần bị đồng nghiệp lớp bên qua nhắc nhỏ, chị cho học sinh đọc bài nhỏ thôi, đừng tổ chức hoạt động nhóm nhiều ồn quá lớp em không học được.

Dạy học mà cô trò cũng phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên vì sợ ồn lớp bên cạnh cũng thật gò bó, bức bối vô cùng.

Có những trường, không có giáo viên dạy môn nghệ thuật, buộc giáo viên chủ nhiệm dạy luôn. Dạy thì được nhưng để đạt hiệu quả tiết dạy là điều vô cùng khó.

Học buổi 2 mà chủ yếu học tăng cường thêm những môn văn hóa như toán bổ sung, tiếng Việt bổ sung, tự nhiên xã hội bổ sung...đã được học buổi sáng càng tạo ra sự áp lực, mệt mỏi hơn cho học sinh.

Làm gì để việc dạy buổi 2 hiệu quả, đáp ứng tốt mục tiêu chương trình mới?

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nêu lên 5 phẩm chất chủ yếu như Yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm.

Có 10 năng lực cốt lõi, đó là Năng lực tự chủ và tự học; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực ngôn ngữ;

Năng lực tính toán; Năng lực tìm hiểu tự nhiên; Năng lực tìm hiểu xã hội; Năng lực Công nghệ; Năng lực Tin học; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất.

Để đạt được những năng lực, phẩm chất này ngành giáo dục cần phải dành sự đầu tư cho các trường học, cụ thể:

Thứ nhất, phải đảm bảo sĩ số học sinh trong mỗi lớp, ít nhất là đạt mức chuẩn theo quy định, tiểu học không quá 35 học sinh, trung học không quá 45 học sinh/lớp.

Thứ hai, đầu tư thêm cơ sở vật chất, có đủ phòng học chức năng cho học sinh học các môn nghệ thuật, môn tin học, Anh văn.

Ít nhất cũng phải có phòng âm nhạc, phòng học Anh văn, tin học, sân vui chơi, vườn trường…

Thứ ba, đảm bảo đủ giáo viên theo môn học, chú ý giáo viên các môn năng khiếu, kỹ năng sống (không phải kiểu tính tổng giáo viên và bình quân theo lớp như hiện nay).

Thứ tư, cho phép học sinh được đăng ký học theo sở thích kể cả các môn văn hóa, được chọn thầy cô giáo mình tin tưởng.

Sau khi học sinh đăng ký, nhà trường sẽ gom học sinh các lớp, các khối cùng chung một sở thích vào với nhau thành một lớp.

Sẽ có nhiều nhu cầu học tập nên sẽ có nhiều lớp học như tiếng Anh quốc tế, toán, tiếng Việt nâng cao, rồi lớp cầu lông, lớp bóng bàn, lớp bóng đá, lớp nấu ăn, lớp chuyên về hát, lớp khiêu vũ…

Những phẩm chất, năng lực cần học sinh đạt được đều phải thông qua việc học tập, rèn luyện, sự trải nghiệm trong thực tế. Không thể sáng học các môn văn hóa, chiều vẫn học lại các môn văn hóa trong phòng học của lớp với sĩ số cao ngất ngưỡng cùng phương pháp giảng dạy truyền thống như hiện nay.

Phan Tuyết