Năm nay trường ấy đóng bao nhiêu?

23/08/2017 14:15
Thảo Ly
(GDVN) - Vào đầu năm học, câu chuyện được mọi người quan tâm nhất vẫn là việc đóng góp. Câu hỏi luôn được các phụ huynh hỏi nhau là “năm nay trường ấy đóng bao nhiêu"?

LTS: Dù ở nông thôn hay thành phố, mỗi khi bước vào năm học mới, bên cạnh niềm vui của các em còn là nỗi niềm lo lắng của các bậc phụ huynh (đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn).

Bởi, gánh nặng về vô số các khoản đóng góp vô lý cho nhà trường đã đè nặng trên vai khiến nhiều gia đình khó khăn càng thêm chật vật, thậm chí bế tắc.

Là một người mẹ - tác giả Thảo Ly càng hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này, đồng thời tác giả cũng cho rằng việc lạm thu trong trường học vẫn luôn là chuyện nóng. Ai cũng biết, cũng hiểu nhưng lại chẳng có ai đứng ra tranh đấu để xóa bỏ. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vào đầu năm học, câu chuyện được nhiều người quan tâm nhất vẫn là việc đóng góp của học sinh. Câu hỏi luôn được các phụ huynh khắp nơi hỏi nhau mỗi khi gặp mặt là: “Năm nay trường ấy đóng bao nhiêu?”.

Và nhờ chính kiểu thông tin này, chuyện về tiền bạc ở mọi nơi cũng được kết nối.

Loạn tiền trường

Một phụ huynh có con đang theo học ở tỉnh Đồng Nai cho biết:

“Ngoài một số tiền buộc phải đóng như tiền bảo hiểm, tiền văn phòng phẩm thì nhà trường thu rất nhiều khoản hết sức vô lý nhưng phụ huynh không dám phản ánh. 

Chẳng hạn, tiền trang trí phòng học như rèm cửa, khăn bàn, các bảng trang trí phòng học hoặc đến cả tiền lát nền, quét sơn lớp học… cũng buộc học sinh phải đóng”

Ảnh minh họa, chụp màn hình phóng sự "Phụ huynh học sinh phải đóng hàng triệu đồng đầu năm học", Chuyển động 24h, Trung tâm Tin tức VTV24 ngày 13/9/2015.
Ảnh minh họa, chụp màn hình phóng sự "Phụ huynh học sinh phải đóng hàng triệu đồng đầu năm học", Chuyển động 24h, Trung tâm Tin tức VTV24 ngày 13/9/2015.

Một phụ huynh ở thành phố cũng bức xúc không kém:

Năm ngoái con tôi học lớp 1 có đóng tiền lắp máy lạnh, quạt cây, quạt trần, tiền mua đèn chiếu, ti vi. 

Năm nay, con lên lớp 2 vẫn phải đóng lại những khoản tiền ấy trong khi lớp 2 năm ngoái cũng đã đóng rồi."

Cuối năm, phụ huynh chúng tôi có đề nghị học sinh lên lớp thì để lại các trang thiết bị ở phòng học cũ cho lớp mới lên học.

Nếu phải đóng, chỉ cần đóng vài chục ngàn tiền bảo dưỡng là xong vì trang thiết bị chỉ cần mua sắm một lần là đủ”

Một số phụ huynh ở các vùng quê cũng phản ánh việc hàng năm con cái họ vẫn phải đóng tiền cho phòng máy tính mà nhà trường giải thích là tiền "bảo dưỡng máy móc hàng tháng…”. 

Có trường lại “đẻ” ra tiền bồi dưỡng thêm cho bảo vệ, tiền cho bảo mẫu vì lương thấp, tiền chi xăng xe, nước uống cho ban đại diện đi họp…

Ngoài chuyện đóng tiền như thế, nhà trường còn kêu gọi (thực chất là bắt buộc) phụ huynh ủng hộ quỹ hội phụ huynh nhà trường, quỹ lớp, ủng hộ cây xanh, bàn ghế đá…

Năm nay trường ấy đóng bao nhiêu? ảnh 2

Ma trận tiền trường đã hoàn thành, đang chờ phụ huynh nhập cuộc

Chưa hết, một số trường học ở thành phố còn quy định việc đồng phục. Nếu như ngày xưa, nói đến đồng phục ta luôn hiểu rằng đó là quần áo cùng kiểu cùng màu. 

