Nếu dạy học kiểu “thầy đọc – trò chép” thì robot làm tốt hơn người thầy

03/08/2019 06:26
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, trong thời đại 4.0, việc dạy và học, nói ngắn gọn, cần được thay đổi theo hướng “phải dạy học sao cho khác và hơn robot".

Từ khoảng đầu thế kỷ 21 sự phát triển nhảy vọt của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4  với nền sản xuất thông minh.

Hiện nay ở khắp mọi nơi người ta nói về cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó tìm hiểu bản chất của cuộc cách mạng này là một việc cần thiết. Và trong cuộc cách mạng đó, giáo dục đại học cần phải đổi mới như thế nào?

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Đại học Thăng Long thông tin, công nghệ số phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, và ngày nay đạt đến thời kỳ chuyển đổi số (digital transformation).

Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội, làm cho cuộc sống và công việc của con người tốt đẹp và hiệu quả hơn.

Liên quan đến công nghệ số hiện đại, một loạt loại hình công nghệ mới ra đời: Dữ liệu lớn (Big-Data), Internet Vạn vật (Internt of Things), Chuỗi-khối (Blockchain), Học máy (Machine learning - một bộ phận của Trí tuệ nhân tạo) …

Với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, rõ ràng dữ liệu đóng vai trò quan trọng trung tâm. Cho nên, Deming W. Edwards, một nhà tư tưởng nổi tiếng về chất lượng và thống kê đã nói “Ta tin ở Thượng đế. Mọi thứ còn lại là dữ liệu” (In God we trust. All others bring data”).

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh, việc đáp ứng của giáo dục đại học trong trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thể hiện ở 2 khía cạnh: một là tận dụng khai thác những ưu thế của thời chuyển đổi số để phát triển giáo dục đại học; hai là tìm cách thích nghi với những thành tựu của thời chuyển đổi số. 

Giáo sư Lâm Quang ThiệpThiệp nêu, có thể nói công nghệ cao nhất thời chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Lâm Quang ThiệpThiệp nêu, có thể nói công nghệ cao nhất thời chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nêu rõ, trong những năm qua trên thế giới đã ra đời nhiều các hoạt động, mô hình nhằm khai thác những ưu thế của chuyển đổi số để triển khai giáo dục đại học. Nhiều hình thức E-Learning ra đời, đặc biệt là các kiểu  Giáo dục mở và Từ xa (ODL). 

Các sáng kiến nổi bậc là OCW (Giáo trình mở - OpenCourseWare) được phổ biến vào đầu thập niên thứ nhất và MOOC (khóa học trực tuyến-mở đại trà - massive open online course) phổ biến vào đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21. 

Và việc xuất hiện nhiều cyber university trong vài thập niên qua. Nhiều nước đã sử dụng giáo trình mở và bản địa hóa các khóa học trực tuyến.  

Để khai thác ưu thế của thời chuyển đổi số, giáo dục đại học nên cung cấp những nhận thức về việc chuyển đổi số và chuẩn bị kỹ năng lao động mới; rèn luyện tư duy và phương pháp làm việc dựa vào dữ liệu (data-driven), đồng thời thay đổi chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Khi nói đến việc khai thác ưu thế của thời kỳ chuyển đổi số, người ta thường nhấn mạnh đến việc học trực tuyến, vì nhiều người hình dung rằng loại hình học tập này sẽ thúc đẩy tăng nhanh số lượng nhập học và giảm chi phí xây dựng và triển khai. 

Trước cơ hội trở thành công dân toàn cầu, em phải làm gì?

Tuy nhiên theo các số liệu thống kê trong thập niên vừa qua trên thế giới việc học trực tuyến không chứng tỏ được các ưu thế nói trên.  

Các khảo sát đối với nhiều trường đại học và nhiều sinh viên cho thấy sự kết hợp giữa học tập trực tuyến và kiểu học truyền thống có thể là lựa chọn tốt nhất.

Do đó cần phải tăng cường kết hợp phương thức học trực tuyến với kiểu học truyền thống trong hoạt động dạy và học ở các trường đại học. 

Rõ ràng, nếu việc khai thác ưu thế của thời chuyển đổi số không đơn giản, thì sự thích ứng với những thành tựu của thời chuyển đổi số cũng rất phức tạp. Muốn triển khai tốt phải xây dựng lại hoặc điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học trong giáo dục đại học. 

Giáo sư Thiệp nêu ví dụ, có thể nói công nghệ cao nhất thời chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo.

Với thành tựu của trí tuệ nhân tạo công nghệ học máy, người ta có thể thiết kế ra các robot làm được rất nhiều việc khác nhau, và nói riêng trong giáo dục, có thể tạo nên các robot dạy học.

Vậy thì trong thời đại chuyển đổi số của cách mạng công nghiệp 4.0, việc dạy và học, nói ngắn gọn, cần được thay đổi theo hướng “phải dạy học sao cho khác và hơn robot”.

“Nếu dạy học theo kiểu cung cấp thông tin, “thầy đọc – trò chép” thì rõ ràng robot làm tốt hơn người thầy bình thường rất nhiều. Các tiêu chí để chọn phương pháp dạy học 3C được nêu trong Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học vẫn còn có tác dụng hiện nay, đó là:

Tập trung chú ý vào Cách học; phát huy mạnh mẽ là tính Chủ động của người học; và khai thác triệt để Công nghệ thông tin và truyền thông mới”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp đề xuất. 

Thùy Linh