Nghề dạy học cần lắm hiểu và thương

21/09/2019 06:39
Tùng Dương
(GDVN) - Mỗi năm học sinh lại khác nhau nên tôi áp dụng một phương pháp khác cho phù hợp, nhưng cũng là để khuyến khích các em tự giác học và làm bài tập nghiêm túc.

Giữa biển thông tin khiến không ít người có cái nhìn u ám về giáo dục, vẫn có những nhà giáo âm thầm, cần mẫn, tận tâm với công việc trồng người. Những người thầy, người cô ấy luôn mang đến ngọn lửa sưởi ấm trái tim học trò và giúp hết lớp này đến lớp khác nên người.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Huệ - Giáo viên dạy lớp 4A Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ:

“Tôi còn nhớ kỷ niệm về một em học sinh thường xuyên tâm sự với tôi hàng ngày, bố em làm nghề lái tàu và mẹ cũng trong ngành đường sắt nên cả bố và mẹ đi làm suốt, tuy mới học lớp 4 nhưng em đó hoàn toàn tự làm hết mọi việc khi về nhà.

Em đó tự nấu cơm ăn và ở nhà một mình, có khi đến mấy ngày mới được gặp bố mẹ. Bản thân tôi cũng rất lo lắng cho em nên ngày nào đến trường 2 cô trò cũng ôm nhau rồi nói chuyện, tôi hỏi xem hôm qua ở nhà em có gặp khó khăn gì không, em ăn uống thế nào, giấc ngủ ra sao…?

Cô Nguyễn Thị Thu Huệ: “Tôi luôn tự nhủ rằng phải cố gắng làm sao để hiểu và làm bạn với các em học sinh, tôi tâm niệm mình không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người để các em tâm sự". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Nguyễn Thị Thu Huệ: “Tôi luôn tự nhủ rằng phải cố gắng làm sao để hiểu và làm bạn với các em học sinh, tôi tâm niệm mình không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người để các em tâm sự". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi luôn tự nhủ rằng phải cố gắng làm sao để hiểu và làm bạn với các em học sinh, tôi tâm niệm mình không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người để các em tâm sự.

Cũng lạ là tôi đi dạy bao nhiêu năm nhưng chưa có em nào nói rằng là sợ cô cả. Có không ít phụ huynh phàn nàn một chút rằng cô hiền quá, cô phải ghê lên nhưng thực lòng là tôi không biết phải làm thế nào”.

Với suy nghĩ rằng mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt, nên với khóa học mới nào cô Huệ cũng dành thời gian tìm hiểu các em thông qua các giáo viên dạy các em ở lớp trước, khi đã biết được rõ những thế mạnh hoặc điểm chưa được của học sinh đó sẽ giúp cho cô có phương pháp dạy tốt hơn.

“Đối với những em có tính cách đặc biệt thì tôi thường nói chuyện riêng: Cô biết rất nhiều về con, nhưng cô nghĩ những chuyện đó thuộc về quá khứ rồi, còn bây giờ vào năm học mới mình sẽ làm những việc mới tốt hơn nhé.

Có một năm tôi dạy lớp 4A1, khóa đấy có bạn trai rất là nghịch và hay trêu các bạn khác trong lớp.

Sau đó tôi có tìm hiểu thì biết được em học sinh đó sống với bà, em thường xuyên thiếu sách vở và không làm bài, quần áo thì nhàu nát.

Nhưng lúc như vậy thì tôi lại mang sách vở đến cho em, còn phần bài tập tôi phải dạy riêng cho em trong lúc các bạn ra chơi hoặc dành một chút thời gian sau buổi học.

Khi biết được hoàn cảnh của em học sinh đó thì tôi rất là thương, tôi tìm cách nói chuyện với em hàng ngày nhiều hơn, hỏi han xem em có khúc mắc hay khó khăn gì.

Ngoài chuyện tôi kèm em đó học thì chủ yếu để nói chuyện là chính, với mong muốn làm sao em đó ổn định tâm lý vì sống xa bố mẹ

Tôi lấy những câu chuyện gần giống với hoàn cảnh của em đó để kể cho em nghe, và nhân vật trong câu chuyện đó đã xử lý các tình huống như thế này, như thế kia, nhân vật đã thay đổi như thế nào, họ đã làm gì…

Khi được nghe nhiều câu chuyện như vậy trong một thời gian dài thì tôi thấy em học sinh đó cũng có tiến bộ và chăm học hơn, không còn trêu chọc các bạn như trước.

