LTS: Cứ đến thời điểm tựu trường, các phụ huynh (đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn) lại phải lo lắng đến những khoản thu đầu năm học.
Cô giáo Đỗ Quyên chia sẻ những câu chuyện về tiền trường và gánh nặng đè nặng lên vai các bậc phụ huynh.
Qua đó, cô bày tỏ hi vọng các nhà trường đừng vì những khoản hoa hồng mà "vẽ ra" thêm nhiều khoản đóng góp không cần thiết với học sinh.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Song song với niềm vui mùa tựu trường của con là nỗi trăn trở lo toan của ba mẹ về những khoản tiền trường con phải đóng.
Với những gia đình công chức dù khó khăn nhưng ít nhiều đã có những khoản thu nhập cố định hàng tháng để họ biết cách thắt chặt các khoản chi tiêu góp nhặt, dành dụm tiền cho con mùa tựu trường.
Nhưng với những người lao động phổ thông, tiền kiếm được cũng bấp bênh như người chơi chứng khoán.
Thế nên, tiền nộp học cho con vào mỗi mùa tựu trường luôn là gánh nặng trĩu vai, nỗi âu lo hằn trên từng khóe mắt các bậc cha mẹ. Nghẹt nỗi cứ mỗi năm, tiền trường lại tăng lên đến chóng mặt.
Những khoản tiền đầu năm làm các gia đình nghèo thêm gánh năng. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
“Ma trận” tiền trường
“Tiền trường” là tên gọi chung các khoản tiền mà phụ huynh đến trường nộp cho con. Trong hàng chục khoản tiền phải nộp ấy, có những khoản tiền thu hộ cho cơ quan bảo hiểm như tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.
Một số khoản tiền phục vụ nhu cầu chính đáng của học sinh như tiền ấn phẩm, tiền học phí theo quy định ở hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, tiền học buổi 2 của học sinh tiểu học.
Ngoài ra, nhiều trường học lại bao đồng khi “bao sô” mọi khoản tiền khác như tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập, nước uống, tiền ủng hộ bạn nghèo, mua tăm, bút viết cho người khuyết tật...
Có trường lại “đẻ” thêm nhiều khoản tiền vô lý khác như tiền trang trí phòng học, tiền bảo dưỡng máy tính, tiền quỹ lớp, quỹ đội, hỗ trợ lớp bán trú, tiền trực trưa, tiền bảo vệ, tiền xây tường rào và mua giường, tiền bồi thường đất xây dựng trường, tiền xây dựng nhà vệ sinh dành cho cha mẹ học sinh, quỹ khuyến học, hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền điện, tiền công tác tình nghĩa với giáo viên…
Vì sự “bao đồng” và nhiều khoản tiền phi lý như thế nên có trường học đã thu đến vài triệu đồng/học sinh. Làm sao để gánh nặng tài chính khi con vào năm học mới bớt oằn trên đôi vai những bậc cha mẹ?
Chẳng có cách nào khác ngoài việc từng nhà trường chỉ nên làm đúng chức trách của mình là dạy và học.
Vì sao nhà trường ôm đồm thu nhiều khoản tiền?
Những câu chuyện buồn đầu năm học |
Có rất nhiều người đặt câu hỏi “vì sao nhà trường thường ôm đồm đủ thứ công việc như bán bảo hiểm, bán sách vở đồ dùng, bán đồng phục…”?
Câu trả lời đơn giản nhưng chính xác cũng từ hai chữ Hoa hồng.
Tiền hoa hồng được công ty bảo hiểm trích lại hàng năm không nhỏ mà còn được “biệt đãi” riêng như thưởng cho Hiệu trưởng, kế toán những chuyến du lịch miễn phí, những phần quà hấp dẫn.
Hoặc chỉ một bộ sách giáo khoa lớp 2, nhà trường bán theo giá bìa 178 ngàn đồng nhưng ra hiệu sách sẽ được giảm tới 30% là hơn 50 ngàn đồng.
Nếu bán với số lượng dăm trăm bộ sách như thế thì số hoa hồng nhận được không hề nhỏ…
Rồi tiền đồng phục mua trong trường bao giờ cũng đắt hơn ở ngoài mỗi bộ đồ từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng. Chưa nói đến những khoản tiền vô lý nhiều trường tự “đẻ” ra như trên.
Trả về đúng vị trí
Tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn học sinh thường chiếm khoảng 50- 60% số tiền học sinh phải đóng ở nhà trường (mức đóng của trường bình thường).
Nếu như cơ quan bảo hiểm và các cơ quan y tế làm tốt công tác tuyên truyền, khám chữa bệnh thì khoản tiền bảo hiểm phải thu hàng năm chẳng có gì vất vả.
