Nên chuyển tuyển sinh "3 chung" thành "2 chung"

20/10/2011 17:56
Thiện Thành
(GDVN) - Nhiều đại biểu cho rằng, nên chuyển cách tuyển sinh “3 chung” như hiện nay thành “2 chung” để các trường ngoài công lập bớt khó khăn.
Sáng 20/10/2011, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã tổ chức Hội thảo về tuyển sinh tại TP.HCM dưới sự chủ trì của GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội.

Phải xóa hẳn tư duy bao cấp trong giáo dục đại học

Hội thảo đã thu hút hơn 20 Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tại TP. HCM, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… tham gia.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương cho rằng: “Chúng ta cần xóa bỏ tư duy về bao cấp trong giáo dục đại học. Nước chúng ta còn nghèo nên phải làm theo kiểu con nhà nghèo. Vài chục năm trước chúng ta là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng hiện tại trình độ phát triển của ta thua hẳn các nước trong khu vực. Vì vậy, cần phát triển mạnh mẽ về giáo dục để đưa nước ta phát triển. Trong tình hình hiện nay, ngân sách khó khăn càng tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta phải tìm cách xóa bỏ việc bao cấp. Nhà nước không đủ sức làm thì hãy giao lại cho tư nhân”.

Theo ông Lê Hồng Minh, thay vì bao cấp ở giáo dục đại học thì nhà nước nên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông.

Đồng thời, nhà nước chỉ đầu tư đào tạo một số ngành nghề mà tư nhân không được phép làm như Quốc phòng, Anh ninh, Khai khoáng… và các ngành đào tạo người tài theo hướng nghiên cứu. Ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh: “Ngân sách có hạn mà nhà nước lại ôm quá nhiều nên đầu tư dàn trải khiến hiệu quả không cao. Thay vì trực tiếp làm, nhà nước nên đứng trên vai trò quản lý, giám sát để định hướng sự phát triển cho giáo dục Việt Nam”.

Còn ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM cho rằng, chính vì sự bao cấp đã “đẻ” ra cơ chế xin - cho. Hàng năm, Bộ dựa vào các tiêu chí nào để xác định chỉ tiêu giao cho từng trường? Nếu xóa bỏ bao cấp, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập mới được cạnh tranh công bằng và phát triển mạnh mẽ.
Phải xóa hẳn tư duy bao cấp trong giáo dục đại học
Phải xóa hẳn tư duy bao cấp trong giáo dục đại học
Trường ngoài công lập không phải là doanh nghiệp

Ông Lê Hồng Minh cho rằng, mỗi năm các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đóng góp cho nhà nước hàng chục tỷ đồng tiền thuế, tạo cho xã hội hàng chục ngàn chỗ học tập nhưng vẫn bị đối xử như một doanh nghiệp.

Đơn cử, tại trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, tỉnh Bình Dương không cấp đất mà trường tự bỏ tiền túi ra đi mua. Khi vay tiền đầu tư cơ sở vật chất vẫn bị tính lãi như một doanh nghiệp. Ông Lê Hồng Minh cho biết: “Mỗi năm chúng tôi làm ra 6 tỷ nhưng chi ra hết 17 tỷ. Như vậy, mỗi năm chúng tôi lỗ hết 11 tỷ. Chuyện tuyển sinh mà vẫn khó khăn như hiện nay thì khoảng 10 năm nữa chúng tôi sẽ phá sản”.

Tương tự, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, xã hội thường mặc định các trường ngoài công lập là siêu lợi nhuận nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu không tin, nhà nước cứ mời một người giỏi về Quản trị kinh doanh hoặc Kiểm toán vào làm việc thì sẽ rõ ràng thôi.

Lãnh đạo các trường ngoài công lập toàn là những người có tâm huyết, muốn công hiến cho sự nghiệp trồng người nên mới bỏ tiền để đầu tư. Vì vậy, không thể đánh thuế các trường ngoài công lập như một doanh nghiệp. TS Nguyễn Mạnh Hùng kết luận: “Trường chúng tôi đã lỗ 6 năm qua và đang mắc nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng”.

TS Trần Hành, Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng Đồng Nai cho rằng, với cơ chế đánh thuế 28% khi nhà trường không đạt chuẩn 55m2/sinh viên là hết sức vô lý và bất công. Các trường công lập cũng không đạt được “con số mơ ước” đó thì có bị đánh thuế không?
GS Trần Hồng Quân: Việc bỏ phương án tuyển sinh 3 chung là cần thiết
GS Trần Hồng Quân: Việc bỏ phương án tuyển sinh 3 chung là cần thiết
Bỏ ngay “3 chung” ở mùa tuyển sinh 2012

Bức xúc và mong muốn nhất của các trường ngoài công lập hiện nay là xóa bỏ việc tuyển sinh 3 chung và giao quyền tự chủ cho các trường. Bà Bùi Thị Minh Hằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Mê Kông cho rằng: “Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trên 90% nhưng điểm thi tuyển sinh đại học quá thấp là nghịch lý trong giáo dục ở nước ta. Tuy nhiên, chỉ vì một vài tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao mà duy trì 3 chung là không thỏa đáng và đi ngược lại với việc tự chủ trong giáo dục đại học. Chúng ta cần xóa bỏ ngay 3 chung ở mùa tuyển sinh 2012 mà thay vào đó là 2 chung (chung đề, chung đợt thi) rồi 1 chung”.

Còn ông Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Yersin Đà Lạt cho biết, chính 3 chung đã đẩy trường ông vào thế hoạt động cầm chừng. Hiện tại, toàn trường chỉ có 2.200 sinh viên. Đến năm sau có 900 sinh viên ra trường thì chỉ còn 1.300 sinh viên. Mùa tuyển sinh chỉ tuyển được 300 – 400 sinh viên thì trường ông không đủ 2.000 sinh viên. Ông Phong kết luận: “3 chung đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm và cần thay thế ngay bằng phương án tuyển sinh khác”.

TS Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, xã hội và Bộ GD – ĐT cứ lo lắng bỏ 3 chung thì các trường ngoài công lập sẽ vơ vét thí sinh và cho ra trường những sản phẩm kém chất lượng. Trên thực tế, nguyên liệu kém nhưng công nghệ tốt thì vẫn cho ra lò những sản phẩm tốt. Vì thế, các trường ngoài công lập phải tự khẳng định mình. Có thể điểm sàn của các trường ngoài công lập thấp nhưng chất lượng đầu ra phải cao.

TS Hùng dẫn chứng, trường ĐH Quốc tế RMIT đâu có tuyển sinh 3 chung, đầu vào cũng đâu có cao nhưng RMIT vẫn cho ra trường những sinh viên đầy bản lĩnh, có kiến thức, trình độ chuyên môn cao đã được cả xã hội thừa nhận. TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải bỏ ngay 3 chung ở mùa tuyển sinh 2012 để thí sinh bớt căng thẳng, xã hội bớt âu lo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, GS. TS Trần Hồng Quân cho rằng, việc bỏ phương án tuyển sinh 3 chung là cần thiết. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập sẽ tìm kiếm phương án tuyển sinh khả dĩ để kiến nghị với Bộ GD – ĐT khi thay thế 3 chung.

Sau Hội nghị ở TP. HCM, vào ngày 21, 22/10/2011, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị ở Đà Nẵng và Hà Nội để lắng nghe ý kiến của các trường, sau đó sẽ tổng hợp và có văn bản gửi Bộ GD – ĐT.
Thiện Thành