Ngược lại có một em học sinh nam ở lớp khác nhưng em này lại bị các bạn trong lớp trêu rất là nhiều khiến cho em học sinh này rất bực bội, thường xuyên hét lên mỗi khi bị trêu và xa lánh các bạn.

Tôi lại phải gần gũi chia sẻ với em đó và các bạn trong lớp bằng những câu chuyện, và mỗi khi xảy ra tình huống gì thì tôi lại tìm những câu chuyện tương tự để nói với các em.

Qua những câu chuyện đó tôi thường hỏi xem các em sẽ xử lý thế nào, và nếu là em trong trường hợp đó em sẽ nghĩ gì, làm gì? Đồng thời tôi cũng đưa ra nhiều cách xử lý để các em chọn”, cô Huệ nói.

Quan điểm của cô Huệ là làm việc với từng bạn một vì mỗi bạn có một đặc điểm khác nhau, nhiều lúc cô Huệ phải gọi riêng bạn đó ra ngoài để nói chuyện.

“Tôi thường nói với các em là: Ra đây cô nhờ một chút, tôi phải nói tránh như vậy vì tâm lý học sinh khi thấy bạn nào được cô giáo gọi ra ngoài thì đều nghĩ bạn đó mắc lỗi.

Khi chỉ có tôi với em học sinh đó thì tôi sẽ lựa lời hỏi và giải đáp những khúc mắc, và có những em qua vài lần nói chuyện như vậy thì đã thay đổi hoàn toàn và tiến bộ hơn.

Do đặc điểm lứa tuổi nên các em rất mải chơi, chính vì vậy mà từ đầu năm học tôi đã có phương pháp thử, chia các em ra thành từng nhóm có sự tiếp thu kiến thức khác nhau, và nhóm nào cần lưu ý về vấn đề gì…

Có những nhóm chỉ làm được bao nhiêu phần bài tập, có nhóm thì làm được hết trong cùng một thời gian nên tôi hay dùng phương pháp khích lệ các em.

Đầu tiên tôi cho lượng bài tập về nhà hoặc làm trên lớp ít hơn và dễ để các em tự tin làm tốt, đó cũng là cách trao cho các em sự tự tin, rằng em có khả năng làm được”, cô Huệ chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thu Huệ và học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Nguyễn Thị Thu Huệ và học sinh trong giờ sinh hoạt lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng năm Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, luôn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên toàn trường.

Giáo viên được tiếp thu những quan điểm mới, những quan điểm đó là kim chỉ nam hướng những suy nghĩ và hành động của giáo viên luôn đi theo một mục tiêu nhất quán về phương pháp giáo dục hiện đại.

“Có một năm mà tôi rất nhớ khi còn áp dụng chấm điểm với học sinh Tiểu học, trong tháng đầu tiên của năm học mới thì các bài văn của học sinh tôi đều cho điểm 9 với những bài từ khá trở lên, những bài chưa đạt thì tôi không chấm điểm mà hướng dẫn để các em viết lại.

Phụ huynh có phản ứng rằng cô cho điểm cao quá, viết thế này mà cũng được điểm 9 hả cô? Mọi khi bài như thế này thì chỉ được điểm 7 thôi cô ạ.

Nhưng thực sự việc đó đã tạo được động lực rất lớn đối với tâm lý học sinh, hôm sau các em hỏi tôi: Hôm nay có được viết văn nữa không cô?

Tôi nói có, và những buổi đầu tôi chỉ cho viết từng đoạn ngắn, đơn giản và tăng dần với những bài văn hoàn chỉnh.

Chỉ một phương pháp nhỏ ban đầu đó thôi nhưng đã có tác dụng rất lớn, các em đã chịu khó suy nghĩ và trình bày bài viết đẹp hơn, và quan trọng hơn cả là đã rèn cho các em một suy nghĩ tích cực về môn Văn.

Từ những buổi đầu học văn đó đã khiến các em rất hào hứng, khi mà các em đã có niềm tin, có cảm hứng thì các em sẽ viết, sẽ cố gắng tìm hiểu thì các em sẽ đạt được điểm 9.

Cả năm đó học sinh rất thích môn Văn mặc dù tôi đã chấm điểm sát hơn với bài làm của các em”, cô Huệ cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thu Huệ và học sinh lớp 4A Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong ngày khai giảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Nguyễn Thị Thu Huệ và học sinh lớp 4A Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong ngày khai giảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vì mỗi năm học sinh lại khác nhau nên tôi áp dụng một phương pháp khác cho phù hợp, nhưng cũng là để khuyến khích các em tự giác học và làm bài một cách nghiêm túc, làm tiền đề cho những năm học tiếp theo.