Thấy ích lợi, người dân tự tìm đến bảo hiểm để mua cho con mình chứ không phả nhờ đến các trường học vừa vận động, vừa ép buộc học sinh phải đóng như hiện nay. Bởi thế, đây cũng là gánh nặng cho nhiều giáo viên chủ nhiệm ở trường học.
Ngoài một số tiền học sinh phải đóng như tiền ấn phẩm, tiền vệ sinh (thuê người dọn dẹp nhà vệ sinh cho các em), tiền ghế ngồi chào cờ… những khoản tiền khác như đồng phục, nước uống, sách vở, đồ dùng học tập… nên để phụ huynh tự lo.
“Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán |
Gia đình có điều kiện họ mua hoặc may mới đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập. Gia đình khó khăn các em có thể dùng đồ cũ của anh chị.
Nước uống nên khuyến khích học sinh mang theo. Riêng công tác từ thiện nên để người lớn hoặc các cơ quan tổ chức chính quyền giúp đỡ.
Ngoài ra, một số khoản tiền vô lý kể trên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thanh tra và xử lý thật nặng Hiệu trưởng nhà trường nếu có vi phạm. Chắc chắn tình trạng lạm thu sẽ không còn.
Nhưng chỉ xử lý nửa vời bằng cách khiển trách, chuyển đi trường khác hoặc lên phòng làm chuyên viên thì lạm thu năm này sẽ còn tiếp diễn ở những năm học khác.
Gánh nặng tiền trường rút ngắn con đường học tập của học sinh
Một ngày công của người lao động tự do trung bình chưa tới 200 ngàn đồng nhưng không phải lúc nào cũng có việc.
Việc làm bấp bênh phụ thuộc nhiều vào vụ mùa, thời tiết… Ngày làm tối mặt tối mũi, ngày ngồi chơi dài đợi việc…
Nếu gia đình có hai lao động chính còn đỡ, có nhà chỉ mình mẹ phải oằn lưng lo cho cả mấy đứa con.
Chị Lan một lao động ở quê chia sẻ: “Chồng mất để lại cho tôi 4 đứa con nheo nhóc, hàng ngày tôi đi nhổ cỏ vun gốc mì, tiền công chỉ được 200 ngàn đồng nhưng có ngày không có việc lại ở nhà.
Có thể ăn đói một chút nhưng con đi học phải có tiền. Tôi đã cho đứa lớn nghỉ học năm lớp 8 vì không thể lo nổi. Nó ở nhà cũng đi làm thuê, dù thương con nhưng cũng chẳng làm gì được”.
Tự nguyện – Chiếc bánh có độc dành cho cha mẹ học sinh |
Chị Hà người nhặt ve chai nói: “Tôi có chồng phụ thêm nhưng lo cho 3 đứa con vào học đợt này phải đi vay tiền lãi”.
Gánh nặng tiền trường đã rút ngắn con đường học tập của nhiều học sinh, một đồng nghiệp của tôi dạy cấp 2 nói:
“Lớp em chủ nhiệm năm vừa rồi có tới 5 học sinh nghỉ học, em vào nhà động viên gia đình cho em đi học lại, có người nói:
‘Gia đình tôi không có tiền đóng nhà trường. Tôi cho nó nghỉ để đi làm kiếm tiền nuôi bầy em của nó. Cho nó đi học thầy cô có đóng tiền giúp nó không’ ”?
Tôi hiểu vì sao tỉ lệ học sinh bỏ học ngày càng gia tăng, có trường học chỉ trong một năm học, con số học sinh bỏ học đã gần trăm em.
Chẳng phải các em không muốn đến trường, chẳng phải ba mẹ các em muốn con thất học. Chỉ đơn giản họ không có đủ tiền để cho con thực hiện ước mơ vì các khoản đóng góp ngày một nhiều mà thu nhập của họ ngày lại một ít đi.
Ngăn dòng bỏ học cho những trẻ em nghèo thì lương tâm của người lãnh đạo trong mỗi trường học lại là quan trọng nhất.
Đừng vì những đồng hoa hồng bạc bẽo kia mà lạnh lùng chất lên vai cha mẹ các em gánh nặng tiền bạc để trực tiếp tước đi những năm tháng học trò tươi đẹp của các em.
Tài liệu tham khảo:
http://www.baomoi.com/phu-huynh-buc-xuc-vi-nhieu-khoan-thu-vo-ly-cua-truong-mam-non/c/20274853.epi
http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/ep-phu-huynh-nop-nhieu-khoan-tien-vo-ly-585911.html