Ngày 13/8/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020.
Đặc biệt trong Nghị định số 90/2020/NĐ-CP không còn tiêu chí “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.[1]
Tiêu chí này được giáo viên hiểu là sáng kiến kinh nghiệm.
Việc bỏ tiêu chí có sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá phân loại cán bộ, công chức là điều rất đáng mừng, phù hợp, được cán bộ, công chức, viên chức đồng tình ủng hộ.
Thật ra trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, sáng kiến kinh nghiệm không được coi trọng và không ảnh hưởng nhiều đến xếp loại.
Minh chứng cụ thể chính là mẫu 03 của Nghị định 56/2015/NĐ-CP quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức:
I. Tự đánh giá kết quả công tác, tu dưỡng, rèn luyện của viên chức.
1. Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết.
2. Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp.
3. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
4. Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
Mẫu Phiếu tự đánh giá trên không có chú trọng việc viên chức có sáng kiến kinh nghiệm. [2]
Nỗi ám ảnh của giáo viên về sáng kiến kinh nghiệm thật ra không phải trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức mà là trong thi đua, khen thưởng. (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Thực tế ở địa phương, dù không có sáng kiến kinh nghiệm nhưng rất nhiều giáo viên vẫn được xếp Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Việc một số địa phương áp dụng tiêu chí bắt buộc có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là vận dụng máy móc chưa hiểu rõ về đánh giá, phân loại giáo viên.
Nỗi ám ảnh của giáo viên về sáng kiến kinh nghiệm thật ra không phải trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức mà là trong thi đua, khen thưởng.
Nghị định 90 bỏ sáng kiến kinh nghiệm thầy cô chớ vội mừng.
Điều 23 Khoản 2 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 ghi rõ:
“Điều 23
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
2. Có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động”.[3]
Điều 1 Khoản 5 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013 ghi rõ:
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:
“2. Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.” [4]
Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định:
Một trong những tiêu chuẩn để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cần “Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận”. [5]
Như vậy muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, thầy cô giáo vẫn cần có sáng kiến kinh nghiệm.
Bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, thầy cô chớ vội ... mừng.
Suy nghĩ tích cực, yêu nước thì phải thi đua, lao động là phải sáng tạo. Chính những sáng tạo, sáng kiến đã gieo mầm cho những phát minh thay đổi kinh tế, xã hội.
Giáo viên đi dạy cũng vậy, cũng cần phải tích lũy kinh nghiệm, bản thân có sáng tạo, áp dụng vào thực tế nâng cao chất lượng giáo dục, viết thành báo cáo, có sáng kiến kinh nghiệm.
Chính “sáng kiến hay, sống lắt lay trong báo cáo”, không được đưa ra thực hiện, kiểm chứng giá trị thực tế nên thiếu thực tiễn.
Bên cạnh đó nạn sao chép, xào xáo sáng kiến kinh nghiệm không bị lên án, chấm sáng kiến thiếu khách quan, minh bạch đã làm cho sáng kiến kinh nghiệm trở thành “dị vật” trong bức tranh giáo dục.
Đã đến lúc làm cho thi đua trở nên thực chất, sáng kiến kinh nghiệm trở thành thực tế, có như vậy mới phát huy hết nội lực tiềm năng đang tồn tại trong các thầy cô giáo yêu nghề, yêu trẻ.
Sáng kiến kinh nghiệm của thầy cô giáo thường phi vật chất, khó đong đếm được, nên càng trân quý. Sáng kiến kinh nghiệm của thầy cô phải được công khai, giới thiệu để đồng nghiệp học tập, áp dụng, vừa có giá trị thực tế, vừa chống được nạn sao chép, gian dối trong thi đua.
Cần công khai, phê bình, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với những người sao chép sáng kiến kinh nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://luatvietnam.vn/can-bo/nghi-dinh-90-2020-nd-cp-danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-188849-d1.html
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-02-VBHN-BNV-2017-Nghi-dinh-danh-gia-phan-loai-can-bo-vien-chuc-369143.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Luat-Thi-dua-Khen-thuong-2003-15-2003-QH11-51686.aspx
[4] https://thukyluat.vn/vb/luat-thi-dua-khen-thuong-sua-doi-2013-34b5f.html
[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-91-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-thi-dua-khen-thuong-315685.aspx