“Môn Toán cũng có một số em học yếu. Với những em học tốt thì phải hoàn thành cả 3 câu hỏi trong một bài tập Toán thì tôi mới viết lời phê tốt hoặc chấm điểm.

Nhưng đối với những em học yếu tôi lại áp dụng phương pháp chấm điểm riêng hoặc viết những lời khen với từng câu trong bài.

Nếu em đó chỉ hoàn thành được 1 câu hỏi thì mừng lắm, nên tôi đã cho một dấu tích và tuyên dương trước lớp với mục đích tạo sự khích lệ để cho em cố gắng hơn.

Nhưng tôi cũng nâng dần mức khen lên, tuần này 1 câu là được khen nhưng tuần sau phải là 2 câu và dần dần những em đó đã làm đủ cả bài hoàn chỉnh.

Với những em ít khi được khen thì tôi thường tạo những cơ hội để cho các em được nhìn nhận bởi các bạn trong lớp, ghi nhận sự cố gắng đó để tạo động lực giúp các em tiến bộ.

Tất nhiên là trước đó tôi đã có trao đổi với cả lớp rằng: Cô sẽ áp dụng phương pháp chấm điểm từng câu trong bài để khuyến khích một số bạn cùng tiến bộ, và các em đều nhất trí với phương pháp đó”, cô Huệ nói.

Luôn động viên trẻ kịp thời

Nhưng điều tốt nhất dạy trẻ Tiểu học là phải kết hợp với phụ huynh, tôi thường trao đổi với phụ huynh rằng hôm nay ở lớp con được khen nên về nhà bố mẹ nhớ khen con nhé.

Hoặc hôm nay con chưa làm được phần tính nhân nên bố mẹ hướng dẫn con thêm nhé ở phần bài tập.

“Năm nay tôi đang làm một tờ Biểu cho các em mang về nhà, phụ huynh phối hợp với cô theo dõi và tự thưởng hoặc khen con.

Đầu tháng thì tôi phát cho các em và thu lại vào ngày cuối tháng. Trên Biểu đó có ghi những phần công việc như: Bài về nhà, chuẩn bị quần áo, giúp đỡ gia đình, yêu thương…

Khi em học sinh đó ở nhà đã làm được phần việc nào thì tích vào phần tương ứng và bố mẹ sẽ nhìn vào đó để kiểm tra xem có đúng không.

Nghề dạy học cần lắm hiểu và thương ảnh 4

Muốn học trò cá biệt mở lòng thì thầy cô phải rất chân thành

Những hành động nhỏ như yêu thương chẳng hạn, bạn đó thấy mẹ đi chợ về thì chạy lại xách túi hộ mẹ, thì đó cũng là yêu thương.

Việc quét nhà hộ mẹ thì đó cũng là giúp đỡ gia đình, tự chuẩn bị quần áo là chăm sóc bản thân, hỏi thăm bố đi làm về cũng là quan tâm đến người khác.

Cuối tháng tôi thu lại và nhìn vào đó để biết những việc mà các em đã làm ở nhà, sẽ biết việc nào làm tốt và chưa tốt để điều chỉnh các em.

Cách ghi Biểu này tạo cho các em có ý thức trong mọi công việc và kết nối sự yêu thương đối với các thành viên trong gia đình”, cô Huệ chia sẻ.

“Bước chân vào lớp tôi luôn nở nụ cười trên môi, học sinh nhìn thấy hỏi: Cô hôm nay có gì vui hả? Tôi nói rằng được gặp các em thì cô vui thôi, còn nếu trong quá trình dạy học mà tôi để í thấy em nào có nét mặt không vui thì giờ ra chơi tôi sẽ gặp riêng tìm hiểu.

Tôi thường hỏi: Thế hôm nay con làm sao vậy, có điều gì ko vui và có thể chia sẻ với cô được không? Có những em thì kể lại ngay nhưng cũng có những em không kể.

Hôm sau gặp tôi lại hỏi: Thế hôm nay hết buồn chưa, nhìn có vẻ vui rồi nhỉ, hôm qua có chuyện gì thế mà không nói cho cô biết?

Vài lần như vậy thì các em đều chia sẻ, qua đó tôi cũng nắm bắt được tâm tư của các em và có hướng giúp cho các em giải tỏa tâm lý hoặc những khúc mắc.”

Tùng Dương