Ngày nay, đồng phục ở trường học còn được dùng để chỉ giày dép, cặp sách, bút, vở, nón cùng kiểu, cùng màu như nhau.

Chẳng biết vì lý do gì mà nhiều trường cứ đua nhau quy định tất cả đều phải đồng phục? Hoặc là cho đẹp về hình thức hoặc là cho túi tham của Hiệu trưởng rủng rỉnh tiền hoa hồng. 

“Đồng phục” từ giày dép, bút viết, sách, vở, mũ nón thậm chí cả đến cái nhãn vở ghi tên… số tiền cho việc sắm những “đồng phục” như thế lại không hề nhỏ. 

Con gà tức nhau tiếng gáy

Trong các buổi họp phụ huynh, lớp học nào cũng có vài ba gia đình kinh tế khá giả nên vài ba triệu đối với họ lại chẳng thấm tháp gì.

Ngược lại phần đông phụ huynh nghèo bươn chải từng đồng thì số tiền ấy lại vô cùng lớn.

Thế nhưng, nhà giàu sao có thể "thấu hiểu” nỗi khó khăn, chật vật của những gia đình khốn khó.

Bởi thế, chỉ cần một người lên tiếng ủng hộ việc thu tiền thì lập tức sau đó có nhiều người cùng lên tiếng đồng tình. 

Cũng có trường hợp, một số gia đình nghèo chưa có điều kiện nhưng vì sự sĩ diện của bản thân họ cũng “theo” đến cùng.

Thế nên mới có chuyện chồng đi họp phụ huynh về sau khi nghe các khoản đóng góp, vợ lại bị “tăng xông” vì chẳng biết lấy tiền đâu bù vào cái khoản tiền chồng đã trót cao hứng hứa nộp.

Chứng kiến một buổi họp phụ huynh ở thành phố Biên Hòa mà thấy thương những phụ huynh nghèo bị lao vào “guồng quay” tiền bạc.

“Phụ huynh đóng quỹ hội, quỹ lớp trên tinh thần tự nguyện nhưng vẫn phải đảm bảo để lớp, trường có đủ nguồn kinh phí hoạt động phục vụ các em.”

Khi giáo viên chủ nhiệm vừa nói xong thì lập tức có phụ huynh lên tiếng:

“Tôi xin ủng hộ 500 ngàn”. Người thì nói lớn: “Tôi 700”, có người rút ngay 1 triệu và nói to: “Tôi ủng hộ 1 triệu”.

Năm nay trường ấy đóng bao nhiêu? ảnh 3

Những mong mỏi tha thiết của học sinh và phụ huynh trong năm học 2017-2018

Một số phụ huynh vốn là công nhân ngồi nhìn nhau lưỡng lự. Tôi nghe tiếng phàn nàn:

“Mình định ủng hộ 200 ngàn nhưng giờ ủng hộ số tiền này thấy nó bèo làm sao ấy”.

Nói rồi, mấy phụ huynh lần dở chiếc ví căng phồng những đồng bạc lẻ, xếp, xếp, đếm, đếm lấy ra 200 ngàn và nhỏ nhẹ nói với người thu tiền “phụ huynh em Lan ủng hộ 300 ngàn…”.

Để xảy ra kiểu thu tiền vô tội vạ như thế, đáng trách đầu tiên dĩ nhiên là Hiệu trưởng. Tuy nhiên chính các bậc phụ huynh chúng ta cũng phải xem lại mình. 

Bởi ai cũng nghĩ như thế là không được nhưng lại chẳng ai dám lên tiếng. Họ luôn đưa ra lý do sợ giáo viên “trù” thì khổ con.

Nhưng họ có hiểu rằng, chính giáo viên cũng không bằng lòng với nhiều khoản thu trong trường, họ làm chỉ vì phải thi hành lệnh của Hiệu trưởng còn chính các thầy cô cũng không được “sơ múi” gì từ những khoản thu ấy.

Lạm thu trường học vẫn luôn là chuyện nóng. Ai cũng biết, cũng hiểu nhưng lại chẳng có ai đứng ra tranh đấu để xóa bỏ. Người nào cũng chọn cách im lặng, “mũ ni che tai” thì đến bao giờ chuyện lạm thu mới được chấm dứt?

Thảo Ly