LTS: Những năm gần đây, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng cao, từ đó dư luận lại đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ và trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước của Bộ GD&ĐT. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Cảnh báo nguy cơ thất nghiệp từ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI
PV: Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, ông từng có một thời gian dài công tác tại Quốc hội và cũng từng giảng dạy ở nhiều trường đại học. Ông đánh giá thực chất giáo dục của nước ta đã đổi mới đến mức độ nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong hàng chục năm qua, giáo dục Việt Nam đã đào tạo và cung cấp cho xã hội đội ngũ nhân lực về cơ bản đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các ngành nghề, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện đường lối Đổi Mới, đưa nước ta ra khỏi khu vực các nước nghèo.
Tuy nhiên, vì chỉ chú trọng mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ xã hội mà coi nhẹ mục tiêu hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực cá nhân, đồng thời lại muốn nhanh chóng vươn lên thứ bậc cao trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và chỉ số phát triển con người nên giáo dục nước ta thiên về phát triển số lượng (số người đi học, số năm học bình quân, số trường ĐH-CĐ); nội dung các môn học, kể từ bậc học phổ thông đến đại học chưa thoát khỏi tình trạng kinh viện; phương pháp giáo dục ít quan tâm đến cá thể hoá; năng lực thực tiễn, năng lực sáng tạo của người học yếu…
Bên cạnh đó, cách quản lý GD-ĐT vẫn ôm đồm, bao cấp; những hiện tượng tiêu cực như chạy điểm, chạy trường, gian dối, dạy thêm học thêm tràn lan… kéo dài, gây bức xúc cho xã hội. Đó là những hạn chế của GD-ĐT hiện nay.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang |
GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngay từ cuối năm 2004, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XI, tôi đã báo cáo với Quốc hội nguy cơ lãng phí và thất nghiệp nếu phát triển quy mô đào tạo ĐH không hợp lý.
Theo tôi, để giải quyết đúng đắn vấn đề quy mô GDĐH, phải dựa vào ít nhất là ba tham số: Thứ nhất là nhu cầu nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Thứ hai là khả năng hiện tại của nền kinh tế; Thứ ba là khả năng của các trường ĐH.
Về nhu cầu nhân lực, cả nước ta lúc đó có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần từ 5 - 7% cán bộ có trình độ đại học, 8% cán bộ có trình độ cao đẳng, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông.
Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13.000 đến 15.000 cán bộ là đủ, nhưng ngay tại thời điểm đó mỗi năm các trường ĐH và CĐ cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người (hiện nay là 400.000 người).
Về khả năng của các trường ĐH, tỷ lệ giảng viên/sinh viên ở nước ta là 1/28 (mới chỉ tính SV chính quy, còn nếu tính cả các loại hình đào tạo khác thì có trường tỷ lệ GV/SV lên tới 1/40), trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ này là 1/15 hoặc 1/20.
Đầu tư cho giáo dục theo đầu người của nước ta thấp hơn Singapore 16,7 lần, thấp hơn Malaysia 13,5 lần, thấp hơn Thái lan 6,6 lần... trong đó, đầu tư cho khu vực ĐH chỉ bằng 10,2 % tổng đầu tư cho giáo dục.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong chiến lược phát triển GDĐH thời gian qua, sai lầm lớn nhất là chạy theo số lượng. Chuyện này cũng giống như trong lĩnh vực kinh tế, để đạt các chỉ tiêu phát triển, chọn giải pháp tăng vốn đầu tư là cách dễ dàng nhất.
Nhưng rót vốn nhiều mà không hiệu quả thì lãng phí, không chống được tham nhũng thì chỉ “đục nước béo cò”. Việc mở trường ĐH-CĐ dễ dãi có nguyên nhân từ bệnh thành tích, nhưng dư luận cũng cho rằng không phải không có nguyên nhân từ lợi ích nhóm.
Cái con số 400 SV/10.000 dân dựa trên thông tin là ở nhiều nước xung quanh ta và trên thế giới con số đi học ĐH là khoảng 400-450/10.000 dân, nên mình phải chạy đua theo. Nhưng tôi ngờ rằng con số đó bị hiểu lầm.
Vì ở nước ngoài người ta đi học suốt đời, hễ thấy nội dung nào cần cho công việc của mình là ghi danh vào học nội dung đó nên 400-450 người/1 vạn dân ghi tên học ĐH thì không phải tất cả số đó học toàn bộ chương trình như một sinh viên để lấy bằng. Họ đi học để lấy kiến thức hoặc lấy một số chứng chỉ thôi, chứ không học tại chức cốt lấy bằng ĐH để đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ như ở ta.
Ngay từ khi Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ tiêu 400-450 SV/10.000 dân, tôi đã nói con số ấy không chính xác nhưng không ai nghe. Nghị quyết của Đại hội XI vẫn xác định 400-450 SV/10.000 dân.
Sau đó ít lâu, Chính phủ ký Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020, theo đó số sinh viên ĐH Việt Nam trên 1 vạn dân là 400, rút 50 SV so với con số đưa ra ở Đại hội.
Đến 2 năm sau, Chính phủ ra Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, trong đó chỉ tiêu số SV/10.000 dân được xác định lại là khoảng 256, tức là giảm tới 46% so với chỉ tiêu được xác định trước đó 2 năm. Điều đó càng chứng tỏ chỉ tiêu ban đầu không chính xác, không có một căn cứ khoa học nào cả.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang là bài toán khó của Việt Nam. |
GS Nguyễn Minh Thuyết: Quả thực Bộ GD-ĐT vẫn sa vào nhiều việc quá chi tiết, như ra đề, tổ chức coi thi, chấm thi, duyệt điểm sàn trong các kỳ thi tuyển sinh; thậm chí trước đây còn “ôm” cả khâu in tài liệu hướng dẫn tuyển sinh, in và cấp phôi bằng ĐH... Tôi cũng hiểu một trong những lý do khiến Bộ GD- ĐT phải ôm đồm như thế là lo lắng, sợ thả ra, các trường không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Phải nói thẳng là hiện nay, bên cạnh những trường tốt thì nhiều trường còn chạy theo lợi ích kinh tế, đào tạo không đảm bảo chất lượng. Chất lượng nhân lực thấp tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong điều kiện thị trường lao động của mình chưa hoàn chỉnh, chưa vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Thực ra mỗi đằng đều có thuận lợi và khó khăn riêng. Đó là điều khi mở trường đã biết rồi: trường công lập được ngân sách nhà nước đầu tư, còn trường ngoài công lập phải tự trang trải bằng vốn của mình.
Riêng về kinh phí nghiên cứu khoa học và kinh phí gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình 322, 911 thì trên nguyên tắc cả trường công lập lẫn ngoài công lập đều được ngân sách nhà nước đài thọ, miễn là trúng tuyển.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít trường ngoài công lập được nhận các đề tài nghiên cứu khoa học. Điều này cần được quan tâm hơn. Nhưng việc một số trường ngoài công lập phàn nàn bị đối xử thiếu công bằng có lẽ chủ yếu là trong chuyện tuyển sinh.
Một số người cho rằng nhiều trường công lập “tận thu” thí sinh quá, khiến trường ngoài công lập không còn cơ hội tuyển đủ sinh viên.
Tôi thì không nghĩ như vậy. Theo tôi, cả trường công lập lẫn ngoài công lập, trường nào có chất lượng đào tạo tốt, có ngành nghề được thị trường lao động hào hứng đón nhận thì hấp dẫn được người học, còn ngược lại thì rất khó tuyển sinh.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!