Nam sinh nghèo viết thư cầu cứu Chủ tịch nước sẽ học trường dân lập

20/02/2014 14:24
Xuân Trung
(GDVN) - Thông tin mới nhất từ Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày mai (21/2), em Đỗ Hồng Sơn sẽ chuyển sang học tại Trường THPT Dân lập Phan Bội Châu (Thanh Xuân, Hà Nội).

Liên quan tới sự việc em Đỗ Hồng Sơn, sinh năm 1997, học sinh lớp 11A5 trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) bị nhà trường buộc thôi học do không có hộ khẩu thường trú Hà Nội, lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng giải thích về vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên, bà Tâm nói thêm việc cho em Sơn nghỉ học là dựa vào Quy định tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội, hơn nữa đối với trường công lập học sinh phải có hộ khẩu thường trú Hà Nội vì ngân sách thành phố cấp chỉ cho trường công, với những em không có hộ khẩu Hà Nội thì có thể học dân lập.

Trường THPT Trần Hưng Đạo buộc thôi học một học sinh vì không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Trường THPT Trần Hưng Đạo buộc thôi học một học sinh vì không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm cũng cho biết thêm, khi vào học lớp 10 em Sơn và gia đình đã viết bản cam kết để lo hộ khẩu, nhưng đến hết năm học vẫn chưa lo được, tới đầu năm lớp 11 gia đình lên xin nhà trường và làm cam kết tiếp. Đây là lần thứ 3 gia đình làm cam kết.

“Những lần đầu nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ vì gia đình em Sơn cũng hoàn cảnh và bận việc. Với gia đình em Sơn chúng tôi đã làm rất nhiều bước để nhắc nhở gia đình hoàn thiện hồ sơ, nhưng tới thời điểm này gia đình vẫn chưa hoàn thiện được nên không đủ điều kiện để Sơn được học tiếp” bà Tâm cho biết.

Lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định, không phải trường không nhắc nhở gia đình lo cho Sơn đi học, nhưng gia đình không muốn hay như thế nào đó bỏ mặc Sơn, có những thời điểm nhà trường đã mời gia đình lên làm việc rất nhiều về chuyện này. 

Qua điện thoại, giọng ông Đỗ Văn Tuyên (phụ huynh học sinh Đỗ Hồng Sơn, quê quán Hải Phòng) dường như đang  rất lo lắng, khi nói với phóng viên ông Tuyên cho biết, Sơn thực tế học ở Hà Nội đã được 4 năm (cả các năm THCS). Và hiện giờ do chưa làm được hộ khẩu thường trú nên nhà trường đề nghị Sơn phải nghỉ học tới khi lo xong hộ khẩu.

“Hộ khẩu thì tôi đang tiến hành làm nhưng nhà trường không cho mình chờ. Sơn đã nghỉ học tính tới lần này là lần thứ 3, cũng là lần nghỉ lâu nhất (hơn 3 tuần chính khóa). Tôi chỉ biết động viên cháu ở nhà tham khảo sách vở và chờ nỗ lực của gia đình và nhà trường kết hợp với nhau để cho cháu đi học.

Quan điểm gia đình, con tôi là công dân Việt Nam, hơn nữa cháu thi vào trường còn thừa điểm, học hành, đạo đức tốt, 11 năm là học sinh tiên tiến. Con tôi phải có quyền lợi được đi học” ông Tuyên nói lớn.

Theo người cha này, ông và vợ chỉ làm nghề tự do vá xăm xe ngoài đường, hai vợ chồng giúp đỡ nhau trong công việc để có tiền nuôi các con ăn học. Ông Tuyên cho biết, do thu nhập không đủ sống nên tiền nuôi con ăn học đang phải nhờ người giám hộ, vì sinh hoạt ở Hà Nội rất đắt đỏ. 

Cũng theo người cha này, được sự giúp đỡ của Sở GD&ĐT Hà Nội, thì Sơn sẽ được tiếp nhận vào một trường ngoài công gần nhà: “Dù có khó khăn, chuyển sang bên trường ngoài công lập mất thêm vài trăm nhưng gia đình không để cháu phải nghỉ học. Vợ chồng tôi lo được, dù nghèo thì nghèo thật, tôi có tay chân vẫn lao động được không lý gì con không được đi học" bố của em Sơn trao đổi.

Thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Hiệp Thống, phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sáng nay lãnh đạo Sở đã mời hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (trường mà cháu Sơn đã từng theo học) và mẹ của em Đỗ Hồng Sơn lên để trao đổi làm rõ sự việc.

Sau buổi làm việc, mẹ em Sơn là chị Trịnh Thị Hà Hải thừa nhận đã sơ suất chưa làm được hộ khẩu cho Sơn đi học và nhiều lần nhà trường THPT Trần Hưng Đạo nhắc nhở về hạn cam kết làm hộ khẩu từ khi nhập học. 

"Quan điểm của Sở GD&ĐT là không để cháu thất học, không học trường công lập thì học trường dân lập. Ở Hà Nội có 107 trường ngoài công lập để cháu Sơn có thể đến học và Sở GD&ĐT sẽ sẵn sàng giúp đỡ em vào học” ông Thống cho biết.

Như vậy, theo gợi ý của Sở GD&ĐT Hà Nội, và cũng đã hỏi ý kiến phụ huynh sẽ tạo điều kiện cho Sơn học tại Trường  THPT Dân lập Phan Bội Châu (Thanh Xuân) ở gần nhà và bố mẹ em đã đồng ý.

Trước đó, em Đỗ Hồng Sơn đã viết một bức thư dài chan chứa nỗi niềm gửi lên Chủ tịch nước Việt  Nam Trương Tấn Sang với mong muốn được đi học trở lại. Trong thư, Sơn trình bày nguyện vọng chỉ mong được đi học, nhưng do nhà nghèo chưa lo được hộ khẩu thưởng trú nên nhà trường cho nghỉ học. 

Bức thư của Sơn nhanh chóng được lan truyền trên mạng và đến với nhiều độc giả. Cuối bức thư Sơn chỉ khẩn cầu: “Cháu chỉ mong muốn được đi học nhưng bố mẹ cháu bảo nếu phải chuyển sang trường dân lập thì cháu sẽ phải nghỉ học vì gia đình cháu không có tiền đóng học cho cháu”.

Trong Văn bản hướng dẫn về tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2013 có quy định: Độ tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Học sinh có hộ khẩu thường trú (HKTT) hoặc bố (mẹ) có HKTT tại Hà Nội hoặc học sinh đã hoàn thành thủ tục nhập HKTT, có giấy hẹn nhận kết quả của công an quận, huyện, thị xã.

Như vậy, theo quy định này điều kiện của em Đỗ Hồng Sơn là chưa đủ. Tuy nhiên, nếu chỉ là vướng mắc vấn đề chuyển đổi hộ khẩu thường trú mà để cho một học sinh nghỉ học tới gần một tháng thì phải chăng trách nhiệm thuộc về cả gia đình và nhà trường?

Xuân Trung