Muốn được bằng khen, chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm là phù hợp

21/08/2020 06:23
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Danh hiệu chiến sĩ thi đua sẽ mang lại nhiều quyền lợi, việc quy định giáo viên muốn nhận bằng khen phải có sáng kiến kinh nghiệm là điều hoàn toàn hợp lý.

Sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo trong suốt những năm tháng qua. Có người một năm đã phải “đẻ” ra vài ba cái sáng kiến (sáng kiến về chuyên môn để thi giáo viên dạy giỏi, sáng kiến về chủ nhiệm để thi chủ nhiệm giỏi).

Quy định muốn nhận danh hiệu thi đua vẫn phải có sáng kiến kinh nghiệm là phù hợp (Ảnh Đỗ Quyên)

Quy định muốn nhận danh hiệu thi đua vẫn phải có sáng kiến kinh nghiệm là phù hợp (Ảnh Đỗ Quyên)

Theo điều lệ về Hội thi giáo viên dạy giỏi mới ban hành năm 2020 thì giáo viên dự thi giáo viên giỏi (dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi) không còn phải nộp sáng kiến kinh nghiệm.

Điều này đã giải tỏa biết bao áp lực cho nhà giáo vì hàng năm không còn phải lo lắng buộc phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm.

Ngày 13/8/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020.

Trong đó có nội dung nổi bật là quy định đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không còn yêu cầu có sáng kiến kinh nghiệm như ở các văn bản trước đây.

Thế nhưng không có nghĩa Nhà nước bãi bỏ hoàn toàn việc viết sáng kiến kinh nghiệm.

Điều đáng ghi nhận là thầy cô giáo không phải viết sáng kiến hàng năm để dự thi mà chỉ những ai muốn đạt danh hiệu thi đua và muốn được tặng bằng khen của Thủ tướng, bộ, ngành, tỉnh mới cần đến sáng kiến kinh nghiệm.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng [1] đề cập khá chi tiết về các trường hợp cần có sáng kiến kinh nghiệm.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: moet.gov.vn.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: moet.gov.vn.

Điều 22 sửa đổi, bổ sung như sau:

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân năm lần đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở".

Điều 23.

Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu "Lao động tiên tiến" hoặc "Chiến sĩ tiên tiến".

2. Có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động.

Điều 71 “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được sửa đổi, bổ sung như sau:

1. "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" được tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có năm lần đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" trở lên và đã được tặng “Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”.

b) Lập được thành tích đột xuất.

c) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được bình xét trong phong trào thi đua.

Điều 72.

1. “Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương” để tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nghĩa vụ công dân; có phẩm chất đạo đức; đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có ba lần đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" trở lên.

Hiện nay, Nghị định số: 91/2017/NĐ-CP đang quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng hiện đang nêu rõ:

Điều 9. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua

1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Sáng kiến (là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật) hoặc đtài nghiên cứu khoa học, đlàm căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc. Sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu (đối với Lực lượng vũ trang) phải đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.

Việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học do người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương xem xét, công nhận. Việc công nhận mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phạm vi ảnh hưởng do Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, công nhận.

2. Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương do người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương xem xét, công nhận. Sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu do Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, công nhận.

3. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.

Vì thế, muốn đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo viên không cần viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng thầy cô muốn đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp (cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ) vẫn bắt buộc phải có sáng kiến.

Vì thế, hiểu rằng dự thảo Luật Thi đua đang bỏ hẳn sáng kiến kinh nghiệm là chưa đúng.
Chúng tôi cho rằng, để đạt được những danh hiệu thi đua từ cấp cơ sở trở lên và muốn đạt được bằng khen của các cấp cần phải có sáng kiến kinh nghiệm là điều hoàn toàn hợp lý.

Thứ nhất, người đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải là người có năng lực thật sự, là người nổi trội trong một tập thể, thể hiện rõ nhất là trong giảng dạy và trong công tác giáo dục học sinh.

Vì thế, thầy cô phải chứng minh được mình xứng đáng đạt được danh hiệu này, mình hơn hẳn những đồng nghiệp khác bằng chính hiệu quả công việc đang giảng dạy.

Minh chứng hùng hồn nhất chính là chất lượng học sinh được thể hiện trong đề tài nghiên cứu khoa học mà nhà trường đã nghiệm thu và đang được áp dụng hiệu quả tại chính lớp học của mình đạt kết quả cao, vượt trội so với các lớp học khác.

Thứ hai, danh hiệu chiến sĩ thi đua sẽ mang lại nhiều quyền lợi cho giáo viên như việc được xét tăng lương trước thời hạn, được thưởng tiền theo Điều 69. Mức tiền thưởng danh hiệu thi đua theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP:

a) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được tặng Bằng, Huy hiệu và được thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở;

b) Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được tặng Bằng chứng nhận, huy hiệu và được thưởng 3,0 lần mức lương cơ sở;

c) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tặng Bằng chứng nhận và được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở;

d) Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” được thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở.

Với một số giáo viên, việc vinh dự đạt được các danh hiệu thi đua còn được cơ cấu vào dự nguồn để lên làm lãnh đạo sau này.

Bởi thế, việc quy định giáo viên muốn đạt được danh hiệu thi đua để hưởng những quyền lợi ấy phải có được sáng kiến kinh nghiệm thực chất là điều hợp lý.

Tài liệu tham khảo

[1]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=709

Đỗ Quyên